Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Đào tạo hướng dẫn viên để đáp ứng cung - cầu trong du lịch

Thứ Tư 21/08/2019 | 17:08 GMT+7

VHO-Sự tăng trưởng của khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm đến du lịch đã tạo áp lực không nhỏ cho công tác quản lý về du lịch nói chung và công tác quản lý hướng dẫn du lịch nói riêng. Hội thảo Tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch diễn ra tại Đà Nẵng đã đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” về công tác quản lý, đào tạo trình độ, nghiệp vụ, đạo đức cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch (HDVDL), qua đó đòi hỏi phải có nhiều biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hướng dẫn du lịch.

Hơn 25.500 HDV hoạt động trong lĩnh vực du lịch

Các tiêu chuẩn và yêu cầu về công tác hướng dẫn du lịch đã được quy định ngay từ thời kỳ đầu phát triển, cụ thể thông qua các quy định: Quy chế quản lý hướng dẫn du lịch năm 1994; Pháp lệnh du lịch 1999; Luật du lịch 2005 và Luật du lịch 2017 (thay thế luật du lịch 2005). Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục du lịch: Năm 2018 đã cấp mới 5.080 thẻ HDV, đổi 1.571 thẻ. Đến ngày 31.12.2018, cả nước có 23.792 HDV, trong đó có 15.080 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.450 hướng dẫn viên du lịch nội địa, 262 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Tính đến giữa tháng 8.2019, số lượng HDV tiếp tục tăng, đạt trên 25.500 HDV.

Hội thảo Tăng cường quản lý hướng dẫn du lịch

Tuy nhiên, song song với sự tăng trưởng của hướng dẫn du lịch thì hiện nay, có nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tế, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng Cục trưởng TCDL đã nêu ra một số vấn đề “nóng” trong thực trạng hoạt động, sử dụng HDV tại các điểm, trong đó nổi cộm là các vấn đề như sự tăng trưởng không đồng đều của HDVDL sử dụng các ngoại ngữ khác nhau; hiện tượng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả để xin cấp thẻ HDVDL quốc tế và nội địa, xuất hiện nhiều HDV “chui” hay người hướng dẫn không có thẻ, người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch trái phép tại Việt Nam, hiện tượng thiếu hụt HDV cả về số và chất lượng, ngoài ra, vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ này cũng là vấn đề mà các công ty lữ hành cũng như nhiều đơn vị quản lý phải “đau đầu”…

“Bất cập của chúng ta là thiếu HDV, không đủ HDV vào thời điểm cao điểm khách quốc tế. Qua khảo sát, báo cáo từ các đơn vị quản lý cho thấy nhiều HDV hành nghề vượt quá các quy định của pháp luật, bao trọn các dịch vụ đoàn khách. Thiếu về số lượng và yếu về chất lượng là vấn đề nan giải, vì nhiều HDV có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch quốc tế”, ông Chung nói.

Tại TP. Đà Nẵng, HDV tiếng Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha chưa đáp ứng đủ số lượng. Đội ngũ HDV tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha còn thiếu và đều đã lớn tuổi. Sự phát triển nóng về thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc  dẫn đến việc thiếu HDV tiếng Hàn. Các điều kiện, tiêu chí khác đối với HDV như trình độ, đạo đức nghề nghiệp có biểu hiện xuống cấp, thể hiện ở các hành động như cắt xén một số dịch vụ trong chương trình tour, một số doanh nghiệp sử dụng sitting guide để đối phó với cơ quan chức năng và tiếp tay cho người nước ngoài hướng dẫn trái phép…

Đại biểu đóng góp ý kiến về việc quản lý HDV DL

Liên quan đến những vấn đề này, ông Lê Ngọc Nhất - Phó BQL Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng nêu ra những hành vi ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp đang tồn tại trong đội ngũ HDV: Tại Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn có rất nhiều địa điểm cho du khách tham quan, trải nghiệm, độ cao ở những khu vực này không quá phức tạp, nhưng do điều kiện khách quan và chủ quan, một số HDV vẫn bỏ điểm, cắt tour hoặc chỉ chọn điểm có chi phí thấp nhất động Âm Phủ. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chuyến đi của khách tham quan khiến họ không có cái nhìn chính xác về giá trị của điểm đến. Bên cạnh đó thời gian qua có một số đoàn HDV cố tình đưa khách đến khi hết giờ tham quan để đi “chui”, không mất tiền mua vé vào.

Cần khích lệ người lao động trong nghề hướng dẫn

Theo báo cáo chính thức từ đơn vị quản lý du lịch các địa phương, mỗi năm (kể từ năm 2016) cơ quan quản lý đã phát hiện và thu thu hồi hơn 200 thẻ HDV du lịch đã cấp cho những người sử dụng bằng cấp giả, đây là vấn đề rất khó khăn trong công tác quản lý.

Hướng dẫn viên tại Đà Nẵng

Thực tế cho thấy, những HDV có trình độ, luôn phấn đấu cho công việc, có đầy đủ điều kiện hành nghề, đang bị cạnh tranh bởi những người dùng bằng cấp giả để xin cấp thẻ HDV du lịch. Vì điều kiện thực hiện cấp đổi thẻ theo quy định rất ngắn, các địa phương có ít thời gian để thẩm định hồ sơ nên không thể kịp thời phát hiện, công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo kiểm tra bằng cấp diễn ra thường xuyên, nhưng trong thời gian đó vẫn phải cấp thẻ cho người lao động, đó là một trong những nguyên nhân xuất hiện những HDV không chất lượng từ bằng cấp giả.

Ông Bùi Văn Dũng - Phó Chủ tịch thường trực Hội HDV du lịch Việt Nam cho biết: Nhằm hoàn thiện những tiêu chí cần thiết trong lực lượng HDV, Hội HDV du lịch Việt Nam đã tổ chức 8 đợt xếp hạng cho hơn 400 HDV tại các tỉnh, thành phố có phát triển du lịch manh mẽ là TP. Hà Nội; TP. Đà Nẵng; TP. HCM; TP. Cần Thơ; tỉnh Quảng Ninh; tỉnh Khánh Hòa. Việc xếp hạng này có sự lan tỏa, động viên và khích lệ mạnh mẽ đối với đội ngũ HDV, góp phần để đội ngũ HDV học tập nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch và có cái nhìn nhận, đánh giá tốt từ xã hội, ngoài ra còn trợ giúp các công ty lữ hành trong việc tìm kiếm HDV đạt tiêu chuẩn. Cũng theo ông Dũng, để phát triển lực lượng HDV tại điểm cần sự vào cuộc của các Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng thiếu hụt HDV tại điểm - nhất là quản lý HDV du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, đảm bảo tính chuyên môn nghiệp vụ của HDV và đảm bảo an toàn cho khách du lịch. “Tuy nhiên, ngoài yếu tố cần thiết về năng lực, kỹ năng, văn hóa… thì nghề HDV là một nghề vất vả và nguy hiểm, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị quản lý cũng cần nghiên cứu việc tôn vinh người lao động trong quản lý và hướng dẫn du lịch. Sau cuộc hội thảo này, TCDL sẽ trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành sửa đổi thông tư 06 về quy định chi tiết thi hành Luật du lịch, trong đó tập trung vào luật hướng dẫn viên”, ông Ngô Hoài Chung đề nghị.

NGỌC HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top