Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Hiến kế đưa du lịch Phú Yên “cất cánh”

Thứ Hai 19/08/2019 | 15:44 GMT+7

VHO-Chiều 19.8, tại Phú Yên, Tổng Cục Du lịch (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên tổ chức Tọa đàm chủ đề “Kết nối các tuyến, điểm du lịch Phú Yên và Nam Trung Bộ”. Tham dự Tọa đàm có lãnh đạo Tổng Cục Du lịch, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên và 30 đại diện lãnh đạo các công ty Du lịch trong cả nước. 

Tiềm năng du lịch rất lớn

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Văn Bảy – Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: Phú Yên là tỉnh thuộc Duyên Hải Nam Trung Bộ, nằm giữa hai dãy đèo lớn của đất nước là đèo Cù Mông phía Bắc và đèo Cả ở phía Nam. Nơi đây, có địa hình đa dạng, phong phú  với: đồi núi, đồng bằng và biển. Bởi vậy tiềm năng tài nguyên để phát triển các loại hìn du lịch theo đó cũng rất phong phú.

Ông Nguyễn Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch phát biểu

Theo đó, Phú Yên có bờ biển dài 189 km, nhiều nơi khúc khửu, quanh co, núi biển liền kề tạo nên nhiều vịnh, đầm, mũi, gành… mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ kỳ thú như: Đầm Cù Mông; đầm Ô Loan, với đặc sản nổi tiếng như: Sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, rau cau… vịnh Vũng Rô, gắn liền với di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô cùng huyền thoại về những con Tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển.

Ngoài ra, Phú Yên còn có nhiều danh thắng nổi tiếng: Vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Điện (mũi Đại Lãnh) điểm cực Đông trên đất liền, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Tổ quốc. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Yên nhiều bãi tắm xinh đẹp làm say đắm lòng người có thể phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng và thể thao trên biển, trên cát.

Bên cạnh những tài nguyên du lịch tự nhiên, Phú Yên còn là một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Một số di tích, địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các danh nhân lịch sử: Đá Bia – Nam Thiên đệ nhất trụ - gắn với truyền thuyết về hành trình mở cõi về phương Nam của vua Lê Thánh Tông; Đền thờ Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh…

Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa và hòa hợp của nền văn hóa Việt - Chăm với Tháp Nhạn, Thành Hồ cổ kính. Năm 2019, Di tích kiến trúc văn hóa Tháp Nhạn trở thành Di tích kiến trúc quốc gia đặc biệt. Với tiềm năng du lịch phong phú là điều kiện rất tối để khai thác du lịch tại địa phương này.

Du khách nước ngoài tại Ghềnh Đá Đĩa Phú Yên

Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Phú Yên: Đến tháng 7.2019, toàn tỉnh có 177 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 45 khách sạn 1 sao. Tổng số buồng lưu trú du lịch là 3.350 buồng, trong đó có khoảng 658 buồng đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch là 4.045 người.

Cần tạo ra cách làm mới để du lịch phát triển

Ông Nguyễn Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết: Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng Cục Du lịch tổ chức buổi Tọa đàm “Kết nối các tuyến, điểm du lịch Phú Yên và Nam Trung Bộ”. Tôi rất vui mừng vì có tới 30 doanh nghiệp trong cả nước đã tham gia khảo sát du lịch trong 2 ngày qua tại Phú Yên.

Theo ông Chung, qua buổi Tọa đàm này, các đại biểu hãy nêu các ý tưởng, các ý kiến nhằm thúc đẩy phát triển di lịch Phú Yên và kết nối du lịch Phú Yên với các tỉnh. Hiện nay, du lịch Phú Yên nên tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn lực du lịch, khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các nguồn khách, tìm hiểu thị hiếu của các nguồn khách du lịch để xây dựng các phục vụ du khách cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Quang Thắng – Giám đốc công ty Tic Tour  cho biết: Phú Yên là vùng đất rất đẹp với tự nhiên hoang sơ, là điều kiện phát triển du lịch rất tốt. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua nhưng Phú Yên thay đổi không nhiều, các dịch vụ và cách làm du lịch tại đây chưa thật sự chuyên nghiệp. Đơn cử như tại điểm du lịch Ghềnh Đá Đĩa – Danh thắng quốc gia rất đẹp, với ghềnh đá cheo leo nhưng du khách lại tùy ý tương tác lên danh thắng này là rất nguy hiểm, bởi nếu xảy ra sự cố sẽ nguy hiểm cho du khách.

Điểm du lịch Mũi Điện Đại Lãnh tỉnh Phú Yên

Ông Lại Thế Thiện – Phó giám đốc Phòng kinh doanh Fidi Tour cho biết: Làm du lịch hiện nay cần phải làm theo mô hình thông minh. Tức là phải tạo ra các điểm đến Du lịch có sức hút đặc biệt. Điều này tôi nhận thấy thiên nhiên Phú Yên  rất kỳ thú và có rất nhiều điều đặc biệt, hiện nay cái thiếu ở Phú Yên đó là cách làm mới. Đó là cách làm du lịch bền vững hướng đến thị hiếu của du khách đó là du lịch sạch, an toàn. Làm được điều này ngoài đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ thì cần tạo ra những điểm vui chơi mới, lạ…

XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top