Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam

Thứ Sáu 09/12/2022 | 19:54 GMT+7

VHO- Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022, chiều 9.12, Bộ VHTTDL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, chủ trì Hội thảo “Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”.

Tiềm năng du lịch biển, đảo chưa được khai thác, sử dụng tương xứng 

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; đại diện các Bộ, ngành, lãnh đạo của các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch các địa phương; Viện nghiên cứu, trường đào tạo và các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cùng các chuyên gia kinh tế, du lịch. Hội thảo được tổ chức trực tiếp với sự tham gia của 200 khách mời, đồng thời phát trực tuyến cho khoảng hơn 1.000 đại biểu là thành viên Hiệp hội du lịch các đầu cầu. 

Theo khảo sát của Bộ VHTTDL về du lịch biển đảo, nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới. Du lịch biển đảo cùng với nét đặc sắc về văn hóa và ẩm thực đã tạo nên những khác biệt giữa sản phẩm du lịch Việt Nam với các quốc gia khác. 

Hội thảo “Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”

Báo cáo của đại diện các tỉnh, thành phố tại Hội thảo cho thấy, tài nguyên du lịch biển đảo của Việt Nam nói chung và của các tỉnh miền Trung nói riêng là rất to lớn, đa dạng và phong phú. Với chiều dài đường bờ biển lên tới hơn 3.000 km, với hàng trăm bãi biển và nhiều đảo đẹp, còn nguyên sơ. 

Như Quảng Bình có dải cát ven biển dài hơn 116km, có thềm lục địa cùng với nhiều bãi tắm mang nét đẹp riêng, như biển Nhật Lệ, biển Vũng Chùa, bãi Đá Nhảy...; Thanh Hóa có 9 bãi biển, trong đó có những bãi đẹp nổi tiếng như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Nghi Sơn. Giai đoạn 5 năm (2016-2020), du lịch biển Thanh Hóa đón được hơn 28,4 triệu lượt khách, chiếm 76,9% tổng thu du lịch cả tỉnh; Thừa Thiên Huế sở hữu bờ biển dài hơn 120km có cảng Thuận An, vịnh Chân Mây với độ sâu 18 - 20m...;

Bờ biển Đà Nẵng có chiều dài khoảng 92km, có nhiều bãi tắm đẹp như: Mỹ Khê, Non Nước, Mỹ An, Nam Ô, Làng Vân... với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, có giá trị lớn cho phát triển du lịch biển và nghỉ dưỡng. Ngoài ra với hàng loạt các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: InterContinental, Hayatt, Sheraton, Hilton, Accor… đạt nhiều danh hiệu uy tín trong và ngoài nước góp phần tạo nên thương hiệu, thế mạnh cho du lịch Đà Nẵng, nhất là nghỉ dưỡng biển, Golf và loại hình du lịch MICE. Các địa phương Quảng Ninh, Nha Trang là nơi nổi tiếng trong nước và quốc tế nhờ du lịch biển. 

Theo thống kê của Bộ VHTTDL, từ năm 2000 đến nay, 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển đã đóng góp hơn 70% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. 

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: Trong giai đoạn 2010 - 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước với 13,6%/năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa. Chỉ tính riêng năm 2019 đã đạt trên 34 triệu lượt khách quốc tế và 145,6 triệu lượt khách nội địa, mang lại tổng thu từ du lịch đạt 508 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 67,3% của cả nước. Có thể thấy rằng, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển. 

Ông Vũ Văn Đảo - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina trình bày những khó khăn bất cập của doanh nghiệp

“Mặc dù du lịch biển đảo đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành du lịch Việt Nam, tuy nhiên việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ; các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá”, Thứ trưởng nêu lên những vướng mắc cụ thể.

Cần chính sách thống nhất chung để gỡ khó cho doanh nghiệp

Đại diện cho ngành du lịch Đà Nẵng nêu lên bất cập cản trở việc phát triển du lịch biển, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết: “Mặc dù có thương hiệu nhưng sản phẩm du lịch biển, đảo Đà Nẵng vẫn còn bị hạn chế bởi chưa có cơ chế chính sách riêng thu hút đầu tư phát triển du lịch biển, việc đầu tư điểm đến, sản phẩm dịch vụ gặp nhiều trở ngại, khó khăn do liên quan đến yếu tố quốc phòng an ninh; một số vị trí chưa phân định được ranh giới hành chính nên chưa được đầu tư hình thành sản phẩm du lịch; hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo... Qua đó Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đưa ra 6 giải pháp để phát triển du lịch biển, đảo. Phát huy hiệu quả 10 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới. 

Đà Nẵng đang tích cực hoàn thiện, tạo thêm sản phẩm du lịch đường sông

Về phía các doanh nghiệp du lịch, đại diện Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho rằng về thủ tục đối với khách du lịch tàu biển còn nhiều vướng mắc. Hãng tàu vẫn phải mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đơn xin cấp visa (có dán hình) của hành khách trên tàu, sắp xếp passport để cấp visa v.v... nhất là đối với những tàu có số hành khách đông trên 2.000 khách. Đa phần những hành khách này chỉ lên tàu ở cảng liền trước khi đến Việt Nam, và hãng tàu chỉ có 24 – 36 giờ để chuẩn bị toàn bộ các giấy tờ có liên quan đến thủ tục NXC cho hành khách. Điều đó đã tạo nhiều áp lực cho hãng tàu và các nhân viên thực hiện.

Ông Vũ Văn Đảo - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vũng Tàu Marina cho biết cản trở về các quy định đăng kiểm phương tiện, quy chuẩn giới hạn sức chở... của địa phương đã gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều. “Mặc dù doanh nghiệp đã đăng ký đầy đủ ngành nghề và tuân thủ các quy định của pháp luật kinh doanh nhưng vẫn không được cơ quan chức năng cho hoạt động. Hai năm tạm dừng hoạt động du lịch, dịch vụ đã làm cho tàu thuyền hư hỏng, cơ sở vật chất dự án xuống cấp trầm trọng, doanh nghiệp và người lao động hết sức khó khăn”, ông Đảo nói. 

Về vấn đề này ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN thừa nhận hạn chế về quy định hoạt động du lịch biển mỗi địa phương quy định một khác. “Đã đến lúc cần có những chính sách phát triển du lịch biển một cách rõ ràng, thống nhất thì các chỉ đạo của NQ 36-NQ/TW mới có thể phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của đất nước”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm. 

MINH CHÂU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top