Đó như là một thông điệp của Thủ tướng

VH- Tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ VHTTDL tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh: “Tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển.

Để mất đi di sản, dù là một phần, chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất bản sắc dân tộc”. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này đã cùng nhau đi đến nhận định, lời phát biểu trên của người đứng đầu Chính phủ như là một thông điệp hết sức rõ ràng, và không cần bàn cãi đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay.

Có thể nói, cho đến thời điểm này hành lang pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bao gồm cả vật thể, phi vật thể đã tương đối đầy đủ. Những công cụ đó cộng với sự lên tiếng mạnh mẽ của giới chuyên gia, nhà quản lý và dư luận đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những nguy cơ tác động trực tiếp đến di sản, có khả năng làm cho di sản bị xâm hại hoặc biến dạng.

 Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn chỉ ra là, tại không ít địa phương người ta vô tình hay cố ý hoặc sẵn sàng “quên” đi những văn bản pháp lý quan trọng ấy, đồng thời “bỏ ngoài tai” ý kiến phản đối gay gắt của dư luận để thực hiện những dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng đến di sản. Khiến cho di sản vốn dĩ đã mong manh thì nay càng mong manh hơn.

Sau cuối của những câu chuyện đau lòng ấy dường như không ai đứng ra chịu trách nhiệm, nếu có cũng chỉ là rút kinh nghiệm… cho xong.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã bày tỏ tin tưởng và hy vọng rằng, sau thông điệp nói trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, di sản nói chung của chúng ta sẽ được trân trọng bảo tồn và phát huy giá trị một cách mạnh mẽ, trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, là từ nay những dự án, những quy hoạch hay là đồ án gì đi chăng nữa thì khi bắt đầu từ khâu nghiên cứu hay khởi thảo phải lấy di sản làm điểm mốc, trọng tâm theo hướng: Không được phá hủy, làm hỏng hay hy sinh di sản…

Và như thế, di sản không chỉ là lời nói tự ngàn xưa của các bậc tiền nhân gửi đến thế hệ hôm nay mà nó luôn được hồi sinh để tạo nên nhiều giá trị trong đời sống văn hóa, xã hội…

NGUYỄN HÒA

Ý kiến bạn đọc