Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

​Lễ hội văn hóa-thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 19: Rộn ràng, đậm hương sắc núi rừng

Thứ Hai 23/07/2018 | 09:37 GMT+7

VH-  Lễ hội văn hóa-thể thao (VH-TT) các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ 19-năm 2018 vừa chính thức khai mạc vào tối 21.7 tại huyện Nam Giang ( Quảng Nam) với chủ đề “Âm vang vùng cao”.

 “Âm vang vùng cao” là chủ đề chính xuyên suốt lễ hội

Âm vang vùng cao

Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, đại biểu Bộ VHTTDL. Đại diện lãnh đạo và người dân huyện Đắc Chưng, Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) và các Sở VHTTDL Quảng Ngãi, Kon Tum và Thừa Thiên Huế cũng đến tham dự.

Với chủ đề “Âm vang vùng cao”, lễ hội lần thứ 19 thu hút gần 1.500 vận động viên, diễn viên đồng bào dân tộc của 9 huyện miền núi cùng về tham gia với vai trò là những chủ thể sáng tạo, thực hành và tổ chức hoạt động văn hóa tại ngày hội của mình. Những diễn viên quần chúng từ các đoàn về dự đã mang đến đêm khai mạc các chương trình nghệ thuật đậm màu sắc truyền thống, rộn ràng trong nhịp trống chiêng, điệu múa tâng tung - da dá, giao duyên của đồng bào vùng cao.

Đoàn nước bạn Lào tham gia đêm khai mạc cũng thể hiện tình giao lưu thắm thiết với tiết mục hát múa “Thắm tình hữu nghị Việt - Lào” cùng vũ điệu lăm-vông quyến rũ.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân - Trưởng ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh đây là sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu ở khu vực miền núi, là dịp hội tụ, giao lưu những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Nam, góp phần quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương miền núi đến du khách. Lễ hội không những tôn vinh di sản văn hóa đa dạng, phong phú, đa sắc màu của các dân tộc anh em sinh sống ở vùng Trường Sơn, mà còn mang một thông điệp về giữ gìn, bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc.

 Giới thiệu văn hoá vùng cao trong một tiết mục tại đêm khai mạc

Tôn vinh sắc màu văn hóa truyền thống

Đêm khai mạc đầy ấn tượng đã khởi động cho các hoạt động văn hóa truyền thống, kết hợp với du lịch, thể thao ấn tượng diễn ra trong những ngày hội lớn rộn ràng, đậm hương sắc của đồng bào vùng cao Quảng Nam, kéo dài từ ngày 21-24.7

Các nội dung hoạt động tại lễ hội cũng được cải thiện, nâng cao để tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá, trình diễn các nghề thủ công truyền thống và ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số; liên hoan nghệ thuật quần chúng, biểu diễn trống chiêng, nhạc cụ dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc; cùng các môn thi đấu thể thao thanh niên, quân sự, công an. Một số nội dung thi đấu của Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII khối các huyện miền núi cũng được khởi tranh tại lễ hội lần này.

Ngày hội thực sự đã tạo nên một không gian văn hóa để chính các chủ thể văn hóa miền núi, cộng đồng các dân tộc, đồng bào giới thiệu về văn hóa truyền thống của mình. Sự gắn kết cộng đồng trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẽ là điểm quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng miền núi trong những năm qua.

 ​ Dịp này, Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII khối các huyện miền núi sẽ tiếp tục diễn ra với 7 môn còn lại trong tổng số 11 môn thi đấu, gồm bóng đá nam 7 người, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, đẩy gậy, kéo co, việt dã leo núi và bắn ná. Bên cạnh đó tại đây cũng diễn ra 4 môn thi đấu của lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ các địa phương.

Kết nối các giá trị văn hóa để phát triển du lịch

Với đồng bào, đây không chỉ là ngày hội lớn đậm sắc màu văn hóa truyền thống mà còn là dịp để các dân tộc miền núi Quảng Nam cùng hội ngộ, giao lưu và đánh thức những giá trị văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, với những ngày hội lớn như thế này, những giá trị văn hóa cộng đồng của các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Nam sẽ được khơi dậy, tôn vinh và sẽ là “điểm nhấn” đặc biệt để thu hút du khách tìm đến thưởng thức, khám phá. Và cũng từ đó, văn hóa cộng đồng sẽ là sợi dây kết nối để bảo tồn, định hướng, phát huy các giá trị bản sắc truyền thống của miền núi Quảng Nam. Ngày hội vì thế không chỉ để tôn vinh bản sắc văn hóa mà còn là cơ hội kết nối các hoạt động văn hóa cộng đồng vùng cao với quảng bá tiềm năng du lịch, bảo tồn, phục dựng lại các giá trị di sản văn hóa tinh thần của đồng bào vùng cao.

Nhiều hiện vật quý giá, di sản phi vật thể, di sản vật thể truyền thống của đồng bào cũng được chính quyền các địa phương cùng người dân tâm huyết tìm kiếm, khôi phục, sưu tầm để trình diễn, trưng bày tại các ngày hội VHTT như thế này.

Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết tham gia những lễ hội như thế này là cơ hội để các địa phương giới thiệu, kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Mỗi địa phương về tham gia lễ hội đều có cho mình một nét duyên riêng biệt, độc đáo để giới thiệu với du khách, bạn bè qua những nét văn hóa đặc trưng, sản vật tiêu biểu, tiềm năng du lịch... của riêng địa phương. Và cũng nhờ đó mà bức tranh ngày hội lớn qua 19 lần tổ chức vẫn luôn rộn ràng, tươi mới và đầy màu sắc.

 KHÁNH CHI

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top