Kế hoạch mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế: “Chốt” phương án ngày 15.3

VHO- Ngày 15.2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan để bàn phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, gắn với từng bước phục hồi kinh tế-xã hội. Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành liên quan gồm Ngoại giao, Y tế, Công an, Quốc phòng...

Kế hoạch mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế: “Chốt” phương án ngày 15.3 - Anh 1

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành về mở cửa du lịch thích ứng với tình hình mới 

Các Bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm 
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết Bộ đã xây dựng Phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới, ban đầu là vào dịp 30.4 - 1.5. Trên tinh thần khẩn trương, Bộ đã tổ chức 3 cuộc hội thảo để tổng hợp ý kiến đầy đủ của các doanh nghiệp, Bộ, ngành, địa phương về lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Phương án mở cửa hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới được xây dựng phải dựa trên tình hình dịch bệnh của Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm một số nước trong khu vực và trên thế giới. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam áp dụng hộ chiếu vắc xin được triển khai từ tháng 11.2021 đến nay đã có những kết quả tích cực, đảm bảo điều kiện an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Tính đến ngày 10.2, Việt Nam đã đón được gần 9.000 khách du lịch quốc tế đi theo Chương trình thí điểm. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành cũng đã thảo luận kỹ những nội dung để có thể mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15.3, theo đúng tinh thần “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, mau chóng phục hồi, phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung. Cụ thể, các biện pháp để kiểm soát người đi lại được đưa ra khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay sẽ được dỡ bỏ, cùng với đó là thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch bệnh như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, đặc biệt là thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu. Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia,vùng lãnh thổ, nhưng do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020 và tuỳ theo diễn biến dịch tại các nước, Chính phủ đã có Nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế miễn visa này. Trong điều kiện bình thường mới, các Bộ, ngành thống nhất báo cáo Chính phủ cho phép từ 15.3 sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và trở lại thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương cho các nước. 
Du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour du lịch trọn gói như trong thời gian thí điểm, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về tiêm vắc xin phòng Covid-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay (trong vòng 24 giờ đối với phương pháp xét nghiệm nhanh, 72 giờ đối với phương pháp RT-PCR ), với các nước có quy định khắt khe hơn thì áp dụng theo quy định của các nước này. Các khách đi bằng đường bộ, đường biển phải xét nghiệm nhanh ngay tại cửa khẩu. Tất cả các khách cài ít nhất một ứng dụng quản lý y tế theo quy định của cơ quan chuyên môn Việt Nam và bật liên tục trong thời gian ở tại Việt Nam... 
Theo đại diện Bộ Y tế, khách quốc tế từ 12 tuổi trở lên phải được tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin, mũi thứ 2 không quá 6 tháng hoặc có chứng nhận khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng. Khách quốc tế dưới 11 tuổi không bắt buộc phải tiêm vắc xin vì Việt Nam chưa thực hiện tiêm cho đối tượng này. Đối với khách quốc tế nhập cảnh qua đường hàng không, những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ phải xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay, những người còn lại phải về thẳng nơi lưu trú đã đăng ký trước, tự cách ly trong vòng 24 tiếng, sau đó được tham gia các hoạt động du lịch bình thường và thực hiện xét nghiệm nhanh hoặc RT-PCR, tiếp tục theo dõi y tế trong vòng 14 ngày theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm 5K. 
Các Bộ, ngành cũng thống nhất với đề xuất của Bộ VHTTDL là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD (trung bình khoảng 30 USD/người) trong trường hợp phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam. Nếu du khách quốc tế dương tính với Covid-19, cơ sở lưu trú có trách nhiệm làm việc với cơ quan y tế, chính quyền địa phương để cách ly, quản lý, điều trị tương tự như người Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, để chuẩn bị mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, không chỉ các cơ quan quản lý, các địa phương mà các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn như: mở lại tour, tuyến, sản phẩm đến tìm kiếm nhân lực vận hành cơ sở lưu trú, dịch vụ… 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, sau hơn 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, từng Bộ, ngành phải hết sức khẩn trương, trách nhiệm trong triển khai hiệu quả các giải pháp để mở cửa lại hoạt động du lịch trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Phó Thủ tướng giao Bộ VHTTDL sau cuộc họp làm việc với Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến để ban hành các hướng dẫn kịp thời, chi tiết, báo cáo với Chính phủ. 

Kế hoạch mở cửa toàn bộ du lịch quốc tế: “Chốt” phương án ngày 15.3 - Anh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Mở cửa chắc chắn, không cầu toàn nhưng không nóng vội 
Trước đó, Bộ VHTTDL đề xuất với Thủ tướng về Phương án mở cửa hoạt động du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả trong bối cảnh bình thường mới bằng đường không, đường bộ, đường biển từ 15.3. 
Phương án này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam đã trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin lớn nhất thế giới. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 27.1, Thủ tướng đã chỉ đạo từ ngày 29.1 đến ngày 28.2, Việt Nam sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa Xuân năm 2022 cho toàn bộ người dân có chỉ định và đến thời gian tiêm theo tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa”. Vì vậy, Bộ VHTTDL đề xuất sớm mở cửa để khôi phục hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’. 
Yêu cầu được Bộ VHTTDL đặt ra là xác định cụ thể thời gian, đối tượng, yêu cầu mở cửa hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch được mở lại sớm nhất có thể nhưng không ồ ạt, có tổ chức chặt chẽ và đảm bảo lộ trình an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; không cầu toàn nhưng không nóng vội và phải thực hiện đồng bộ, nhất quán. Đồng thời, cần sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm, tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả. Theo đề xuất của Bộ VHTTDL với Thủ tướng, từ nay đến 14.3 tiếp tục triển khai chương trình thí điểm giai đoạn 2 đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 
Đối tượng áp dụng giai đoạn này là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, công dân Việt Nam được tham gia vào chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Phạm vi thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ đến các địa phương đảm bảo bảo điều kiện đón khách. Từ 15.3, mở rộng đối tượng gồm cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách du lịch ra nước ngoài (outbound). Khách đi du lịch nhập cảnh thông qua các cửa khẩu quốc tế đường không, đường bộ, đường biển và tuân thủ các quy định an toàn theo cấp độ dịch của Việt Nam. 
Đối với hoạt động du lịch nội địa, Bộ VHTTDL đề xuất địa phương công bố mở cửa đón và phục vụ khách theo từng cấp độ dịch, gắn với biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo hướng dẫn của ngành Du lịch, Y tế và địa phương. Doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện đón, phục vụ khách an toàn, dự phòng phương án sẵn sàng xử lý sự cố do dịch bệnh gây ra theo quy định. Khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch tự theo dõi sức khỏe và đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định. 
Ngoài ra, khách phải tuân thủ quy định của điểm đến, quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch; có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19... 

 Để chuẩn bị mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, không chỉ các cơ quan quản lý, các địa phương mà các doanh nghiệp du lịch sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn như: mở lại tour, tuyến, sản phẩm đến tìm kiếm nhân lực vận hành cơ sở lưu trú, dịch vụ… 

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 THÚY HÀ - ĐÌNH NAM 

Ý kiến bạn đọc