Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Thách thức tạo ra cơ hội…

Thứ Sáu 04/12/2020 | 10:55 GMT+7

VHO- “Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch Covid-19: Vấn đề và giải pháp”, diễn ra tại đô thị cổ Hội An hôm qua 3.12, các chuyên gia, nhà quản lý đã đồng thuận đi đến nhận định: Cần chú trọng thị trường khách nội địa, phải xây dựng cho được hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn…

 Các đại biểu tham gia tại buổi tọa đàm Ảnh: K.C

Chia sẻ về công tác bảo tồn di sản và phát huy du lịch sau đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc BQL Di tích làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) cho biết trong khoảng thời gian 47 ngày (từ ngày 13.3-29.4), làng cổ Đường Lâm tạm dừng hoạt động, không đón khách tham quan.

“Trong cái khó ló cái khôn”

Thời điểm ấy, cùng chung với tình trạng của nhiều khu du lịch trên cả nước, cư dân sống ở trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích làng cổ, đặc biệt là bộ phận kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch, từ lao động trực tiếp đến gián tiếp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được đón tiếp khách du lịch.

Trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, các lễ hội đều không tổ chức, các di tích cũng bị giảm đáng kể số lượng đóng góp ủng hộ kinh phí, vật chất của nhân dân, du khách. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý, bảo tồn di sản Hội An cũng cho biết, do ảnh hưởng đại dịch nên trong 9 tháng đầu năm, tổng lượt khách đến với Hội An ước đạt 841.000 lượt, giảm 80,8% so với cùng kỳ. Doanh thu từ hoạt động du lịch giảm 80% so với cùng kỳ và chỉ đạt 12,68 kế hoạch. Hiện nay, hoạt động du lịch được tổ chức lại nhưng lượt khách đến tham quan rất ít. Theo ông Ngọc, việc không có khách du lịch khiến cho các hoạt động tại Khu phố cổ chững lại, nhiều di tích, nhà ở phải đóng cửa. Số liệu thống kê do Trung tâm khảo sát sau đợt dịch lần đầu thì chỉ có 155/749 di tích, nhà ở mặt tiền mở cửa sau dịch (không tính di tích tín ngưỡng, bảo tàng, cơ quan đơn vị nhà nước). Ngoài ra còn nguy cơ cháy nổ, mối mọt côn trùng, lũ lụt xâm hại di tích, nhà ở trong Khu phố cổ do không có người ở, kinh doanh.

Những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động đến người dân, di tích, di sản vừa qua cũng chính là bài học thực tế sinh động, từ đó giúp cho nhận thức của các cấp, các ngành nói chung và nhân dân nói riêng có thêm nhiều kinh nghiệm quý để cơ cấu, xây dựng phát triển du lịch ngay tại làng cổ, tại di tích, di sản của chính mình. Nhìn từ làng cổ Đường Lâm, ngoài những khó khăn thiệt hại chung, du lịch làng cổ ở thời điểm trong và sau đại dịch Covid-19 vẫn có những điểm tựa, là chỗ dựa để người dân, các hộ kinh doanh có thể cố gắng đối phó, vượt qua như không phải trả phí thuê mặt bằng; Các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch đạt chỉ số an toàn trong bảo quản và dễ chuyển hướng tiêu thụ đến đối tượng khách nội địa. Trong thời gian nghỉ vì dịch Covid-19, các hộ dân tranh thủ thời gian nhàn rỗi tự đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở dịch vụ, tạo ra các điểm dịch vụ tham quan chụp ảnh trải nghiệm phù hợp với thị hiếu đối tượng khách nội địa. “Đặc biệt cần đánh giá cao vai trò chủ động tìm tòi, sáng tạo của nhân dân, sự chỉ đạo kịp thời của cơ quan chức năng, nhân dân đã từng bước xác định tư tưởng không thụ động vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, phát triển sản phẩm du lịch từ thị hiếu, nhu cầu của du khách, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tự học hỏi và tiếp thu ý kiến đóng góp của các du khách”, ông An nói.

 Phố cổ Hội An bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch

Dựa vào cộng đồng để vượt qua khó khăn

Từ thực tế của khu phố cổ Hội An, làng cổ Đường Lâm, Phước Tích, Đông Hiệp Hòa… đã, đang trải qua, nhiều ý kiến tại tọa đàm đều đồng thuận cho rằng, muốn du lịch ở các di tích làng cổ, đô thị cổ phát triển một cách bền vững, khoa học thì trong thời gian tới cần phải tiếp tục phát huy, huy động được sự tham gia của cộng đồng trong việc kinh doanh du lịch dịch vụ ngay tại địa phương. Cần dựa vào nhân dân, từng bước tăng trưởng lợi ích, tạo ra nhiều việc làm và để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Nếu du lịch di sản phát triển đúng hướng sẽ góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn di tích, cũng như tạo ra những tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cùng đồng hành để giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhân dân như hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, quảng bá, xúc tiến, tập huấn đào tạo nguồn nhân lực. Đề xuất những giải pháp để thu hút du khách, huy động cộng đồng tham gia phát triển du lịch, phát triển du lịch di sản một cách bền vững, hiệu quả trong thời gian tới, các ý kiến cho rằng phải chú trọng thị trường khách du lịch nội địa, xây dựng cho được hình ảnh “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Theo ông Phạm Phú Ngọc, thời gian tới Hội An sẽ tập trung vào những nội dung: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh đẹp Hội An là điểm đến an toàn, hấp dẫn thu hút khách du lịch sau đại dịch Covid-19 và bão lụt vừa qua. Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới Hội An, chỉnh trang và nâng cấp, tu bổ lại các di tích, điểm tham quan… Nghiên cứu, phát triển những sản phẩm du lịch, dịch vụ mới, tập huấn cho đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhằm hướng đến thị trường khách du lịch nội địa vốn là thị trường chủ lực trong thời gian đến.

 Làng cổ Đường Lâm “mùa” vắng khách

Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Tiền Giang đề xuất, với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, để bảo tồn và phát huy du lịch di sản Làng cổ Đông Hòa Hiệp cần tập trung các giải pháp chủ yếu: Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, phát động thị trường, kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 hậu Covid-19 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch, cập nhật kiến thức về du lịch, ngoại ngữ cho cộng đồng dân cư, xây dựng văn hóa giao tiếp trong cộng đồng tại Làng cổ,…

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về sức hấp dẫn của du lịch di sản và gợi ý kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát huy, nâng tầm giá trị của du lịch di sản, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19. Đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cũng thông tin về tình hình hợp tác và chính sách hỗ trợ của JICA trong bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch tại Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng. 

 Nhân kỷ niệm 21 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã đến tham dự lễ kỷ niệm, phát biểu chúc mừng tại tọa đàm. Đại sư đến tham quan, thị sát Khu phố cổ Hội An và một số điểm di tích mà Nhật Bản đã hỗ trợ trùng tu, tôn tạo tại Hội An thời gian qua.

Đại sứ đánh giá cao những nỗ lực mà chính quyền Hội An đã thực hiện trong công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hội An. Thời gian qua, thành phố Hội An và Nhật Bản đã hợp tác, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa góp phần tăng cường và thắt chặt mối quan hệ giao lưu hữu nghị truyền thống giữa Hội An và Nhật Bản…

 KHÁNH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top