Lo ngại tình trạng lao động trên 35 tuổi bị buộc “hưu non”

VH- Thời gian gần đây, xu hướng sa thải, tự nghỉ việc ở lao động trên 35 tuổi đang gia tăng. Điều này không những không đảm bảo được quyền lợi cho người lao động mà còn ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm, an sinh xã hội, thị trường lao động.

Nguyễn Thị H. (Tuyên Quang) hiện đang làm việc tại một công ty gia công tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, công ty cho nghỉ việc rất nhiều lao động, với lao động hợp đồng 1–2 năm thì sẽ không ký tiếp nữa. Với một số lao động khác thì công ty cho nghỉ việc hưởng 70% lương để chờ việc hoặc luân phiên nhau nghỉ. “Không biết đến lúc nào thì em bị cho nghỉ việc nên em đã tự xin nghỉ việc để đi tìm công việc mới”, H. chia sẻ. Cũng theo H., một số công ty khác thông báo công ty không có việc làm, hoặc đang sắp xếp lại cơ cấu, nếu nhân viên nghỉ trước thời điểm này thì được hưởng một số quyền lợi, nếu nghỉ sau thời điểm đó thì không được hưởng. Do đó, nhiều nhân viên đã tự xin nghỉ việc.
Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số nơi có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc với lý do chính là do cơ cấu lại sản xuất, hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt. Cũng theo kết quả khảo sát này, sau khi bị sa thải, đa phần người lao động làm công việc tự do, buôn bán, công việc nội trợ gia đình, làm ruộng và bán hàng rong. Đặc biệt, đối với lao động nữ, tập trung phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do... Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi bắt đầu diễn ra một vài năm trở lại đây, tuy nhiên trong năm 2017 là phổ biến nhất. Số liệu cụ thể hiện chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo một cuộc khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại 64 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên cả 3 miền thì thấy lao động trên 35 – 45 tuổi chiếm số lượng rất ít. Sa thải lao động thường rơi vào nhóm lao động trực tiếp ở các khu vực có điều kiện không đảm bảo. Với những điều kiện như vậy, sau độ tuổi 35 sức khỏe và độ nhanh nhạy của người lao động đều bị suy giảm nên khó ứng dụng được các công nghệ mới vào tăng năng suất lao động.
“Lúc này tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng như các chi phí khác mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động đều cao hơn, do đó nhiều doanh nghiệp chỉ cần chi cho người lao động một khoản tiền để đẩy họ ra khỏi thị trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm bền vững. Những lao động này khi bị đưa ra khỏi doanh nghiệp thì rất khó có cơ hội để tìm được việc làm mới ở khu vực có quan hệ lao động. Do đó, họ thường phải vào làm việc tại khu vực phi chính thức và không tham gia BHXH”, ông Quảng phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, số lao động bị sa thải, nghỉ việc không chỉ là trên 35 tuổi, mà còn có thể trẻ hơn nữa, nếu như doanh nghiệp làm ăn khó khăn và đây là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường: “Để đảm bảo năng suất lao động trong sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải thường xuyên đánh giá lại lao động, lựa chọn lao động nào ở lại, lao động nào phải đưa ra. Do đó ở một độ tuổi khi độ nhạy bén, khả năng bắt kịp khoa học công nghệ của người lao động giảm sút quá nhiều, buộc các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách sa thải để tuyển những lao động mới”, ông Huân cho hay.
Ông Huân cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người lao động cần có những chuẩn bị cần thiết trước “cú sốc” này. Việc lao động trên 35 tuổi bị sa thải sẽ tác động không nhỏ đến xã hội. Khi phần lớn họ đều là những lao động phổ thông, không qua đào tạo, nên sẽ rất khó tìm những công việc khác sau khi chấm dứt quan hệ lao động với doanh nghiệp. Còn tại nhiều địa phương hiện nay, người dân đã bỏ ruộng, chuyển đổi dần sang lao động trong khu vực công nghiệp, cũng khó có thể quay trở về quê để làm nông nghiệp. Do đó, vấn đề cần bàn là làm sao để ngăn chặn tình trạng sa thải lao động cũng như tạo ra việc làm cho lao động khi thất nghiệp; cần nhanh chóng nghiên cứu các chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động khi mất việc làm.
Đến nay, không có quy định nào cấm doanh nghiệp sa thải lao động, nên chỉ có thể cách khuyến khích, đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động dài hạn, nhằm giảm thiểu tình trạng này. Ở một góc nhìn khác, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ,TB&XH) lại cho rằng, lao động đơn phương nghỉ việc với lý do muốn chuyển đổi công việc hoặc nghỉ việc theo thỏa thuận. Sau đó, người lao động thường hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng và nguy cơ dẫn đến mất ổn định trong hệ thống an sinh xã hội. Để hạn chế tình trạng này, Bộ LĐ,TB&XH sẽ nghiên cứu đưa vào Luật Lao động sửa đổi, trong đó mục hợp đồng lao động sẽ có các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi người lao động.


Vi Vân

Ý kiến bạn đọc