Lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa

VH- Tại cuộc gặp mặt báo chí sáng 20.6, sau khi chúc mừng và biểu dương những nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận của báo chí trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nêu lên thực trạng “đăng rồi gỡ, một số nhà báo không thực hiện trách nhiệm đưa tin trên báo chính thống mà viết bài thiếu tính xây dựng, thể hiện quan điểm tiêu cực trên mạng xã hội”.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị: “Chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội”. Yêu cầu cấp thiết và xác đáng của người đứng đầu Chính phủ khiến cho đội ngũ những người làm báo không thể không suy nghĩ.

Lấy một ví dụ cụ thể và thời sự gần đây nhất là những thông tin trái chiều với luận điệu sai trái về Luật An ninh mạng, nhất là Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Rõ ràng, báo chí đã vào cuộc khá kịp thời và mạnh mẽ, bên cạnh đáp trả những luận điệu xuyên tạc thì cũng kêu gọi người dân bình tĩnh, không để những đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng tình cảm của nhân dân để kích động, gây rối. Hàng loạt bài ngắn gọn nhưng có sức lay động trong thời điểm đó: “Bình tĩnh, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật” (Báo Quân đội nhân dân); “Luật Đặc khu: Hãy tỉnh táo và trách nhiệm” (Báo Người Lao động); “Cần nhìn đúng bản chất sự việc” (Báo Văn Hóa); “Người yêu nước phải luôn tỉnh táo và hành động có trách nhiệm với Quốc gia” (Báo Giáo dục Việt Nam); “Đừng để lòng yêu nước của nhân dân bị kẻ xấu lợi dụng!” (Báo Dân trí)… đã góp phần làm cho mọi người thấu hiểu bản chất của vấn đề.

Khá kịp thời và mạnh mẽ nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận báo chí chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong ngày đầu tiên xảy ra sự cố không khỏi lúng túng, bị động... trong tác nghiệp và vô tình “nhường” sân cho mạng xã hội. Chúng ta thường nói tới mặt tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng qua vụ việc vừa rồi mới thấy, những phần tử cơ hội, chống đối đã sử dụng những lợi thế của mạng xã hội, youtube… để xuyên tạc, xúi giục, kích động nhuần nhuyễn như thế nào!

Cũng không chỉ vụ việc này mà trên thực tế, bạn đọc đang đòi hỏi báo chí chính thống phải kịp thời lên tiếng, định hướng đối với những vấn đề đang nóng của xã hội. Đó là yêu cầu chính đáng nhưng cũng thách thức không nhỏ thời làm báo 4.0 hiện nay. Muốn vậy, cùng với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ những người làm báo, như Thủ tướng đã chỉ ra, các cấp, các ngành cũng phải thực sự tạo mọi thuận lợi, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác cho báo chí… Chỉ có như vậy, đội ngũ trên 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam mới thực sự phát huy được sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp “phò chính, trừ tà” như lời Bác Hồ đã dạy.\

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc