Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Triều cường có nguy cơ cuốn trôi góc phố Long Thủy

Thứ Tư 10/01/2018 | 11:12 GMT+7

VH- Đến hôm nay những cơn triều cường đã liếm sát vào bờ tại khu phố Long Thủy, xã An Phú (Tuy Hòa, Phú Yên). Nhiều hộ gia đình thường trực nỗi lo khi những cơn triều cường ập tới, người mất nhà, kẻ mất đất, người mất miếng ăn, những đứa trẻ sẽ nheo nhóc chỉ vì những cơn sóng vô tình…

 Triều cường gây sạt lở kinh hoàng ở khối phố Long Thủy, xã An Phú

Ông Nguyễn Khôi, 79 tuổi, trú khu phố Long Thủy, xã An Phú (Tuy Hòa, Phú Yên) xót xa: “Triều cường đến mạnh quá. Nhà tôi sạt mất rồi!”. Không chỉ mình nhà của ông lão gần 80 này, hàng chục ngôi nhà khác trong cái xóm chài nghèo này đang nóng lên với những câu chuyện liên quan tới triều cường. Đi đâu, làm gì họ cũng thăm hỏi nhau xung quanh cái chuyện này, rằng nhà bà này sắp sập, vườn nhà ông kia lở gần hết… ai cũng dõi ánh mắt khắc khoải về phía triền sóng. Phía thấp thỏm bên đất, những ngôi nhà chỉ còn phân nửa, lạ thay, vẫn còn người ở. Những ngôi nhà còn mỗi góc tường nhô ra giữa bãi, lại trở thành điểm chơi trò cút bắt của đám trẻ con. Ở đây, nhìn tụi nhỏ chơi đùa, người lớn chẳng thể vui theo.

Bên bờ sông, nơi những con sóng lớn đang ầm ào đổ vào, lão ngư già cấm cẳn: “Sóng thì ngày càng lớn, đất thì sạt, nhà thì trôi. Mà sao năm nay triều cường về dồn dập thế, chỉ tội người dân ở những làng biển như thế này phải hứng chịu hết thôi!”. Lão ngư này cũng trầm ngâm khi nhớ lại những mùa biển trước, nơi mà bao đời ông ra ngồi với cái cọc buộc thuyền mỗi mùa triều cường lên. Ông bảo cứ tình hình này thì chỉ nội trong mùa triều cường năm nay thôi, chỗ cọc buộc thuyền này cũng chẳng còn nữa. Nhìn lão, thấy hình như có giọt nước trong mắt.

 Nhiều nhà dân bị sạt lở đến chân móng, có thể sập bất cứ lúc nào

Dọc bờ sông của khu phố Long Thủy, xã An Phú này dài hàng trăm mét bị xói mòn nặng, nước ăn sâu vào đất liền. Nhiều cây dừa bị đổ ngã trơ gốc, nhiều ngôi nhà xây nằm chênh vênh sát mép nước có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do triều cường đã khoét sâu vào nền móng. Những con sóng ập vào, lo sợ đất tiếp tục bị cuốn theo triều cường chính quyền địa phương đã huy động cả trăm người đắp đê bao bảo vệ làng xóm. Nhưng tình hình vẫn đang nguy cấp, tốc độ triều cường mạnh hơn, cao hơn cộng với những con sóng lớn hơn đang khoét sâu vào khu dân cư ở đây khiến hàng trăm hộ dân đang sống trong thấp thỏm lo sợ.

Mùa triều cường đang rất mạnh, ông Huỳnh Ni (52 tuổi) bùi ngùi: “Giờ gần tết rồi, bà con lo lắng mất ăn mất ngủ vì triều cường bủa vây uy hiếp nhà cửa, làng xóm. Nhiều nhà dân đã sạt lở không thể ở được. Nếu cứ bám trụ ở đây thì quá nguy hiểm tính mạng nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Nhiều gia đình phải dời đi ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm! Tết mà cứ nơm nớp lo lắng như thế này thì còn gì vui!”.

Chính quyền địa phương từ nhiều cấp đã quan tâm lo lắng cho sự an nguy của những người dân sinh sống nơi đây. Trước tình hình này, người dân đã đồng lòng sử dụng hàng trăm bao cát dựng lên bên thành nhà để chắn sóng và hạn chế biển xâm thực, nhưng không hiệu quả. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã lên các phương án xử lý cấp bách và lâu dài cho địa phương.

Hy vọng rằng, sẽ sớm có nhiều biện pháp khả thi được triển khai để bờ biển nơi này không bị triều cường nuốt chửng, và đời sống người dân được bình yên lâu dài, trước mắt là một mùa tết không còn âu lo. 

Minh Ngọc

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top