Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

28 Tháng Ba 2024

Trở lại nơi “đất thương người”

Thứ Sáu 25/05/2018 | 09:42 GMT+7

VH- Mấy chục năm trước, cả nghìn hộ dân rời các vùng quê phía Bắc vào định cư, lập nghiệp tại vùng kinh tế mới thuộc huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên). Họ đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, sự khắc nghiệt của khí hậu để biến nơi “rừng thiêng, nước độc” này thành đất “lành” với những buôn làng yên vui, trù phú…

 Đường rừng năm xưa ở Sông Hinh đã được trải nhựa rộng thênh thang

Từ vùng đất hoang vu...

Vượt chặng đường hơn 70 cây số trong nắng nóng đầu hè, chúng tôi lên với đồng bào các xã vùng cao ở huyện Sông Hinh. Sau hơn 20 năm bám trụ lập nghiệp trên vùng đất khô cằn, vợ chồng chị Hoàng Thị Đàn (người dân tộc Tày) đã tạo dựng được cho mình một cơ ngơi bề thế với khối tài sản nhiều người mơ ước. Ngôi nhà ngói 3 gian của chị nằm giữa khu trang trại xanh um gần 8 héc ta với hồ tiêu, cao su, sắn (mì), nhiều cây ăn trái, rau màu đủ loại. Cùng đó, chị còn có một khu chuồng trại chăn nuôi với vài chục con bò, một đàn heo và gà hàng trăm con.

Chỉ tay về những dãy núi bao quanh ngôi làng, chị Đàn kể, “ngày đó, nông trường Buôn Kít của xã Sông Hinh này được lập ra nhưng chưa có nhiều công nhân. Ban lãnh đạo nông trường phải đi đến các vùng quê ở ngoài Bắc để đưa người về khai khẩn núi rừng, sản xuất. Trong cảnh khó nghèo của cuộc sống ở quê hồi đó, giữa năm 1989, tôi cùng chồng và 3 đứa con nhỏ dắt díu nhau cùng đoàn người gồm 30 hộ gia đình, rời làng quê Phù Lưu (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vào đầu quân cho nông trường Buôn Kit”.

“Trước đây, vùng đất này (Sông Hinh) rậm dày cỏ dại, là nơi các loài muỗi vắt, rắn rít trú ẩn chực tấn công người qua lại. Những năm đó, muỗi sốt rét hoành hành rất dữ. Một năm, hai vợ chồng năm, bảy lần lên cơn sốt rét. Cứ thay phiên đưa nhau ra trạm xá chích thuốc Quinin đến nỗi lõm hết hai mông”, chị Đàn ám ảnh.

Cũng là một trong những cư dân đầu tiên của vùng đất Sông Hinh, ông Nguyễn Đình Sao, người dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập, xã Ea ly (huyện Sông Hinh) cho biết, nghe lời đồn đất Sông Hinh màu mỡ, 20 năm trước, ông dắt díu vợ con từ Lạng Sơn vào Phú Yên lập nghiệp. Không có tiền đi xe, cả gia đình ông đi bộ gần 70 cây số từ thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa) lên huyện Sông Hinh, rồi hằng ngày vật lộn với từng góc rừng để kiếm sống. Hồi đó, nơi này còn rất hoang vu, bệnh tật có thể đến với bất kỳ ai, rẫy của gia đình ông cũng thường xuyên bị thú rừng quấy phá.

“Chúng tôi dựng chòi trại để ở, khai hoang đất đai làm rẫy trồng lúa. Cũng may nhờ đất tốt, trời thương, khí hậu ôn hòa, sau vài năm trỉa lúa rẫy, bà con ở đây không còn lo cái đói, rồi tiếp đến là trồng bắp, cà phê, mía, sắn… Cuộc sống dần ổn định, no đủ, có của ăn của để. Sau mấy vụ mùa, chúng tôi mở rộng sản xuất rồi xây nhà, mua ti vi, sắm xe máy”, ông Sao chia sẻ.

 Chị Hoàng Thị Đàn bên vườn cà phê xanh tốt

...thành vùng quê trù phú

Hơn 25 năm, từ hai bàn tay trắng của những ngày đầu lập nghiệp, để có được hôm nay, hàng ngàn hộ dân như chị Đàn, ông Sao, bà con đồng bào các dân tộc từ các vùng quê miền Bắc vào Sông Hinh lập nghiệp đã cần cù, chịu thương, chịu khó, không quản nhọc nhằn lao động và quyết tâm vượt khó. Họ đã “biến” Sông Hinh từ vùng đất hoang vu thành vùng quê trù phú.

Từ cuộc sống nghèo khó, thiếu ăn, thiếu mặc thì nay hàng ngàn hộ dân Sông Hinh đều có nhà cửa ổn định. Trên 50% hộ có mức sống từ trung bình trở lên, hộ nào cũng có nhà cửa khang trang, mua được xe máy, ti vi, điện thoại. Nổi bật còn có hàng trăm hộ làm kinh tế trang trại, thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.

Ông Nguyễn Đình Sao, Bí thư thôn Tân Lập xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh cho biết, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn, các lớp dạy nghề, tổ chức đi tham quan thực tế các mô hình phát triển kinh tế ở các địa phương khác, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới. Hiện nay, ngoài cây cao su, người dân còn trồng tiêu, trồng cỏ nuôi bò lai, học tập kinh nghiệm từ các địa phương khác bà con còn phát triển thêm một số cây trồng mới như nghệ, đinh lăng, cam… đã mang lại hiệu quả. 

 X.HƯỚNG - P. OANH

 

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top