Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Khôn mà chưa ngoan!

Thứ Sáu 01/06/2018 | 09:58 GMT+7

VH- Người xưa bảo: Người thiên hạ luận việc thiên hạ. Thế cho nên việc viết sách từ lâu được xem là vốn quý, là công cụ để giáo hóa. Viết vài chữ cũng cần trung hậu, nói được cái khuôn phép hầu góp phần chỉnh đốn, đưa đường và làm gương cho thiên hạ. Nếu là sách của bạn đồng liêu, đồng sàng, khi mà mình chưa vượt hẳn lên như một khuôn mẫu thì khó mà tâm phục được người khác, nếu nói ngang nói dọc, khen chê tùy ý mà tự cho mình là nhân giả, mà yêu ghét người là đắc tội với tiền nhân.

Thời nay, tự truyện là một thể loại được nhiều người ưa thích, nhất là những tên tuổi lớn trên chính trường, hay các ngôi sao ở lĩnh vực giải trí. Từ lâu, tôi và bạn đọc vốn rất yêu mến tự truyện của những tên tuổi Lý Quang Diệu, Obama, Madela… Thế nào gần đây phát sinh “phong trào” ra sách tự truyện và nói cho công tâm thì đa số các ấn phẩm loại này có lẽ chưa mấy ai thành công. Có thể là tài năng, là bút pháp song có lẽ điều chưa đạt đến ở các ấn phẩm loại này chính lại là cái tâm.

 Có người viết tự truyện như một loại nhật kí của cá nhân, dù đầy rẫy sự kiện nhưng nhạt và chưa để lại điều gì trong mắt bạn đọc, có người hơi vội vàng ra tự truyện với nỗ lực lắp ghép những tri thức chưa kịp tiêu hóa và ảo tưởng mình là ngôi sao dù bạn bè thấy rõ anh ta “chưa đủ tuổi”. Cũng có sách tự truyện của vài nhân vật thể thao, ít nhiều thành tích, song còn thiếu tính chuyên nghiệp, nói đúng là sách còn non tay nghề. Cuốn tự truyện mang tựa đề Phút 89 của Lê Công Vinh, tôi thấy nhiều bất cập. Có lẽ là Công Vinh và người chấp bút chưa biết gì về cuốn tiểu thuyết của cố nhà văn, nhà báo thể thao Hữu Ái. Sách của anh Hữu Ái là một thiên truyện có ý nghĩa mở màn cho dạng sách văn học về đề tài thể thao và bóng đá nói riêng, sau Bàn thắng cuối cùng là Ba cuộc đời, một trái bóng của nhà thơ Anh Ngọc. Sách của Hữu Ái kể về hành trình đi tới vinh quang của đội bóng miền Trung và dựa trên những tư liệu, tình tiết thật, cho dù anh đã đổi tên nhân vật, theo cái cách mà đọc lên người ta thấy ngay đó là ai. Và đạo diễn tài ba Đặng Nhật Minh đã lấy câu chuyện kia làm cơ sở cho bộ phim Phút 89, để lại dấu ấn trong điện ảnh VN với một dàn diễn viên Trần Tiến, Thanh Quý, Bùi Cường… và cùng với mấy bộ phim khác ở đề tài thể dục thể thao như Những ngôi sao xanh, Cô thủ môn tội nghiệp, Đối thủ… đã có tác dụng tích cực và được dư luận đón nhận. Trong các sách sau này chuyển thành phim, không có chỗ đứng cho việc kể xấu người khác để nâng mình lên.

Nói như thế, phải chăng chúng ta vội phê phán rằng qua tự truyện, Công Vinh đã nói xấu ai đó? Chính Công Vinh, ngay sau khi biết dư luận chưa mấy ủng hộ anh nên đã trả lời, khẳng định anh không nói xấu ai trong ấn phẩm này. Có thể, đó là ý kiến của Công Vinh, nhưng nhiều người không nghĩ thế. Để kể xấu một ai đó, đâu có nhất thiết huỵch toẹt về một vụ việc hay một câu nói, chẳng hạn khi sách kể rằng có người đưa Công Vinh bọc tiền để biếu HLV Lê Thụy Hải thì đương nhiên bạn đọc sẽ hiểu rằng ở cái CLB đó, với ông HLV đó, là có chuyện bôi trơn. Và ông Hải “lơ” phản ứng là có lý, mà nếu ông thầy giàu cá tính này nhờ công lý lên tiếng về vụ việc thì xem ra cuốn tự truyện lại gặp phiền phức.

Tôi và nhiều người ngạc nhiên khi biết Công Vinh lại cho lên trang giấy những tình tiết có thể nói là khá tế nhị và không đẹp về những con người ở chính cái CLB bóng đá xứ Nghệ, nơi đã nuôi dưỡng và giúp cho Công Vinh trở nên một tên tuổi như ngày hôm nay. Tôi còn nhớ ngày nào, khi một ngôi sao ở đội tuyển chỉ lỡ miệng tâm sự với báo chí rằng đồng đội không chuyền bóng cho anh, thế là anh này bị HLV A. Riedl cho về nhà. Thể thao và bóng đá nói riêng cũng như một vương quốc có luật chơi của nó, và thứ luật bất thành văn kia sẽ khó mà chấp nhận những cú đá xéo kiểu của Công Vinh như vậy. Những cái tên quen thuộc của bóng đá như Lê Thụy Hải, Lê Huỳnh Đức, Tấn Tài, Văn Quyết… hầu như đều được tác giả cuốn tự truyện cho “lên thớt” theo một mô-tip khôn mà không ngoan. Cái mô-tip ra sách để tự quảng cáo mình là không mới, tuy nhiên trong Phút 89, bạn đọc đã ngạc nhiên khi thấy tác giả nói ra những chuyện thâm cung bí sử, thậm chí rất nhạy cảm về chính CLB và vùng đất mà tác giả đã trưởng thành, về những đồng đội cùng làm nên nhiều thành công cho BĐVN, để đến nỗi nhận về những trách móc, kể cả phản ứng từ các cầu thủ kia.

Tôi không rõ các thành viên của CLB bóng đá cũ của Công Vinh, bản thân ngành TDTT tỉnh Nghệ An sẽ suy nghĩ sao khi cầm trên tay cuốn tự truyện này? Còn nữa, cũng có người đã hỏi từ bấy đến nay, Lê Công Vinh tự xem mình là người thẳng thắn, trung thực, vậy tại sao bây giờ mới ra đòn kiểu như thế, và bản thân NXB cho in cuốn sách này, liệu có lường trước được hệ lụy về lòng tin mà tác giả của sách sẽ phải gánh chịu? Chưa nặng nề đến mức bị coi là đòn đánh từ thắt lưng để hại người khác, nhưng tự truyện Phút 89 của Công Vinh xem ra là mất nhiều hơn được, ngôi sao năm nào có thể đã bị mờ đi trong con mắt mọi người. Và nó cũng như thứ gia vị cay đắng dành cho VFF trong những ngày dông bão vừa qua vậy.

AMA LÂM

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top