Gợi mở giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc

VH- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III tại Quảng Nam đã bế mạc vào tối qua 26.8.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội không đơn thuần là sự trình diễn, giao lưu cộng đồng mà qua đó đã gợi mở những giải pháp, ví dụ thực tế của các địa phương để giải bài toán làm thế nào để bảo tồn giá trị văn hóa miền núi ở các tỉnh miền Trung, và xa hơn nữa là của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam.

Gợi mở giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc - Anh 1

 Nghệ nhân Bo Bo Hùng trình diễn bộ đàn đá của dân tộc Raglai, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa

Cộng đồng là nơi “bảo tồn sống” văn hóa vùng cao

Một điều dễ nhận thấy ở các nghệ nhân, đồng bào dân tộc tham gia Ngày hội chính là niềm tự hào, trân quý khi giới thiệu, trình diễn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, chia sẻ: Trong rất nhiều lần điền dã, ông nhận ra rằng việc bảo tồn nguyên gốc những giá trị, di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể chỉ thật sự có ý nghĩa và thành công nếu DSVH ấy được góp mặt trong đời sống cộng đồng, được chính đồng bào ấy bảo tồn và phát huy.

Trước đó, trong cuộc họp công tác chuẩn bị Ngày hội Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy - Trưởng ban tổ chức Ngày hội, cũng luôn nhấn mạnh các địa phương phải cố gắng quy tụ được các nghệ nhân của các loại hình văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc đến với Ngày hội.

Sự góp mặt, trình diễn các loại hình văn hóa của nghệ nhân, diễn viên quần chúng đã biến các sân khấu tại Ngày hội trở thành không gian sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc miền Trung. Ở đó, các nghệ nhân vừa phô diễn những tinh hoa văn hóa của cộng đồng mình, vừa giao lưu, chia sẻ với các cộng đồng khác về âm nhạc truyền thống, về chuyện truyền nghề, giữ nghề cho thế hệ trẻ.

Gợi mở giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc - Anh 2

 Trang phục của đồng bào Cơ tu Quảng Nam

Sự khác biệt tạo nên bản sắc

Bên lề Ngày hội, những câu chuyện mà các nghệ nhân mang lại cho khán giả về sự tương đồng và khác biệt trong trang phục của đồng bào dân tộc miền Trung, hay xuất xứ, đặc điểm của các nhạc cụ dân tộc, chuyện của những điệu dân ca, dân vũ, trong đời sống tinh thần của đồng bào là những khám phá bất ngờ, ngoài “kịch bản” của Liên hoan.

Nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên trường Cao đẳng nghệ thuật, những người yêu thích văn hóa dân tộc đã đến Liên hoan không chỉ để thưởng thức những chương trình biểu diễn mà còn để được nghe các nghệ nhân - những “báu vật sống” của văn hóa vùng cao - kể về chính những DSVH phi vật thể mà họ đang giữ gìn, giới thiệu.

Như câu chuyện âm nhạc trong đời sống của đồng bào Pakô. Nếu đoàn nghệ nhân Pakô ở tỉnh TT-Huế kể về làn điệu Cha chấp đặc trưng thường được biểu diễn trong các lễ hội thì các nghệ nhân đến từ tỉnh Quảng Trị kể về các nhạc cụ để phụ họa cho các vũ điệu, làn điệu dân ca Pakô qua 3 nhạc cụ đàn talư, toong và bộ khèn.

Câu chuyện về trang phục truyền thống cũng khiến nhiều khán giả bất ngờ. Những trang phục truyền thống của các tộc người Cơ Tu, Cor, Ba Na, Ê Đê, Chăm, Raglai,... được trình diễn tại Liên hoan hầu hết có điểm tương đồng ở chất liệu thổ cẩm, được dệt thủ công từ nguyên liệu bông vải, sắc chàm chủ đạo. Mới nhìn, tưởng sẽ không thể nhận ra là dân tộc nào…

Một vấn đề được các đoàn cùng chia sẻ là làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc trong đời sống hiện đại ngày nay.

Theo ông Văn Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, trang phục là một trong những chỉ dấu quan trọng để nhận biết một tộc người. Việc giữ gìn trang phục truyền thống nhằm bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hóa của các dân tộc, thể hiện thẩm mỹ, tín ngưỡng, tập quán của từng dân tộc.

Gợi mở giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc - Anh 3

 Đoàn Ninh Thuận giới thiệu về trang phục, nhạc cụ của địa phương

Gợi ý thực tế cho bảo tồn văn hóa miền núi Quảng Nam

Trước ngày diễn ra sự kiện này, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chủ trì cuộc họp với 9 huyện miền núi và các đơn vị liên quan để nghe góp ý vào Đề án “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa miền núi” do Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam dự thảo nhằm hoàn thiện trình UBND tỉnh xem xét thông qua để trình Đề án tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Một trong những nội dung mà đề án đặt ra là ưu tiên các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các địa phương vùng đồng bào các DTTS trong tỉnh và với các vùng, miền và toàn quốc, xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích bảo quản, truyền dạy DSVH phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh,…

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, việc đăng cai tổ chức Ngày hội tại tỉnh Quảng Nam là một cơ hội rất quý giá để có được những góp ý, chia sẻ thực tế những vấn đề mà Đề án đặt ra. Đây là cơ hội để tỉnh Quảng Nam được trao đổi kinh nghiệm, gợi ý thực tế từ các địa phương về câu chuyện bảo tồn, phát huy văn hóa miền núi. 

Khánh Chi

Ý kiến bạn đọc