Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Phát triển Du lịch: Cần chiến lược dài hạn và hành động linh hoạt

Thứ Hai 09/08/2021 | 14:54 GMT+7

VHO- Năng lực cạnh tranh là thước đo sức mạnh tổng thể của một quốc gia, một ngành hay lĩnh vực, thường được so sánh với các nước, các chủ thể tương đương khác. Vì thế, việc nâng cao năng lực cạnh quốc gia để phát triển du lịch và cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong tất cả các bảng xếp hạng quốc tế quan trọng là việc cần thiết và cần được làm thường xuyên, liên tục. Hiện nay, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung, trong lĩnh vực du lịch nói riêng đã khá đầy đủ, đồng bộ.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Du lịch Việt Nam

Hoạt động hợp tác, phối hợp còn lỏng lẻo, chưa bền vững

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định mục tiêu “Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á”.

Từ năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp cận theo hướng so sánh quốc tế. Đối với ngành Du lịch, Nghị quyết 02/NQ-CP nêu rõ mục tiêu: “Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới- WEF lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc. Bộ VHTTDL được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF; chủ trì, chịu trách nhiệm nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (gọi tắt là Đ1) lên 15 - 20 bậc, năm 2019 từ 5 - 7 bậc; xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung liên quan”.

Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19 nên đến nay chưa có đánh giá chính thức về việc thực hiện những mục tiêu trên. Tuy nhiên, có thể nói các chủ trương, chính sách đã khá rõ ràng, đồng bộ.

Việt Nam được đánh giá có tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa đa dạng

Trong quá trình thực hiện việc nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia đã có nhiều thay đổi về nhận thức, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, nghiên cứu áp dụng các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh du lịch cấp tỉnh, có tham khảo các chỉ số, tiêu chí, phương pháp đánh giá quốc tế. Mặc dù vậy, các hành động triển khai còn chưa quyết liệt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế thế giới (2 năm 1 lần) xếp hạng 140 nền kinh tế trên cơ sở đo lường 14 nhóm chỉ số với 90 chỉ số thành phần theo 4 yếu tố chung cấu thành năng lực cạnh tranh du lịch: Môi trường hoạt động; Chính sách và điều kiện hỗ trợ; Cơ sở hạ tầng và Tài nguyên văn hóa và tự nhiên. Đa số nội dung của các nhóm chỉ số liên quan đến chức năng, nhiệm vụ chính của các Bộ, ngành liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch thuộc trách nhiệm của Bộ VHTTDL cần được quan tâm, thúc đẩy mạnh hơn.

Nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch của Việt Nam theo Báo cáo năm 2019 của WEF còn ở mức độ xếp hạng thấp (100/140 nền kinh tế), trong Đông Nam Á chỉ hơn Brunei (127/140), thấp hơn đáng kể so với xếp hạng chung (63/140) của khu vực. Trong 6 chỉ số thành phần của nhóm chỉ số này thì ngoài chỉ số Mức độ kịp thời thông tin về du lịch hàng tháng/quý liên quan đến khách du lịch quốc tế và tổng thu từ du lịch được đánh giá cao (8/140), 5 chỉ số quan trọng còn lại đều xếp hạng thấp, cụ thể: Chiến lược thương hiệu quốc gia (101/140); Hiệu quả của marketing và phát triển thương hiệu thu hút khách du lịch (93/140); Mức độ ưu tiên của Chính phủ cho ngành du lịch (89/140); Chi tiêu của Chính phủ cho ngành Du lịch (118/140); Mức độ toàn diện của thông tin về du lịch hàng năm (112/140).

Một số địa phương có nguồn lực đầu tư tư nhân lớn, có những dự án du lịch tầm cỡ quốc tế

Những chỉ số thuộc nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch là những chỉ số cơ bản, thể hiện 3 khía cạnh: Sự quan tâm của nhà nước bằng chính sách và nguồn lực đầu tư; chiến lược và hiệu quả marketing, phát triển thương hiệu; và thống kê, đánh giá hiệu quả, mức độ đóp góp của ngành Du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không cải thiện được nền tảng cơ bản nêu trên, rất khó để ngành Du lịch có thể bứt phá, phát triển một cách bền vững.

Đồng thời, do du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành cao, thể hiện ở các chỉ số năng lực cạnh tranh nêu trên, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông, An ninh- quốc phòng, Thông tin và truyền thông thì Du lịch cũng không thể cất cánh. Thời gian vừa qua, một số lĩnh vực có sự cải thiện đáng kể, tiêu biểu như lĩnh vực giao thông hàng không khi các đường bay quốc tế và trong nước ngày càng mở rộng, nhiều hãng hàng không tham gia thị trường, đem lại nhiều sự lựa chọn hơn cho du khách; giao thông đường bộ, đường biển cũng có sự cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi hơn kết nối liên vùng. Thủ tục xuất nhập cảnh mặc dù còn chưa được thông thoáng như nhiều nước nhưng đã có sự cải thiện nhất định, nhất là chính sách cấp thị thực điện tử. Xúc tiến du lịch kết hợp với thương mại đã được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn chưa có cơ chế phối hợp thường xuyên, có định hướng, kế hoạch nên các hoạt động hợp tác, phối hợp còn lỏng lẻo, chưa bền vững.

Tuy nhiên, nhiều địa phương sản phẩm du lịch còn sơ sài, phát triển tự phát

Đối với các địa phương, kết quả quan trọng nhất là sự quan tâm và nhận thức của chính quyền địa phương về phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế được nâng lên. Những vấn nạn thường được nhắc đến khoảng 5 năm trước đây như chặt chém, lừa đảo, mất vệ sinh… đã được hạn chế đáng kể; đầu tư phát triển sản phẩm đã bài bản hơn; các doanh nghiệp được tạo điều kiện tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Tuy nhiên, hệ thống quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn về du lịch ở địa phương còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và hỗ trợ phát triển. Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn rất hạn chế nên ngoài một số địa phương có nguồn lực đầu tư tư nhân lớn, đa số các địa phương phát triển du lịch còn manh mún, thiếu chiều sâu.

Cần chiến lược dài hạn và hành động linh hoạt

Chiến lược, hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia là trụ cột của năng lực cạnh tranh du lịch như đã phân tích ở trên. Đây cũng là vấn đề của ngành Du lịch trong nhiều năm qua, được ghi thành 1 nhóm nhiệm vụ giải pháp riêng trong Nghị quyết số 08-NQ/TW. Từ thực trạng hiện nay và yêu cầu trong tình hình mới, để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, thay đổi là tất yếu. Đổi mới cần bảo đảm vừa có chiến lược dài hạn và vừa có thể hành động linh hoạt. Các giải pháp cần phải có kế hoạch cụ thể và thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Trong đó, xây dựng Chiến lược thương hiệu du lịch Việt Nam trong tình hình mới dựa trên đánh giá triển khai chiến lược cũ để có cách tiếp cận và hành động thống nhất.

Kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia (NTO) bên cạnh cơ quan quản lý du lịch quốc gia (NTA) như mô hình phổ biến trên thế giới để bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trong việc huy động, kết hợp các nguồn lực nhà nước và xã hội, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, marketing số như một yêu cầu tất yếu nhằm quảng bá điểm đến, tiếp cận, quản trị khách hàng, kết nối trong ngành và với thị trường một cách hiệu quả.

Thiết lập các cơ chế hợp tác liên ngành Du lịch với Ngoại giao, Công thương, Thông tin và truyền thông và các lĩnh vực liên quan khác nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung, Du lịch Việt Nam nói riêng.

Việc quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước cần phải có những thay đổi, đầu tư xứng tầm để chuyên nghiệp và hiệu quả hơn

Đối với ngành kinh tế tổng hợp như Du lịch, phải đối mặt với nhiều yếu tố khó lường về dịch bệnh, thiên tai, kinh tế, chính trị…, có nhiều hướng dẫn, kinh nghiệm quốc tế và trong nước để đối phó với những trường hợp cụ thể trong thực tế. Không có một công thức chung nào cho tất cả nhưng đặc điểm chung của tất cả các cơ chế hiệu quả là thường xuyên có đánh giá, dự báo sát tình hình; có sự hợp tác, kết nối nhanh, hiệu quả trong ngành và liên ngành và có tính sẵn sàng cao đối với tất cả các diễn biến trong thực tế.     

Nhiều ý kiến cho rằng Du lịch Việt Nam phải thay đổi mục tiêu, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, đo lường bằng giá trị, hiệu quả. Quan điểm hướng tới phát triển theo chiều sâu luôn đúng với mọi ngành và nền kinh tế. Đối với Du lịch Việt Nam hiện nay, cần chú trọng đồng thời phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên nâng cao chất lượng. Điều này do thị trường du lịch đa dạng với nhiều phân khúc khác nhau. Du lịch đại chúng, nhất là du lịch nội địa vẫn đang trong quá trình phát triển không thể phủ nhận hay ngăn cản. Bên cạnh đó, đặc điểm của sản phẩm của Du lịch Việt Nam là đa dạng về trình độ và sản phẩm nên khó để đòi hỏi bắt buộc yêu cầu chất lượng cao trong mọi trường hợp.

Singapore là một hình mẫu để Du lịch Việt Nam học tập khi đất nước nhỏ bé này tài nguyên không phong phú như Việt Nam nhưng họ khai thác du lịch rất tốt và luôn đứng trong top 3 về phát triển du lịch của Đông Nam Á

Để phát triển du lịch theo chiều sâu, Việt Nam có thể lấy Singapore là một hình mẫu tham khảo. Singapore là quốc gia năng lực cạnh tranh ngành Du lịch đứng đầu Đông Nam Á, hạng 17/140 nền kinh tế theo WEF. Đáng chú ý, các chỉ số về Tài nguyên thiên nhiên và Sức cạnh tranh về giá lần lượt xếp hạng 120/140 và 102/140 nền kinh tế, thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trong khi các chỉ số này, Việt Nam thuộc nhóm đầu thế giới, lần lượt xếp hạng 35/140 và 22/140 nền kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số quan trọng khác của Singapore về Môi trường kinh doanh (hạng 2/140), Mức độ mở cửa quốc tế (hạng 3/140), Nhân lực và thị trường lao động (hạng 5/140), Hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 2/140), Hạ tầng hàng không (hạng 7/140), Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 6/140) thuộc nhóm 10 nước hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy các yếu tố về thể chế, chính sách và năng lực sáng tạo mới quyết định năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch.

Cần tăng cường liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị để hình hành nên các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021- 2030 xác định nhiệm vụ và giải pháp: “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”.

Nội dung trên đã bao quát các vấn đề có tính tổng hợp, liên ngành, gắn với quốc tế của Du lịch Việt Nam, đồng thời chú trọng đến các nội dung trọng tâm về sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và đóng góp của ngành Du lịch. Từ cách tiếp cập về năng lực cạnh tranh, đặc biệt các yếu tố nội tại của ngành Du lịch, để triển khai nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, trước hết cần tập trung vào các vấn đề mang tính chất cơ bản như: Đổi mới thể chế, chính sách và tăng cường nguồn lực đầu tư; Xây dựng và triển khai hiệu quả Chiến lược marketing, phát triển thương hiệu; và Đánh giá hiệu quả, mức độ đóng góp của ngành Du lịch theo phương pháp khoa học, tiêu chuẩn quốc tế để có giải pháp thực tế, phù hợp trong từng lĩnh vực và giai đoạn.

Lê Tuấn Anh, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top