Cơ cấu lại ngành Du lịch: Tập trung vào 6 nhóm vấn đề

VH- Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch” vừa được Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo với các phiên đối thoại có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia du lịch, đại diện các tập đoàn du lịch, doanh nghiệp du lịch lớn trên cả nước.

Vấn đề cơ cấu lại ngành Du lịch được đặt ra trong Nghị quyết 08- TW/NQ và Luật Du lịch 2017 với mục tiêu cơ cấu ngành Du lịch đồng bộ trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân: Đóng góp 10% GDP năm 2025, đóng góp 12% GDP năm 2030; nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì tăng trưởng ở mức cao của ngành Du lịch; thu hút 17-18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020, 28- 30 triệu khách quốc tế năm 2030; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

6 nhóm vấn đề cơ bản được đặt ra trong tái cấu trúc hệ thống phát triển của ngành Du lịch Việt Nam. Cụ thể là cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển du lịch, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính, nhân lực du lịch, cơ chế chính sách và tài nguyên, tiềm năng. Thứ hai là điều chỉnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng cần tập trung dòng sản phẩm nào để tạo lợi thế cạnh tranh và giá trị khác biệt. Thứ ba là định hướng thị trường du lịch theo hướng thị trường nào cần gắn với sản phẩm du lịch như thế nào? Thứ tư là cơ cấu lại về tổ chức, quản lý ngành du lịch đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Thứ năm là cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới. Thứ sáu là vấn đề cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch. Hiện nay, nhân lực du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa yếu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trên cả ba phương diện: quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề.

Cơ cấu lại ngành Du lịch: Tập trung vào 6 nhóm vấn đề - Anh 1

 Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

Theo TS Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) nêu ý kiến, trước mắt, ngành Du lịch nên định hướng vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng khách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động. Đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục tiêu cụ thể và đo lường được. Đẩy mạnh khai thác thị trường Mỹ và châu Âu, xem xét miễn visa cho khách tới từ những thị trường tiềm năng, chất lượng cao, đơn giản hóa thủ tục thị thực. Rà soát các quy định về pháp luật và dịch vụ liên quan, bãi bỏ các quy định không hợp lý, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và cần phải khuyến khích tạo ra sự tự do, an toàn, chi phí thấp hơn, nâng cao tính sáng tạo trong kinh doanh du lịch. Coi phát triển hạ tầng du lịch là ngành ưu đãi đầu tư, có những chính sách, giải pháp ưu đãi đầu tư tương ứng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty du lịch Vietravel nhấn mạnh vào chuỗi giá trị du lịch hiện nay và cho rằng chuỗi giá trị du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, giá trị gia tăng tạo ra từ chuỗi các hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân của những bất cập là do hệ thống chưa đồng bộ, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan; sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lặp; chính sách ưu tiên phát triển du lịch còn hạn chế. “Do đó, muốn tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan; tăng cường sự liên kết của các công ty lữ hành, khách sạn, du lịch, vận chuyển; đầu tư bài bản cho công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Chính phủ và các ban, ngành cần có chính sách nhất quán, tầm

 nhìn dài hạn và dự báo được xu thế, giải pháp dài hạn trong công tác quy hoạch phát triển du lịch để tập trung nguồn nhân lực đầu tư, tránh đầu tư dàn trải và cầm chừng như hiện nay”, ông Kỳ nói.

Đánh giá những thế mạnh và sự tăng trưởng của Du lịch Việt Nam thời gian gần đây, theo TS Lương Hoài Nam, Phó Tổng GĐ Vietstar Airlines, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch, cần tập trung vào 8 nội dung tái cơ cấu ngành Du lịch. Trong đó, tái cơ cấu sản phẩm du lịch; xây dựng điểm đến sạch, an toàn, thân thiện, thậm chí phải ban hành bộ chỉ số đánh giá và công bố bảng xếp hạng thường niên chất lượng điểm đến; Cải thiện chính sách visa du lịch vì hiện nay độ mở visa của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trong khu vực. Và vấn đề không phải ở phí visa mà ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa; Tăng đầu tư trong quảng bá, xúc tiến du lịch; Phát triển cơ sở lưu trú du lịch, đồng bộ trong quy hoạch phát triển các địa danh du lịch. Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện các quan điểm, tiêu chí về phát triển bền vững; cần tránh “phát triển gây tổn hại đến bảo tồn” nhưng cũng không thể “chỉ bảo tồn, không phát triển”.

Các diễn giả tham luận tại Hội nghị đều cho rằng muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trước tiên phải để nó vận hành như một ngành kinh tế, theo quy luật của thị trường. Đồng thời, tăng thêm thẩm quyền và vị thế của Tổng cục Du lịch.

Thúy Hà;ảnh: Vũ Nam

 

Ý kiến bạn đọc