​Miền Tây Nghệ An sau lũ: Mùa gieo chữ lại thách thức thầy cô

VH- Sau những ngày phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, trường lớp nơi đây vẫn còn ngổn ngang, ngập ngụa bùn; đồ dùng dạy học hư hỏng nặng nên hàng nghìn học sinh nhiều trường vùng cao Nghệ An vẫn chưa thể tựu trường như dự định.

Có mặt tại điểm trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông, thôn Thanh Nam, xã Bồng Khê mới thấy sự ngổn ngang của điểm trường nơi đây khi bị ảnh hưởng đợt lũ vừa quét qua trong hai ngày 17 và 18.8. Khi mưa lũ xảy ra, nước dâng cao đến gần mái nhà, hàng trăm khối đất đá đã ập vào. Hậu quả là toàn bộ bàn ghế và máy móc trang thiết bị dạy học, đồ dùng của nhà trường và khu nội trú chăn màn, sách vở, xô chậu, bát đũa… của các em học sinh bị ngập trong nước, hư hỏng hoàn toàn.

​Miền Tây Nghệ An sau lũ: Mùa gieo chữ lại thách thức thầy cô - Anh 1

 Sau mưa lũ, nhiều trường học ở Kỳ Sơn bị hư hỏng, tổng thiệt hại khoảng 3,5 tỉ đồng

Trường học hư hỏng sau lũ

Đây là ngôi trường nội trú của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng sâu vùng xa của huyện Con Cuông. Năm học 2018-2019, nhà trường có 300 em học sinh trong đó có 75 em khối 6 vào nhập học.

Thầy Lô Văn Thiệp, hiệu phó trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông cho biết: “Trước khi có thông báo lịch nhập học, nhà trường, phụ huynh và học sinh đã chuẩn bị đầy đủ mọi nguồn lực, cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị nước lũ nhấn chìm, cuốn trôi và gây hư hỏng nặng nề. Nhà trường đã phối hợp với Ban chỉ huy quân sự huyện, phối hợp cùng nhân dân địa phương, phụ huynh và học sinh tập trung nạo vét bùn đất, khơi thông cống rãnh, di chuyển đồ đạc lên cao, tuy nhiên do lớp bùn dày đặc quánh nên rất khó khăn trong di chuyển”.

Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: “Thiệt hại nặng nề từ mưa lũ đã gây ảnh hưởng rất lớn đến lịch học của các em học sinh vào năm học mới 2018-2019. Hiện tại trên địa bàn huyện Con Cuông nước đã dần rút, phòng GD&ĐT huyện đang cùng các điểm trường lên phương án khắc phục để các em tựu trường sớm nhất”.

Tại các điểm trường huyện Kỳ Sơn, công tác khắc phục thiệt hại lũ được thực hiện khẩn trương bởi sự phối hợp của nhà trường cùng bộ đội, công an, phụ huynh, người dân địa phương cào bùn ra khỏi sân trường, lau dọn các trang thiết bị. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hồng Hoa cho biết, Kỳ Sơn là huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua. Các điểm trường bị ngập nghiêm trọng như ở xã Mường Ải, Mường Típ và trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Mỹ Lý, trường Mầm non thị trấn Mường Xén, trường Tiểu học thị trấn Mường Xén… “Nước lũ đã làm sập nhà của giáo viên, phòng học, trang thiết bị dạy học bị lũ nhấn chìm. Ước tính thiệt hại trên 3,5 tỉ đồng. Ngày 20.8, khoảng gần 15% trong tổng số 22.000 học sinh của huyện Kỳ Sơn vẫn chưa thể tựu trường. UBND huyện Kỳ Sơn đang chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ các trường học để các em có thể tựu trường sớm nhất”. Ông Hoa cho biết thêm.

​Miền Tây Nghệ An sau lũ: Mùa gieo chữ lại thách thức thầy cô - Anh 2

Nỗ lực đẩy bùn, dọn dẹp phòng học sau lũ tại trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông

Gian nan đường đến trường

Thầy Lô Văn Thiệp, hiệu phó trường Dân tộc Nội trú THCS Con Cuông cho biết: “Sau thời gian dọn dẹp, sửa chữa lại trường lớp, chuẩn bị để đón học trò kịp mùa gieo chữ, tưởng mọi thứ đã ổn thì mưa lại đến, lũ lại về. Vậy là việc đến bản tìm, gọi và đưa trò đi học lại một lần nữa thách thức sự kiên trì của các thầy cô. Học sinh của nhà trường sinh sống ở bản khác nhau, hầu hết các bản đều ở xa, có bản học sinh đến trường phải qua các con suối lớn. Mùa này, lũ suối thường xuyên, việc đi tìm gọi học trò rất khó. Các thầy, cô cố gắng đi, đến bản tìm được học trò, nhưng cũng khó có cách đưa các em về. Đi lại đường rừng, mưa gió, lũ suối như vậy, phụ huynh khó yên tâm để con mình ra lớp”.

Cũng như trường THCS DTNT Con Cuông, các điểm trường tại huyện Tương Dương gặp khó khăn để học sinh trở lại học. Mưa lớn cùng với lũ đã làm cô lập, chia cắt toàn bộ 55 hộ dân với 324 khẩu đều là dân tộc Khơ Mú sinh sống tại bản Na Lợt, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Con đường duy nhất vào bản Na Lợt phải lội qua khe Nậm Hỷ, bởi đến nay bản vẫn chưa có cầu. Trước đây dân bản cũng đã làm một cây cầu tạm nhưng do nước lũ quá lớn đã cuốn trôi mất, người dân bản Na Lợt muốn qua suối Nậm Hỷ phải đợi nước rút. Dùng dây thừng kéo người là cách làm của người dân bản Na Lợt mỗi khi qua khe, khi nước lũ chưa dâng cao. Đi lại khó khăn là cản trở lớn đối với con em bản ra điểm trường trở lại đi học. Ông Lô Văn Hóa, bản Na Lợt, xã Nhôn Mai cho biết: “Đường từ bản về trường bị chia cắt bởi dòng suối. Mỗi khi mưa xuống, lũ suối về chảy xiết nên không ai dám qua. Các thầy cô giáo đã vào bản, đến từng hộ dân vận động học sinh ra lớp. Mặc dù bà con rất muốn đưa con em mình tới trường, nhưng có vượt núi đi bộ gần chục cây số đường rừng, rồi cũng không qua được dòng suối lũ, nên đành phải để con em ở nhà”.

Ông Lô Thanh Nhất, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Hiện tại trên địa bàn nước lũ đã rút, nhưng làm ảnh hưởng và gây thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi và đặc biệt là các trường, điểm trường trên địa bàn. Hiện nay, tại huyện có 16 bản với hơn 1.000 học sinh vẫn chưa thể đến trường vì bị cô lập bởi nước lũ như tại xã Lương Minh có 5 bản, xã Nhôn Mai có 6 bản, Yên Thắng có 2 bản, Mai Sơn 1 bản, Yên Hòa 1 bản, Yên Tĩnh 1 bản,... Con đường đến trường tại các điểm trường đã gian nan nay sẽ lại khó khăn, thách thức rất lớn đối với Nhà trường và giáo viên”.

Theo kế hoạch, ngày 20.8 học sinh mẫu giáo, tiểu học và THCS ở Nghệ An sẽ tựu trường để chuẩn bị năm học mới. Tới ngày 27.8, học sinh THCS sẽ bắt đầu học, còn mẫu giáo và tiểu học sẽ học từ 5.9. Tuy nhiên, do mưa lũ, học sinh tại các huyện miền núi Nghệ An vẫn chưa thể đến trường đúng theo kế hoạch. Để khắc phục thiệt hại, sớm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho việc dạy và học, cần sự vào cuộc giúp đỡ của ngành giáo dục đào tạo tỉnh Nghệ An cùng các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng liên quan.

 Bài, ảnh: PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc