Lại phải đi tìm lời giải

VH- Thực ra nó không phải là bài toán do các nhà toán học tiền bối vĩ đại của thế giới để lại cho thế hệ sau mà ai giải được cũng sẽ trở thành nhà toán học được nhận giải thưởng lớn.

Vậy mà nó vẫn làm đau đầu những nhà quản lý văn hóa tâm huyết với di sản của thời gian. Bởi dấu ấn vật chất tưởng bình thường ấy lại mang trong mình nó một thông điệp, dễ nhận biết nhất, làm xúc động lòng người nhất chính là dấu ấn thời gian. Nó đại diện cho quá khứ, nó là bệ đỡ, là cái cột để quá khứ trụ vững, neo đậu hiện tại, lan tỏa tương lai tươi đẹp.

Công trình Dinh Thượng Thơ có từ hơn 100 năm trước đang làm những nhà quản lý thành phố Hồ Chí Minh phải đau đầu tính toán việc giữ hay không giữ nó vì sự phát triển của thành phố. Một thành phố có sự phát triển hàng đầu của đất nước không thể vì bất cứ lý do gì làm chậm nhịp độ cần có và phải có của mình. Sự phát triển của thành phố không chỉ có ý nghĩa cho riêng mình mà còn có ý nghĩa thúc đẩy nhịp độ phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, những cái đầu xuất sắc của thành phố rất hiểu thế nào là phát triển bền vững. Phát triển bằng mọi giá không phải là cái phát triển thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn. Bởi thế bài toán giữ gìn di sản văn hóa, giữ gìn dấu ấn thời gian của thành phố với yêu cầu phát triển luôn được lãnh đạo thành phố cân nhắc kỹ lưỡng.

 Chính việc thuê các nhà thiết kế có kinh nghiệm của nước ngoài, rồi lại trưng bày mẫu thiết kế để tranh thủ ý kiến cộng đồng và các chuyên gia đã minh chứng cho sự thận trọng đó. Đã lấy ý kiến đương nhiên là có nhiều ý kiến khác nhau. Trong xã hội dân chủ, văn minh ý kiến đa chiều là lẽ đương nhiên. Và bài toán giữa giữ cái cũ và phát triển luôn luôn là bài toán khó không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh mà của mọi địa phương và cũng là của mọi quốc gia có lịch sử văn hóa, kiến trúc lâu đời. Cái khó đang thuộc về các nhà quản lý. Sự cân đong, đo đếm giá trị mang tính biểu tượng, ký ức thời gian thật khó cho bất cứ ai. Đặc biệt khi quy nó thành tiền bạc trong khai thác nó như một tài nguyên du lịch trong thời hiện đại thì bài toán lại càng khó tìm ra lời giải. Cái thuộc về quá khứ lại được giả định khai thác trong tương lai với hiệu quả lớn dường như là một chuyện không tưởng, nhưng thực tế cũng đã có nhiều ví dụ để minh chứng.

Mặc dù ngôi nhà ấy chưa được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, nhưng nó là ngôi nhà cổ vào bậc nhất nhì thành phố thì dấu ấn thời gian trong kiến trúc, văn hóa không thể xem nhẹ. Đặc biệt là nó với những gì xung quanh nó – cảnh quan và cảm quan của người dân thành phố. Công trình mới thật hiện đại và chắc chắn tiện dụng. Tuy nhiên, không thể không cân nhắc ý kiến về sự hài hòa của nó với công trình xung quanh. Việc xây xen kẽ các công trình mới trong một khu đã có “ngôn ngữ” kiến trúc cũ định hình là cả một bài toán nan giải. Nó không khác việc phải cắm hoa vào một bình hoa đã có các bông hoa khác, nay bớt đi và thêm vào cho đẹp hơn quả không dễ vì nó là cái đẹp của cả bình hoa, chứ không thể là cái đẹp riêng của “bông hoa mới tươi thắm”. Thật khó lắm thay!

Việc xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung, hiện đại đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân tốt nhất, thuận tiện nhất là yêu cầu thực tế khách quan. Đối với thành phố Hồ Chí Minh việc này càng cần thiết hơn vì là thành phố lớn, đầu tàu của cả nước về sự phát triển. Thành phố đã cân nhắc và tiếp tục cân nhắc giải bài toán nan giải giữa bảo tồn và phát triển. Mọi ý kiến mang tính xây dựng đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, không nhà quản lý nào có khả năng làm một việc lớn thỏa mãn mọi ý kiến của cộng đồng. Chỉ có thể căn cứ vào luật pháp và cái tâm trong sáng của mình để đưa ra quyết định đúng đắn. Và khi đã có quyết định đúng đắn phải triển khai nó với một nguyên tắc bất di, bất dịch là: Vì sự phát triển của thành phố, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó không phải là khẩu hiệu mà là cơ sở vững chắc tìm ra đáp số của bài toán nan giải đối với nhà quản lý trong xã hội hiện đại.

TS. NGUYỄN VIẾT CHỨC

Ý kiến bạn đọc