Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Mới chỉ xử lý phần ngọn?

Thứ Tư 18/07/2018 | 09:02 GMT+7

Vụ sửa điểm thi THPT tại Hà Giang gây rúng động dư luận cuối cùng cũng đã được đưa ra ánh sáng. Không thể ngờ rằng, hơn 330 bài thi của 114 thí sinh đã bị làm sai lệch kết quả.

Trong đó, riêng phần thi trắc nghiệm môn Toán đã có hơn 100 bài chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (có điểm chấm thẩm định là 1,0 điểm đã công bố là 9,0 điểm), nghĩa là “phù phép” gần như biến từ không thành có. Cũng không ai có thể ngờ rằng, đường đường là Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở GD&ĐT Hà Giang như ông Vũ Trọng Lương lại đi làm một cái việc tày đình như vậy.

Sai phạm của ông Lương đến đâu rồi sẽ được cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Tuy nhiên, như đại diện của A83 (Bộ Công an) tại cuộc họp báo hôm qua 17.7 cho biết, một mình ông Lương rất khó “lấy tay che cả bầu trời” mà rất có thể còn liên quan đến nhiều người khác.

 Hơn nữa, theo như đại diện A83: “Chúng tôi thấy quy trình kiểm tra của Thanh tra Sở và Bộ đều chưa chặt chẽ, để cho ông Lương thực hiện khi các thành viên vẫn đang ngồi đấy. Những thành viên khi tham gia cũng không nắm được quy trình và thao tác nên để cho ông Lương qua mặt” thì cũng không thể nói Sở và Bộ vô can trong vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là ở chỗ đó. Nếu có xử lý ông Lương cũng như các tập thể, cá nhân liên quan, kể cả giải pháp mà ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đưa ra sau vụ việc chấn động này là cán bộ chấm thi, coi thi phải được thẩm định cả về chuyên môn lẫn đạo đức thì suy cho cùng, cũng chỉ mới xử lý phần ngọn. Đã là thầy giáo thì cả “tài” lẫn “đức” đều được chú trọng, cơ sở nào trong các kỳ coi thi THPT sau chọn những thầy, cô có “đức” hơn? Và trên thực tế, vấn đề không phải nằm chỗ đó.

Như nhiều người đã chỉ ra, hành vi nâng điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia cho hàng trăm thí sinh lần đầu tiên được phát hiện nhưng chưa hẳn lần đầu tiên xảy ra. Rất nhiều khả năng thủ đoạn gian lận này đã được áp dụng từ mùa thi trước. Nhưng lúc đó phổ điểm cả nước cao nên không bị lộ. Và giờ đây, Bộ GD&ĐT có thể cam đoan rằng, với tính chất kỳ thi “2 trong 1” này, những gian lận tương tự sẽ không còn xảy ra ở 63 tỉnh, thành?

Qua vụ việc gây chấn động dư luận ở Hà Giang, quyết tâm trả lại sự công bằng cho thí sinh, lập lại kỷ cương, quyết lôi ra ánh sáng những kẻ nhúng chàm của Bộ GD&ĐT rất đáng trân trọng và cần được ghi nhận. Nhưng chừng ấy chưa đủ. Bản chất của vấn đề vẫn là việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1”. Rất đáng suy ngẫm khi trả lời Văn Hóa, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tôi cho rằng về sâu xa đó cũng là hệ quả của kỳ thi ghép, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả để tuyển sinh. Nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chỉ để loại vài phần trăm thí sinh thì đừng tổ chức thi mà chỉ nên xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh nên giao hoàn toàn cho các trường đại học”. 

PHAN THANH NAM

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top