Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

Cần cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển du lịch nông thôn

Thứ Sáu 09/09/2022 | 11:30 GMT+7

VHO- Ngày 9.9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Tổ trưởng Tổ công tác Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan như: Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, VHTTDL, Tài Nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông; TW Hội Nông dân Việt Nam, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, TW Đoàn TNCS HCM, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; lãnh đạo và sở quản lý nông nghiệp, du lịch, văn phòng điều phối NTM 15 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Kon Tum, Lâm Đồng, An Giang, Sóc Trăng; đại diện các doanh nghiệp du lịch; Hiệp hội, Hội ngành nghề và làng nghề; các doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể OCOP 5 sao; đại diện các tổ chức quốc tế....

Hội nghị đã nghe Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Báo cáo tóm tắt kết quả Chương trình OCOP đến tháng 6.2022; triển khai Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần tập trung thực hiện để hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Triển khai Quyết định số 922/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và định hướng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...

Lần đầu tiên triển khai phát triển du lịch nông thôn quy mô quốc gia

Hiện nay, thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trên cả nước đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa, môi trường sinh thái...

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cả nước sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù... Cả nước cũng phấn đấu có 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Những năm qua, du lịch nông thôn đã phát triển ở nhiều địa phương, đã xuất hiện một số mô hình du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, đem lại sự đa dạng trong cung ứng dịch vụ của du lịch Việt Nam, thúc đẩy kết nối tour tuyến, mở rộng không gian đưa khách du lịch về nông thôn.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội nghị

Du lịch cũng là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua chuyển đổi sinh kế, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, phục hồi, duy trì được các nghề truyền thống, sản vật địa phương để phục vụ du lịch; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Du lịch nông thôn không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xã hội mà còn bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, môi trường, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần cải thiện khoảng cách về thu nhập và thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị.

Mặc dù đã có sự phát triển nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn còn khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế xã hội khác, hơn nữa chủ yếu do cộng đồng địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khai thác, nên còn hạn chế về nguồn lực đầu tư; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách và kết nối thị trường...

Du lịch nông thôn còn khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận. Do đó, du lịch nông thôn rất cần quan tâm hỗ trợ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số… cũng như cần sự hỗ trợ đa dạng từ các nguồn lực xã hội khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương cho biết: “Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT từ năm 2018 đến nay trong việc nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn có tính tổng thể ở quy mô quốc gia. Đây là một trong sáu chương trình chuyên đề trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025”.

Nếu như trước đây, phát triển du lịch nông thôn chủ yếu do các địa phương triển khai hoặc lồng ghép trong một số hoạt động đơn lẻ của trung ương, thì với chương trình này lần đầu tiên phát triển du lịch nông thôn được triển khai có ở quy mô quốc gia, được bố trí nguồn lực từ Chương trình MTQG về xây dựng NTM, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, được hỗ trợ đồng bộ về cơ chế, chính sách. Chương trình tập trung vào các nhiệm vụ: nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

“Việc triển khai Chương trình đồng bộ, hiệu quả với kỳ vọng tạo ra bước ngoặt, sự chuyển biến tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, đưa du lịch trở thành động lực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.6.2022 của BCH TW Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý du lịch nông thôn

Gần 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến ngành Du lịch. Hiện nay, mặc dù du lịch nội địa đã phục hồi và du lịch quốc tế đã đón khách trở lại, tuy nhiên du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức vì sự gián đoạn trong cung ứng dịch vụ du lịch và đứt gãy trong kết nối thị trường gửi khách, đặc biệt là thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, du lịch nông thôn cũng phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị trường và bối cảnh mới đặc biệt là vấn đề phát triển sản phẩm và kết nối thị trường.

Tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn. Trong ảnh, khách du lịch đang vào thăm cọn nước của đồng bào dân tộc ở Trùng Khánh- Cao Bằng

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào. Ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách.

Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao kỹ năng phục vụ, quản trị để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới các nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách hàng.

Sản phẩm du lịch nông thôn luôn gắn với thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa. Hiện nay, nhiều điểm du lịch nông thôn có dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng cao, du lịch cộng đồng đặc sắc có sự kết nối với các trung tâm đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM…,  luôn duy trì được lượng khách với công suất cao, doanh thu tốt, trong đó phần lớn là khách du lịch nội địa. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, thu hút khách du lịch về nông thôn.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng cần hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao để tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại khu vực nông thôn. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.

Hà Giang là một trong những địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông thôn

Để triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đại diện Tổng cục Du lịch đề nghị tập trung vào một số nhóm giải pháp quan trọng.

Trong đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cơ quan chủ trì, kết nối, tổ chức thực hiện Chương trình là Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch để triển khai Chương trình, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương. Hướng dẫn tổ chức triển khai cho các địa phương thưc hiện đặc biệt là những nội dung liên quan đến bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai nội dung đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; triển khai công tác kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong triển khai Chương trình.

Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các địa phương triển khai Chương trình. Trong đó, đề xuất triển khai các hoạt động, chương trình, sự kiện lớn quy mô cấp quốc gia hoặc cấp vùng có tính chất thường niên huy động sự tham gia của các Bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp cho phát triển du lịch nông thôn như: diễn đàn thu hút đầu tư cho du lịch nông thôn, kết nối thị trường, kết nối doanh nghiệp; chương trình đưa du khách về nông thôn; chương trình giải thưởng du lịch nông thôn; chương trình phát triển sản phẩm OCOP cho tiêu dùng du lịch, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giới thiệu nông sản Việt Nam trong các chương trình, sự kiện du lịch.

Đối với triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững do Bộ NN&PTNT chủ trì, cần rà soát, chọn lọc, lựa chọn hỗ trợ các mô hình tiêu biểu, trong đó tập trung các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch gắn với nông nghiệp, sinh thái, nông thôn có tính chất đặc thù, đánh giá các mô hình điểm và lan tỏa các mô hình hiệu quả.

Nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được đưa vào khai thác

Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý du lịch nông thôn; tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế chính sách cho phát triển du lịch nông thôn nhằm thu hút đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn phù hợp, hỗ trợ các đối tượng chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn (tín dụng, đầu tư, sử dụng đất…)

Từng địa phương căn cứ nội dung Chương trình phát triển du lịch nông thôn xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn, ưu tiên, tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng, bố trí quỹ đất cho phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện nhất định, tránh đầu tư dàn trải. Các địa điểm ưu tiên phát triển du lịch nông thôn cần có sự kết nối với các tuyến điểm du lịch khác của địa phương và của vùng và phải hướng tới nhu cầu thị trường, tránh trường hợp phát triển theo phong trào, xã nào cũng có mô hình du lịch nhưng không duy trì được khả năng thu hút khách.    

Ưu tiên bố trí các nguồn lực đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các điểm du lịch nông thôn đã được chọn lọc trong kế hoạch phát triển. Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch nông thôn.

Du lịch nông thôn đã làm thay đổi diện mạo và cuộc sống người dân nhiều vùng quê

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn gắn với các chương trình chuyển đổi số, chương trình OCOP, chương trình thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ liên kết giữa điểm đến nông thôn với doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức các chương trình bỗi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người dân nông thôn tham gia hoạt động du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho khu vực nông thôn.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết, đầu tư khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đặc sắc của khu vực nông thôn để sáng tạo những sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu ý kiến về thực trạng phát triển du lịch nông thôn và Chương trình OCOP ở các địa phương, định hướng và đề xuất các giải pháp trọng tâm để du lịch nông thôn phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh.

* Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam có 8.340 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, hơn 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng (bình quân tăng 17,6%/năm), giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Chương trình đã góp phần tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP, ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp.

HOÀNG CÚC- THU HƯƠNG, ảnh HÒA BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top