Quảng Ngãi: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển du lịch bền vững

VHO- Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành mũi nhọn, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm khai thác lợi thế về du lịch.

Phát triển hạ tầng
Những năm qua, Quảng Ngãi tập trung huy động các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật nhằm phát huy giá trị của các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ với các tuyến đường huyết mạch kết nối vùng miền để rút ngắn thời gian và lộ trình của du khách khi đến với Quảng Ngãi, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả.

Quảng Ngãi: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển du lịch bền vững - Anh 1

Cây cầu dây văng đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi bắt qua sông Trà Khúc. Ảnh Alexcao

Cầu Cổ Lũy bắc qua sông Trà Khúc nối liền 2 xã Tịnh Khê và Nghĩa Phú. Cây cầu dây văng đầu tiên của tỉnh đã trở thành điểm nhấn cho phát triển đô thị của TP Quảng Ngãi hướng biển. 05 trụ tháp ở giữa cầu Cổ Lũy được căng dây văng phỏng theo hình 05 ngọn đuốc. Trên các trụ tháp và dây văng đơn vị thiết kế ánh sáng mĩ thuật, hiệu ứng đèn phục vụ các lễ hội. Cầu Cổ Lũy nối đôi bờ ở cuối dòng Trà Khúc đã trở thành bối cảnh tuyệt đẹp để tham quan và ưa thích của giới trẻ. Chị Nguyễn Thị Hiền quê Quảng Ngãi, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP HCM bày tỏ: “Bản thân rất tự hào khi Quảng Ngãi đã xây dựng được một cây cầu như thế này. Cây cầu này rất là đẹp và là địa điểm mà mọi người dân có thể tới đây để hóng mát, để check-in chụp hình. Mỗi lần về quê tôi điều đến đây, nhìn xung quanh đều có thể thấy biển và sông nên cảm thấy sảng khoái có thể cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương”.

Quảng Ngãi: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển du lịch bền vững - Anh 2

Những công trình kè bảo vệ bờ biển tạo điều kiện phát triển du lịch 

Những công trình kè ven biển Quảng Ngãi đã và đang hoàn thành có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ bờ biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống của người dân ven biển. Ông Trương Văn Hùng (75 tuổi) thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) cho biết: “Niềm mơ ước mấy chục năm nay về kè biển kiên cố của ông và người dân nơi đây cuối cùng cũng được thực hiện. Vào mùa mưa bão các năm trước, người dân ở đây luôn sống trong nơm nớp, lo sợ biển “nuốt chửng” nhà cửa, nhưng giờ có kè biển rồi nên bà con yên tâm hơn nhiều. Làm kè thì cảnh quan đẹp hơn, đi lại thuận tiện, nhiều người đến để tham quan. Bà con lại có điều kiện phát triển kinh tế, làm du lịch”.
Kết nối khu vực
Là mắt xích quan trọng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi có vai trò chiến lược trong kết nối vùng. Tỉnh đã đề ra và thực hiện nhiều quyết sách quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, du lịch và dịch vụ. Ông Trần HoàngTuấn – PCT UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề số 05 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về đẩy mạnh phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển du lịch Quảng Ngãi, tỉnh đẩy mạnh công tác đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch. 

Quảng Ngãi: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển du lịch bền vững - Anh 3

Quảng Ngãi sẽ hình thành trục giao thông kết hợp du lịch ven biển

Trong đó, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối và giao thông nội bộ tại Trung tâm du lịch TP Quảng Ngãi và hai khu vực trọng điểm du lịch phía Đông Bắc (Lý Sơn, Bình Sơn, Trà Bồng) và Tây Nam (Ba Tơ, thị xã Đức Phổ), tạo thuận lợi tối đa về hạ tầng để đảm bảo phát triển, hình thành các khu, điểm du lịch. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi đến sân bay Chu Lai; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa; đê chắn sóng cảng Bến Đình huyện Lý Sơn...
“Hạ tầng giao thông đóng vai trò động lực phát triển du lịch của tỉnh, Quảng Ngãi định hướng sẽ hình thành trục giao thông kết hợp du lịch ven biển, đóng vai trò vừa là tuyến giao thông, vừa là sản phẩm du lịch. Khai thác tiềm năng du lịch biển, hình thành các khu du lịch biển nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao biển… gắn với dịch vụ và kết nối với các đô thị”, ông Tuấn thông tin.

Quảng Ngãi: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển du lịch bền vững - Anh 4

Tuyến đường đi khu du lịch Suối Chí, làng du lịch cộng đồng Bình Thành kết nối du lịch trải nghiệm văn hóa Hre tại xã Ba Thành

Quảng Ngãi hiện có các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, đảo như: huyện Lý Sơn, khu du lịch Sa Huỳnh, khu du lịch Mỹ Khê; sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái tự nhiên: khu du lịch Bãi Dừa, khu du lịch Suối Chí, khu du lịch Thác Trắng. Đối với sản phẩm du lịch cộng đồng: làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, làng du lịch cộng đồng Bình Thành, du lịch trải nghiệm văn hóa Hre tại xã Ba Thành (Ba Tơ)...
Những bãi biển đẹp như tranh vẽ dọc ven biển Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn cùng với biển Mỹ Khê hiện tại sẽ thu hút các nhà đầu tư uy tín đến đánh thức tiềm năng du lịch của địa phương. Bên cạnh việc tiếp tục dồn lực đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các tuyến nằm trong hành lang kết nối quan trọng. Những tuyến phá bỏ thế độc đạo nhằm tăng cường khả năng liên kết đường bộ từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện.

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc