Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Đào tạo nguồn nhân lực cho  ngành du lịch: Ba Bộ sẽ cùng bắt tay

Thứ Tư 08/02/2023 | 10:46 GMT+7

VHO- Ngày 7.2, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đã có buổi làm việc với Tổng cục Du lịch về công tác tổ chức hội nghị bàn về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch theo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của VP Chính phủ.

 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì buổi làm việc ẢNH: NGUYỄN TRƯỜNG

Dự buổi làm việc có Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc.

Sẽ diễn ra trong tháng 2

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ba Bộ VHTTDL, GD&ĐT, LĐ,TB&XH cùng tổ chức và chủ trì hội thảo. Hội thảo nhằm thảo luận thực trạng, cơ chế chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hậu Covid-19. Trong đó tập trung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, liên kết giữa các cơ sở đào tạo ngành, nghề du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 6580/VPCP-KGVX và lãnh đạo Bộ VHTTDL về tổ chức hội nghị chuyên sâu bàn về đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, đến nay, Tổng cục Du lịch đã ban hành công văn đề nghị các Sở quản lý Du lịch, Hiệp hội Du lịch báo cáo thực trạng lao động du lịch, kiến nghị, đề xuất một số nội dung về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đến nay đã nhận được 46/63 báo cáo của các Sở quản lý du lịch địa phương và một số bài tham luận của các nhà chuyên môn đến từ Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Trường đào tạo và doanh nghiệp du lịch. Dự kiến hội thảo sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 2 với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nhân lực du lịch…

Sau khi lắng nghe đại diện các đơn vị báo cáo về công tác tổ chức, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Tổng cục Du lịch phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể các cơ quan, doanh nghiệp tham gia hội thảo, các bài tham luận phải nêu bật được thực trạng và đưa ra những mô hình đào tạo nhân lực du lịch tiên tiến, hiệu quả. Thực tế cho thấy, việc đào tạo nhân lực cho ngành du lịch không thể đi theo lối cũ mà làm sao đa dạng phương thức đào tạo, không chỉ dựa vào bằng cấp mà còn là năng lực, trình độ chuyên môn của người lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch của đất nước cũng như đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế; hướng đến “đặt hàng” các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để có nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với xu thế phát triển. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ,TB&XH để tổ chức hội thảo thành công”.

 Đào tạo nghiệp vụ khách sạn tại Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng Ảnh: VĂN TRUNG

Mỗi năm cần thêm 60.000 lao động

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với kế hoạch năm 2022. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng 68,8% so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nguồn cung nhân lực du lịch vẫn đang đặt ra một số vấn đề khi chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt đối với nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Việc tuyển dụng nhân lực khá khó khăn vì nhân lực du lịch đã chuyển đổi sang ngành nghề mới. Năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam so với các nước trong khu vực chưa cao. Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế sớm nhất và thông thoáng nhất trong khu vực ASEAN nhưng số lượng khách vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Cạnh tranh giữa các điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia... trở nên quyết liệt hơn cả về quy mô, tính chất mới do yếu tố công nghệ và toàn cầu hóa. Khách du lịch nội địa tăng cao nhưng quy trình, năng lực phục vụ, quản lý của các chuỗi cung ứng còn chưa được tối ưu hóa (sân bay, bến cảng, tàu thủy, điểm dừng nghỉ, cơ sở ăn uống, mua sắm...) ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và khả năng thu hút khách. Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch mới đi vào hoạt động, nên việc phối hợp, triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá, kết nối doanh nghiệp hướng tới thị trường quốc tế còn chưa thực sự hiệu quả.

Đánh giá về nhu cầu nhân lực sau đại dịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, hiện nay ngành Du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong cơ sở lưu trú du lịch cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người. Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 - 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 - 1.450.000 buồng. Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800.000 và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. “Có sự thiếu hụt nhân sự đặc biệt vào thời điểm cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Cơ cấu nhân sự chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Sự mất cân đối nhân lực theo vùng miền khiến nhiều khu vực tăng trưởng nóng về khách du lịch nhưng chất lượng dịch vụ thấp hơn khu vực khác và không ổn định”, bà Lan nhìn nhận.

Thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành Du lịch cũng được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu ra khi cho rằng, nguồn cung lao động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lao động có trình độ chuyên môn cao. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm với định hướng phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn, cần đến 40.000 lao động có trình độ thì các trường đào tạo nghề, trường cao đẳng hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 15.000, như vậy thiếu hụt rất lớn.

Chất lượng nhân lực du lịch là vấn đề đã được đặt ra từ lâu, do đó hội nghị do 3 Bộ tổ chức sẽ là cơ hội để các nhà chuyên môn, nhà quản lý, đào tạo, doanh nghiệp cùng bắt tay để đưa ra các giải pháp, hướng đi mới nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, đào tạo bài bản cạnh tranh trong xu thế phát triển nền công nghiệp không khói. 

 Quảng Nam phát triển nguồn nhân lực

 Các “hướng dẫn viên” hướng dẫn du khách học làm bếp tại làng nghề rau Trà Quế

Nhằm phát triển nguồn lao động du lịch đảm bảo về số lượng và chất lượng, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch, các dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 75 về Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025.

Kế hoạch đặt yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch phải gắn với nhu cầu lao động ngành đến năm 2025 và đáp ứng được yêu cầu của từng vị trí việc làm. Đồng thời nhằm thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao vai trò, kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng hướng tới mục tiêu chuẩn hóa chất lượng đào tạo kỹ năng nghề du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế. Kế hoạch hướng đến đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng 4 nhóm đối tượng gồm: Quản lý, nhân viên đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch; Các hộ kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch; Đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch; Học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở và tương đương trở lên trên địa bàn tỉnh.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác. Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam sẽ chủ trì triển khai kế hoạch đến các địa phương, cơ sở đào tạo và các đơn vị kinh doanh du lịch; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kiến thức văn hóa lịch sử địa phương, tập huấn du lịch cộng đồng, du lịch xanh... Đồng thời sẽ huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế về chuyên môn kỹ thuật và nhân lực tham gia đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các dự án trọng điểm trong lĩnh vực du lịch. THU HOÀI

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top