Nỗi nhớ quê hương trên hành trình tuk tuk

VH- Những câu chuyện phận đời xa xứ rả rích hiện lên sau những ngữ điệu nhát gừng trên chuyến xe tuk tuk đưa chúng tôi trải nghiệm khắp Phnom Penh, thủ phủ của Vương quốc Chùa Tháp xinh đẹp. Khá bất ngờ khi biết được chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong đội tài xế tuk tuk ở Thủ đô này là người Việt.

Nỗi nhớ quê hương trên hành trình tuk tuk - Anh 1

 Tài xế tuk tuk kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch thân thiện

Hơn một tuần ở Phnom Penh, tôi chỉ gặp vài chiếc taxi trên đường phố. Cứ vài chục mét lại xuất hiện đến 3, 4 xe tuk tuk. Phnom Penh hiện có khoảng 30-40 ngàn phương tiện loại này lưu hành. Cũng không khó khăn để được phép vận hành tuk tuk ngoài điều kiện duy nhất là có bằng lái xe máy. Đêm khám phá Phnom Penh đầu tiên của chúng tôi cũng bằng loại phương tiện phổ thông này. 6 đô la cho hành trình từ khách sạn nơi chúng tôi ở - The Mekong Dragon đến chợ đêm trung tâm, cách chừng 4, 5 cây số. Bác tài tên Choon tỏ sự hiếu khách bằng việc bắn tiếng Anh tía lia để giới thiệu các điểm dừng chân của du khách khi đến Phnom Penh. Cánh tay gầy chỉ vung vít, đây là Tượng đài Độc lập, Cung điện Hoàng gia, kia là quảng trường, chùa cổ, nhà hàng người Việt, phố Gay… Nếu khả năng tiếng Anh tốt thì sẽ có nhiều thông tin thú vị được tiếp nhận từ những hướng dẫn viên thân thiện như Choon, cũng như nhiều tài xế tuk tuk khác ở xứ sở này.

Bạn đồng hành với chúng tôi trong những ngày ở Phnom Penh là Sopheak, người Việt dân tộc Khmer, quê gốc Trà Vinh. Anh sang Phnom Penh định cư đã 15 năm và là người thông thạo mọi ngõ ngách, tập quán của người dân xứ này. Sopheak trầm tính nhưng luôn ấm áp khi sẻ chia về nỗi niềm xa xứ. Ẩn trong mỗi câu chuyện khoan nhặt, Sopheak dường như luôn mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm nơi chúng tôi. Anh bảo, mỗi lần gặp khách du lịch người Việt lại cảm thấy như được ở quê nhà, nơi vì kế mưu sinh mà đã nhiều năm anh chưa thể trở về sinh sống.

15 năm trước, Sopheak theo bạn bè sang biên giới Campuchia làm phụ hồ. Tích lũy chút vốn ít ỏi, anh mua một chiếc xe máy và tái chế để chuyển sang lái xe tuk tuk. Cái tên Sopheak có từ khi lấy vợ người Campuchia, làm chứng minh thư nên phải đổi tên. Sopheak tâm sự, nghề lái xe tuk tuk nếu tằn tiện cũng đủ chi tiêu và có tích lũy. Mùa thu nhập cao điểm của nghề vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, thời điểm khách du lịch nước ngoài đến Campuchia đông nhất. Mỗi ngày nếu chạy hết công suất, trừ chi phí tối thiểu thì cũng tích lũy được khoảng 30 đô la. “Người Việt Nam sang Campuchia mưu sinh bằng nhiều nghề, trong đó chạy xe tuk tuk khá phổ biến. Không lạ nếu du khách người Việt có thể gặp rất nhiều bác tài tuk tuk cùng quê trên các con phố ở Phnom Penh…”, Sopheak tâm sự.

Hành trình dài nhất mà Sopheak đưa chúng tôi đi là gần hai chục cây số, từ trung tâm thành phố đến địa danh mang tên “Cánh đồng chết”, tên tiếng Anh là Killing Fields. Túc tắc chậm rãi trên tuk tuk cũng là khoảng thời gian mà bác tài dễ mến này cung cấp cho chúng tôi thông tin cơ bản về điểm đến hầu như không thể thiếu của khách du lịch tại Phnom Penh này. Sopheak nhìn tôi, có lẽ vì là phụ nữ duy nhất, rồi dặn: “Đừng sợ hãi khi chứng kiến những hình ảnh chết chóc, tang thương ở Cánh đồng chết. Địa danh này chứa chất và gợi nhớ một quá khứ đau buồn không gì có thể bù đắp trong lịch sử đất nước Campuchia. Điều đặc biệt là nhân dân Campuchia không né tránh mà ngược lại, nơi đây còn là một địa điểm du lịch thu hút rất đông du khách. Hầu như tuần nào tôi cũng có khách yêu cầu đưa đến đây tham quan…”.

Thông tin từ Sopheak cũng phần nào giúp chúng tôi bớt đi cảm giác ám ảnh, sợ hãi khi trải nghiệm. Từng điểm dừng trên địa danh mang tên chết chóc này đều như một cầu nối nhắc nhở thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên người dân Campuchia đã trải qua thời kỳ đen tối, đau thương kinh hoàng của chế độ diệt chủng Pol Pot như thế nào. Sopheak cũng chỉ dẫn chúng tôi, nếu đã đến “Cánh đồng chết” thì không thể không tới Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng. Và anh đã đưa chúng tôi tới đó. Đây là bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ trong thời gian cầm quyền từ 1975 đến 1979. Ấn tượng của chúng tôi về Tuol Sleng, còn có tên gọi S21 là một không gian tĩnh lặng, nhưng từng góc, từng góc đều chứa chất nỗi ám ảnh trong cơn ác mộng kinh hoàng của người Campuchia. Bảo tàng từng là một ngôi trường. Khi quân Khmer Đỏ chiếm thành phố thì trường học bị giải tán và nơi này được sử dụng làm nơi giam giữ, tra tấn tù nhân. Hơn 20 ngàn người đã được đưa đến S21, bị tra tấn, hành hạ, bị bắt ký nhận những bản án thảm khốc để hoàn thiện hồ sơ trước khi chuyển đến Chouung Ek, cách trung tâm thành phố gần 20 cây số để hành quyết. Nơi đó chính là Cánh đồng chết mà chúng tôi vừa đặt chân đến cách đó ít giờ.

Kết thúc hành trình trải nghiệm với cảm giác nặng nề, Sopheak ngỏ ý giúp chúng tôi thư giãn tại một quán cà phê của người Việt ở Phnom Penh. Quán rộng, nhạc Việt nhẹ nhàng, nằm ngay giữa Thủ đô. Điều tuyệt nhất là không khó để được nghe thấy tiếng quê hương bởi ở đây đa phần là khách Việt. Sopheak dịu giọng: “Nhiều năm ở Phnom Penh, mỗi lần nhớ quê tôi đều tìm đến quán quen này. Chủ quán Việt, đồ uống Việt, nếu thích cũng có thể tâm sự với bất cứ ai cho khuây khỏa…”.

Khát khao gặp lại hương vị quê hương có lẽ không là cảm xúc của riêng Sopheak mà còn của rất nhiều người Việt Nam xa xứ ở đây. Biết chúng tôi có mặt tại Phnom Penh để tham gia Tuần Văn hóa Việt Nam 2017 tại Campuchia, anh không giấu được sự phấn khích. Gương mặt xạm đen vì nắng gió rạng rỡ hơn khi đích thân Sopheak nhận đưa chúng tôi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để tham dự đêm nghệ thuật phục vụ kiều bào xa Tổ quốc. Lại trên xe tuk tuk, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng tắc đường kéo dài cả tiếng đồng hồ ở Phnom Penh, không khác gì mấy so với đường phố Hà Nội, Sài Gòn. Khi đến nơi, lúng túng xoa đôi tay chai sạn, Sopheak bảo, muốn vào trong lắm nhưng… ngại. Đã lâu rồi không được lắng nghe giai điệu quê nhà nên trong lòng trống vắng lắm.

Ẩn sâu trong những câu chuyện khoan nhặt, sau ánh mắt thẳm buồn và dáng vẻ cần mẫn, Sopheak tâm sự, nỗi nhớ quê hương trong mười mấy năm qua đã như một động lực không tên thôi thúc anh làm việc. Sau những tháng năm dầm mưa dãi nắng, anh đã mua được nhà và ô tô để thêm nghề kiếm sống. Trước đây còn khó khăn, không có điều kiện về quê nhưng bây giờ, cứ mỗi năm một lần Sopheak lại tự lái xe chở vợ con về Trà Vinh thăm lại người thân, bè bạn.

“Chỉ những người buộc phải rời xa quê hương mới thấu hiểu nỗi lòng xa xứ…”, Sopheak trùng giọng. Chậm rãi, thong dong và có vẻ như níu kéo, người đàn ông Việt Nam trên chiếc xe tuk tuk lặng lẽ đưa chúng tôi đi khắp mọi nẻo đường trên thủ đô Chùa Tháp. Thăm Bảo tàng, đi chợ, siêu thị, lễ chùa… Còn chúng tôi, ấn tượng về anh cứ miên man như câu chuyện không tên kéo dài chẳng dứt. Sopheak bảo, gặp nhau đây như giúp anh tìm thấy được một phần vóc dáng quê nhà.

Phương Anh

 

Ý kiến bạn đọc