Mong manh giữa “người hùng” và tội phạm

​Nhân việc ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho rằng bây giờ ranh giới giữa sự năng động sáng tạo và cố ý làm trái quá mong manh tại Hội nghị BCH Đảng bộ TP, tôi xin tham gia sâu hơn, rộng hơn về vấn đề này, đó là hệ quả sự năng động, sáng tạo đồng nghĩa với trở thành “người hùng”, được tôn vinh, còn nếu là cố ý làm trái thì đi đôi với vi phạm pháp luật, tội phạm! Cụ thể ở đây là vấn đề liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ.

Thời gian gần đây, nhiều vụ án, cơ quan chức năng điều tra, khởi tố nhờ sự tố giác của người dân thông qua các chứng cứ họ tự thu thập như ghi âm, ghi hình hành vi nhận hối lộ của cán bộ, công chức, người thực thi công vụ.

Tuy nhiên, khi nào hành vi đưa hối lộ với mục đích chạy tội, chạy án, trục lợi cá nhân và khi nào hành vi đưa hối lộ với mục đích thu thập, củng cố chứng cứ để đấu tranh, tố cáo hành vi tiêu cực đến cơ quan chức năng đang là đề tài tranh luận trên nhiều diễn đàn, với nhiều ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất, cho rằng mọi hành vi đưa hối lộ, sau đó tố cáo đến cơ quan chức năng trước khi hành vi đưa hối lộ bị phát giác đều cần được coi đó là hành vi đấu tranh chống tiêu cực, và người đưa hối lộ được trả lại tài sản và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015). Theo đó, người bị ép buộc đưa hối lộ hoặc không bị ép buộc mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội, có thể miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Nhóm ý kiến thứ hai, cho rằng người đưa hối lộ có chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì vẫn bị coi đó là hành vi đưa hối lộ và không được miễn trách nhiệm hình sự, không được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Lý do họ đưa ra là tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ.

Có thể nói, việc xác định người đưa hối lộ trước khi bị phát giác mà chủ động khai báo có phạm tội hay không hiện nay căn cứ vào khoản 7 Điều 364 BLHS 2015. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này chưa thống nhất, nhiều khi cơ quan tố tụng vận dụng, căn cứ vào nhiều yếu tố khác, hoàn cảnh cụ thể như tố cáo sớm hay muộn, có hành vi đe dọa người nhận hối lộ hay không để đưa ra quyết định và đôi khi chưa thuyết phục, gây tranh cãi. Vì thế mà nhiều khi ranh giới giữa “người hùng” và tội phạm rất mong manh, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, hối lộ.

Theo quan điểm của người viết, mặc dù tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ nhưng phải căn cứ vào động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi này. Trường hợp người thực hiện hành vi đưa hối lộ chỉ để nhằm thu thập, củng cố chứng cứ nhằm tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm thì không nên coi đó là hành vi phạm tội, trường hợp vì lý do nào đó mà họ thực hiện chưa đúng trình tự, thủ tục thì nên miễn trách nhiệm cho họ, bởi vì hiện nay ít người biết được đầy đủ, thấu đáo quy định này.

Bên cạnh đó, trường hợp người đã đưa hối lộ, tuy nhiên trước khi bị phát giác, vì một số lý do nào đó người thực hiện hành vi đưa hối lộ như họ cảm thấy việc làm như thế không đúng hoặc đưa hối lộ có thể phạm tội mà họ chủ động tố giác hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn thì coi như là hành vi lập công chuộc tội, tội phạm chưa hoàn thành, đấu tranh tố giác tội phạm. Bởi vì, nếu hiểu máy móc là tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ và người muốn đưa hối lộ phải tố cáo vụ việc trước khi họ đưa tiền cho người nhận là chưa hợp lý. Lý do là chưa đưa tiền mà tố giác rất dễ dính vào tội “vu khống”, vì khi đưa tiền, “gài bẫy” mới có thể thu thập chứng cứ. Ngược lại thì rất khó tố giác hành vi nhận hối lộ, vì có thể bị lộ lọt thông tin, nhất là trong đấu tranh ngay chính với người thực thi phát luật ở các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Do đó, có thể hiểu rộng hơn quy định tại khoản 7 Điều 364 BLHS 2015 là dù đã đưa tiền, tài sản nhưng trước khi bị phát giác chủ động khai báo với cơ quan chức năng thì không phạm tội hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự, trả lại tài sản đưa hối lộ.

Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung quy định xuyên suốt trong BLHS hiện hành là bảo vệ người đấu tranh, tố giác tội phạm, lập công chuộc tội..., đặc biệt là xóa bỏ ranh giới mong manh giữa “người hùng” và tội phạm. Khi đó “người hùng” sẽ nhiều hơn và tội phạm sẽ ít đi, nhiều người sẽ không phải vì vô tình mà phạm tội.

Đồng thời, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phòng chống tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Bởi đây là biện pháp răn đe, phòng ngừa những người có ý định nhận hối lộ không dám phạm tội. Mặt khác, quy định như vậy thể hiện tính chất nhân đạo, khoan hồng trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta, đó là khuyến khích, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với những người đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng và phù hợp với triết lý nhà Phật “quay đầu lại là bờ”. 

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc