Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Săn lan rừng ngày Tết

Thứ Tư 07/02/2018 | 10:03 GMT+7

VH- Mỗi dịp giáp Tết, nhiều người dân An Lão (Bình Định) lại nô nức hẹn nhau vào rừng sâu tìm những loại phong lan quý hiếm về bán cho các cửa hàng cây cảnh ở miền xuôi. Mỗi gốc phong lan họ có thể thu lợi đến vài trăm, thậm chí cả vài triệu đồng, nhưng để kiếm được những đồng tiền này không phải là điều dễ dàng. Đã có nhiều trường hợp phải bỏ mạng trong những cuộc tìm kiếm phong lan rừng đầy hiểm nguy này, nhưng vì miếng cơm manh áo họ vẫn bất chấp tất cả.

Để hái lan rừng, thợ săn lan phải buộc dây rừng vào thân cây để leo lên và sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm ở trên cao

Để được mục sở thị sự nhọc nhằn trong cái nghề lấy lan rừng này, chúng tôi quyết định theo chân Đinh Văn Dinh (23 tuổi, thanh niên người H’rê ngụ thôn 4, xã An Dũng, An Lão, Bình Định) để hiểu thêm. Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ sáng sớm sau khi đã lót bụng bằng bữa cơm với rau rừng và một vài con cá sông mà vợ Dinh chuẩn bị từ lúc giữa đêm. Dinh bảo: Dịp này gần Tết rồi nên những cửa hàng cây cảnh dưới xuôi lên hỏi mua lan rất nhiều. So với các loại cây cảnh khác thì lan rừng rất có giá trị trên thị trường, bởi thế mà cứ đến độ này người dân trong vùng lại tập trung thành từng nhóm để đi hái về bán. Lan rừng thì ít mà người thì đông nên càng ngày càng hiếm.

Chuyến đi này ngoài chúng tôi và Dinh còn có thêm 3 người bạn khác của Dinh là Đinh Văn Mường, Đinh Văn Khăm và Đinh Văn Bái. Dụng cụ của một tay săn lan rừng vô cùng đơn giản: Bao tải lớn, dao quắm, dây thừng, đinh mười phân, búa đóng đinh, đèn pin, lương thực và không thể thiếu rượu nhằm giữ ấm cơ thể trong cái rét đến cắt da cắt thịt của tiết trời miền núi những ngày cuối đông.

Trên đường đi, Dinh cho biết: “Những năm trước, có mấy người đi hái lan chết trôi ở con suối này, vài ngày mới tìm được xác. Khi đi thì nước nhỏ, về thì nước lớn, ngã trên vách đá xuống suối nước lũ cuốn. Bây giờ mình cúng cho họ chút rượu cho họ bớt lạnh lẽo cũng là cầu mong cho chuyến đi của mình có được may mắn”.

Sau gần nửa giờ đồng hồlần tìm, cả nhóm mới phát hiện thấy một gốc lan rừng bám trên một cây cổ thụ ở độ cao 15m. Dù chưa biết là giống lan gì nhưng ai nấy đều phấn khởi. Liền sau đó, Dinh lấy cuộn dây thừng khoác lên người rồi dùng đinh mười đóng lên thân cây cổ thụ từng cái một làm chỗ đặt chân để trèo, trèo đến đâu đóng đến đó. Leo đến nơi, Dinh dùng dây thừng buộc người vào thân cây rồi hét lớn: “Một gốc lan Ninh Xuân to lắm chúng mày ơi”. Nghe thế, cả nhóm mừng ra mặt, tôi dù chưa hiểu chuyện gì cũng cản thấy vui lây.

 

 Một nhánh lan rừng nở hoa giữa rừng sâu

Xúm lại bên gốc lan rừng vừa được gỡ xuống từ thân cây mẹ, Dinh và những người trong nhóm cho biết: Trong các loại lan rừng thì lan Ninh Xuân là loại quý nhất, lá của chúng dày và to hơn các loại lan khác. Hơn nữa chúng thường nở đúng dịp Tết âm lịch nên giá thành càng cao hơn. Mỗi nhánh Ninh Xuân có giá đến 200 ngàn đồng. Có được bao nhiêu thì chủ hàng đều lấy hết mà không bao giờ kỳ kèo giá cả.

Với gốc lan Ninh Xuân hái được, chúng tôi đếm được tất cả là 9 nhánh lớn và chi chít các nhánh nhỏ. Tính ra thì gốc lan này cũng được gần 2 triệu đồng. Bên cạnh đó còn có các loại lan khác cũng có giá thấp hơn một chút như lan Tai Trâu thì có lá rất to, phiến lá mỏng, mọc ở tầm trung. Loại này chủ hàng mua theo trọng lượng. Lan Tóc Tiên thì thân tựa cái roi mây vậy, thường mọc ở các lèn khe suối. Chủ hàng thường mua theo nắm…

Với thành quả thu được, chúng tôi nhanh chóng xuống núi với hy vọng sẽ không phải ở trong rừng thêm một đêm nữa. Đường đi đã khó, đường về cũng không hề dễ dàng. Tôi cố bám theo những dấu vết mà Dinh đã tạo ra khi đi lên nhưng vẫn lạc nhiều lần. Có lúc một con suối thôi nhưng đảo lui tới vài ba lần mới đi đúng đường. Những lèn đá, vách núi làm tôi ngã dúi dụi mặc dù được giao cho mang những thứ nhẹ nhàng nhất. Về tới nơi, ai cũng cảm thấy mệt rã rời. Từ trong nhà, vợ Dinh mừng rỡ: “Các anh đi đường không có chuyện gì chứ. Cả đêm tôi ngủ không được, thấy trời mây đen dày đặc mà lo quá. Nếu mưa một trận to thì làm sao về được, cứ nghĩ điều này điều nọ xảy ra mà sợ”.

Tạm biệt rừng An Lão, Dinh tiễn tôi ra con dốc đầu bản rồi bảo: “Tặng anh một giỏ lan làm kỷ niệm đó, về gắng chăm sóc chứ lấy được nó phải trả bằng mồhôi, nước mắt và đã từng trả giá bằng cả mạng sống đó”. Tôi cầm chắc giỏ lan trong tay mà lòng nặng trĩu khi nghĩ về những con người không tiếc thân mình để săn lan rừng đổi miếng cơm mỗi ngày.

Minh Ngọc- Khanh Duy

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top