VIẾT TIẾP VỤ HÀNG TRĂM DU KHÁCH BỊ “NHỐT”, CÔNG TY LÁ PHONG “MẤT TÍCH”: Vì sao có thể đổi trắng thay đen như thế được?

VH- Liên quan đến vụ việc 204 du khách bị bỏ rơi tại Phú Quốc mà Văn Hoá đã phản ánh (trong hai số báo ra ngày 26 và 28.3), ngày 30.3 Tòa soạn nhận được đơn kiến nghị của bà Mai Thị Hảo, Giám đốc cổ phần Đầu tư và Du lịch Lá Phong (sau đây viết tắt Công ty Lá Phong). Trong đơn bà Hảo cho rằng những thông tin mà Báo đã đề cập là chưa chính xác, không đúng sự thật và làm mất uy tín, gây thiệt hại to lớn đối với công ty. Vậy sự thật có phải như vậy?

VIẾT TIẾP VỤ HÀNG TRĂM DU KHÁCH BỊ “NHỐT”, CÔNG TY LÁ PHONG “MẤT TÍCH”: Vì sao có thể đổi trắng thay đen như thế được? - Anh 1

 Công văn của Sở Du lịch TP Hà Nội gửi Công an TP Hà Nội

Công ty Lá Phong có “mất tích”?

Trong đơn kiến nghị gửi Văn Hoá đề “Hà Nội ngày 29.3.2018”, bà Hảo đã một lần nữa khẳng định “Trụ sở làm việc Công ty Lá Phong đóng tại số 3 ngõ 117 Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội”. Còn nữa, đơn viết: “Chúng tôi, tôi và Công ty Lá Phong không hề “biến mất” như bài báo đưa tin… Mà trên thực tế Công ty Đại An Hưng Phát (ĐAHP) còn nợ công ty chúng tôi 140.000.000 VND trong toàn bộ hợp đồng, chúng tôi phải thu hồi, tại sao chúng tôi lại biến mất được”.

Tuy nhiên, qua thu thập tài liệu và làm việc với các cơ quan chức năng, đơn vị có liên quan chúng tôi nhận thấy: Ngay tại thời điểm xảy ra vụ việc (ngày 28.2), Công ty Lá Phong đã chuyển trụ sở và không còn ở tại địa chỉ số 3 ngõ 117 Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Công ty Lá Phong chuyển trụ sở đến đâu thì cơ quan chức năng cũng chưa biết. Thế nhưng vì sao cách một tháng sau, tức ngày 29.3, bà Hảo vẫn khẳng định trụ sở Công ty Lá Phong vẫn tồn tại ở địa chỉ trên? Hơn nữa, ngay trong đơn gửi đến Văn Hóa, bà Hảo cũng cho hay, “Chúng tôi chuyển trụ sở trong thời gian vừa qua…”. Bởi vậy hiện trụ sở của Công ty Lá Phong ở đâu chỉ có bà Hảo mới biết và cách nói lập lờ, mâu thuẫn như trong đơn đề nghị về địa chỉ công ty của mình kiểu “đầu Ngô mình Sở” thì chỉ có trời mới lần ra được.

Chưa hết, ngay sau khi tiếp nhận đơn của Công ty TNHHMTV ĐAHP phản ánh về vụ việc, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã nhiều lần liên hệ, gửi giấy mời Công ty Lá Phong đến làm việc, nhưng không hiểu sao không thấy bất kỳ thành viên nào của công ty này đến. Xác định có dấu hiệu vi phạm, Thanh tra Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố và quận Thanh Xuân đến kiểm tra, xác minh thực địa tại trụ sở của Công ty Lá Phong. Nhưng tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhận thấy Công ty Lá Phong không có trụ sở làm việc tại số 3 ngõ 117 Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Được biết, ngôi nhà tại địa chỉ này do ông Nguyễn Trí Dũng làm chủ và là người ký hợp đồng cho Công ty Lá Phong mà người đại diện là bà Hảo thuê nhà từ tháng 10.2017. Trong thời gian đóng trụ sở tại đây, Công ty Lá Phong không có liên hệ hay bất kỳ thông báo gì đối với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về hoạt động của Công ty Lá Phong, và đã chuyển đi từ ngày 28.2.2018 (đúng ngày xảy ra vụ việc). Hiện nay vẫn còn biển quảng cáo của Công ty Lá Phong. Với những dẫn giải như trên, thử hỏi nếu không là “mất tích” hay “biến mất” thì hiện Công ty Lá Phong đang đóng trụ sở ở đâu?

Không có chuyện Công ty ĐAHP vẫn còn thiếu Công ty Lá Phong 140 triệu VNĐ!

Cũng trong đơn gửi Văn Hóa, bà Hảo khẳng định một cách chắc nịch: “Nếu như Công ty ĐAHP thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận, thanh toán hết số tiền 455.400.000 VND vào ngày 26.2 thì đã không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra”; “Trên thực tế Công ty ĐAHP còn nợ công ty chúng tôi 140.000.000 VND trong toàn bộ hợp đồng, chúng tôi phải thu hồi, tại sao chúng tôi lại biến mất được”…

Cứ theo như bà Hảo viết thì phía Công ty Lá Phong không có lỗi, thậm chí khách hàng còn nợ tiền của Công ty và Văn Hóa đã phản ánh phiến diện, sai lệch. Đem những vấn đề trên trao đổi với Công ty ĐAHP thì bà Ngô Thị Kim Xuyến, đại diện công ty này cho biết vì sao lại có chuyện dựng đứng như thế được. Lý giải về việc này bà Xuyến nói, ngày 5.3, tức là 5 ngày sau khi sự việc xảy ra bà Hảo đã trực tiếp đến trụ sở Công ty ĐAHP để giải quyết những vấn đề xảy ra khi tổ chức cho cán bộ, công nhân viên Công ty ĐAHP đi du lịch tại Phú Quốc.

Tại buổi làm việc này, bà Hảo đã thừa nhận chịu trách nhiệm hoàn toàn mọi chi phí của khách sạn và xe, tổng số tạm tính 167 triệu đồng và sẽ thanh toán cho bên Công ty ĐAHP, hạn chậm nhất là ngày 15.3.2018. “Từ ngày làm việc hôm ấy cho đến nay, bà Hảo đã cắt đứt mọi liên hệ để giải quyết với phía Công ty chúng tôi và không hề giải quyết bất kì một nội dung nào theo như những nội dung cuộc làm việc đã thống nhất”, bà Xuyến cho biết thêm. Bà Xuyến còn nhấn mạnh, “việc bà Hảo cho rằng Công ty ĐAHP còn nợ Công ty Lá Phong 140 triệu đồng rõ ràng thể hiện sự bất nhất trong trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà phía Công ty Lá Phong và bà Hảo gây ra cho chúng tôi. Đến thời điểm ngày 3.4, giấy tờ tuỳ thân và bản cam kết mà Công ty ĐAHP bị giữ tại khách sạn Phú Quốc Ocean Pearl vẫn chưa được trả lại. Theo thông tin từ phía khách sạn cho biết, khách sạn vẫn chưa nhận được số tiền dịch vụ phục vụ cho đoàn khách”.

 ​ Là công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch nhưng Công ty Lá Phong lại không có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa hay chứng nhận thời điểm kinh doanh lữ hành nội địa. Từ thời điểm tháng 10.2017, Công ty Lá Phong mà đại diện là Giám đốc Mai Thị Hảo không có bất kỳ thông báo về hoạt động với chính quyền sở tại. Mặc dù hoạt động trái quy định của pháp luật như vậy nhưng bà Hảo lại ký kết hai hợp đồng số 01/2018/HĐMB và Hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty ĐAHP với tổng giá trị trên hai hợp lên đến hơn một tỉ đồng. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, điều tra xác minh làm rõ những sai phạm của Công ty Lá Phong và cá nhân bà Giám đốc Mai Thị Hảo.

Bà Hảo đã thừa nhận gì với Công ty ĐAHP?

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được, sau khi Công ty ĐAHP nhiều lần liên hệ qua điện thoại với bà Hảo, cắt cử nhân viên đến Trụ sở Công ty Lá Phong để làm cho ra nhẽ thì đến ngày 5.3.2018, bà Hảo đã đến văn phòng Công ty ĐAHP. Tại đây bà Hảo đã phải viết tay “Biên bản xác nhận”, có sự làm chứng của ba người, trong đó đã thống nhất một số cam kết đã có trong hợp đồng, gồm: “Chứng minh nhân dân trong khách sạn tại Phú Quốc tôi sẽ có trách nhiệm lấy lại trong vòng 3 ngày gửi lại cho các anh chị; Mọi chi phí phát sinh của đoàn tại khách sạn tôi sẽ có trách nhiệm hoàn trả mọi chi phí của khách sạn và xe, tổng số tạm tính 160.000.000 đồng cho bên Công ty với thời hạn 15.3.2018. Nếu sau thời gian trên tôi không thực hiện được tôi sẽ chịu mọi hình phạt từ Công ty ĐAHP.

Về Biên bản làm việc tại khách sạn Phú Quốc tôi sẽ có trách nhiệm làm việc trực tiếp và thanh toán với khách sạn và yêu cầu khách sạn hủy biên bản đó (giấy cam kết của đại diện công ty là chị Xuyến, anh Quyết).

Chắc bà Hảo vẫn chưa quên Biên bản xác nhận do chính tay bà viết, vì thế việc bà Hảo “tố ngược” Công ty ĐAHP cần phải hiểu như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong những số báo tiếp theo.

 TẠ ĐÌNH DŨNG

 

Ý kiến bạn đọc