Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Cần xóa bỏ định kiến giới ngay từ truyền thông

Thứ Sáu 26/11/2021 | 09:57 GMT+7

VHO- UNESCO và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái.

 Nhiều ý kiến được đưa ra tại Tọa đàm “Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái”

 Tọa đàm thu hút hơn 500 đại biểu gồm nhà báo, người làm truyền thông, nhà nghiên cứu... tham gia trực tuyến cho thấy sức nóng của một vấn đề mà xã hội quan tâm.

Những góc khuất

“Chồng nóng tính, vợ càng phải mềm mỏng”, “Phụ nữ không có năng khiếu, đừng cố cầm vô lăng”, “Phụ nữ ế không hạ tiêu chuẩn để lấy chồng”… Một loạt những tít và nội dung nhạy cảm đã tạo nên những “sạn” về giới liên quan đến định kiến giới, nhạy cảm giới. Hay việc báo chí đề cập vấn đề bạo lực gia đình lại thường mặc định là diễn ra ở một bộ phận dân ít học, nghèo khó đó cũng là khiếm khuyết! Chính giới trí thức cũng có vấn đề về bạo lực gia đình, không là thể chất nhưng bạo lực tinh thần ngầm còn khủng hoảng đối phương hơn. Đó là những góc khuất mà báo chí truyền thông cần soi cho thấu đáo. Rất nhiều các ý kiến tại cuộc tọa đàm Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái đã dẫn ra hàng loạt những hạt sạn từ việc xử lý thông tin của báo chí truyền thông đối với nạn bạo lực gia đình và xâm hại phụ nữ và trẻ em gái hiện nay.

“Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Đáng nói là ngay cả các nhà báo và các cơ quan truyền thông cũng đã bộc lộ quan điểm và định kiến về giới ngay cả với những bài báo đề cập tới các vụ việc cụ thể về bạo lực giới hay xâm hại phụ nữ và trẻ em gái. Đó là lý do chúng tôi tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề Nhà báo với vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em gái, để cùng các nhà báo, các cơ quan truyền thông và đông đảo các tầng lớp trong xã hội nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong truyền thông và báo chí, đồng thời là một cách tiếp cận nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mọi hình thức truyền thông và báo chí đều có vai trò quan trọng vì đều có sức mạnh thay đổi hành vi và định hướng tư duy của mọi người. Truyền thông và báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, bao gồm bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Khoa, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông cho biết.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho biết: “CSAGA luôn sẵn sàng hợp tác phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí để đưa các vụ việc và góp tiếng nói bảo vệ bình đẳng giới cũng như bạo lực giới. Tuy nhiên, có một số nhà báo đã đặt ra những câu hỏi rất nhạy cảm, thậm chí làm tổn thương. Ví dụ như đối với nạn nhân bị quấy rối tình dục lại hỏi câu hỏi như dạng đổ lỗi kiểu như do ăn mặc trang phục gợi cảm hay có thể do mình có hành động gây hiểu lầm... Thay vì hỏi trực diện thì nên chăng cần hỏi những câu hỏi mở thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm. Bà Vân Anh cũng vô cùng bức xúc khi cho biết lướt trên nhiều tờ báo mạng hiện nay sẽ gặp một loạt những kiểu bài viết với các tựa đề như: Phụ nữ làm thế nào để lấy chồng đại gia? Phụ nữ làm sao giữ chồng không đi ngoại tình... Chính kiểu hành văn này cũng đã cho thấy sự bất bình đẳng giới mà một số người viết đã bị sa đà vào.

Tuyên truyền phòng, chống bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái

Đẩy mạnh các giải pháp truyền thông

Nhìn nhận vấn đề này, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ cho biết: “Báo chí, đặc biệt là các tờ báo điện tử chịu rất nhiều áp lực đối với việc thu hút công chúng, đặc biệt là cuộc chạy đua về lượng người view. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một số tờ báo khai thác mặt tiêu cực, xấu hoặc đưa ra những tít bài nhạy cảm, giật gân. Trên thực tế cuộc đua này không thể nào cạnh tranh được với mạng xã hội, vấn đề là phải biết dừng lại để tự kiểm soát chất lượng thông tin. Theo tôi, các cơ báo chí cần khuyến cáo các nhà báo khi thông tin các vấn đề về quấy rối tình dục, bạo hành phụ nữ và trẻ em cần phải có sự tôn trọng và bảo vệ cho các nạn nhân, tránh làm họ đau lòng thêm một lần nữa khi bị phỏng vấn, khai thác trên mặt báo. Các nhà báo và các cơ quan báo chí cần nhìn tính vấn đề xã hội nhiều hơn là quan tâm tới việc tường thuật, chi tiết các sự vụ”.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên cho biết, CSAGA đã phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc quảng bá số điện thoại đường dây nóng của CSAGA ở màn hình chờ của các thang máy của trên 270 chung cư và CSAGA đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của mọi đối tượng phản ánh về vấn đề bạo hành gia đình. “Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ có những người phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hay thuộc thành phần lao động có thu nhập thấp là bị bạo hành gia đình. Cuộc gọi mà chúng tôi nhận được có rất nhiều người phụ nữ là vợ của những quan chức và trí thức, họ ở trong các biệt thự cao cấp hay các chung cư cao cấp... nhưng vẫn bị bạo hành gia đình”, bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ thêm. Nạn nhân và gia đình họ không dám nói bởi vì nhiều người trước đó đã phải trả giá quá đắt.

Từ Tọa đàm này cho thấy, các nhà báo cần suy ngẫm khi thực hiện đưa tin, bài về bạo lực giới cần phải đặt đạo đức nghề nghiệp và tính nhân văn lên trước tiên khi hành nghề. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top