Đừng để​ "trên nóng, dưới lạnh"

VH- Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29.3.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, một vấn đề lớn được đặt ra đó là làm thế nào để Chỉ thị được các cấp, các ngành và toàn xã hội hưởng ứng tích cực, công tác tuyên truyền, giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình được chú trọng, phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Đừng để​ 

 Ngày hội Gia đình 2018 do Bộ VHTTDL tổ chức

Lãnh đạo của tỉnh miền núi Bắc Kạn cho rằng trước thực trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, tình trạng mua bán người, tình trạng BLGĐ, xâm hại trẻ em... đang có chiều hướng gia tăng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, Chỉ thị đã góp phần tích cực trong việc tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình trong việc định hướng, giáo dục nhân cách con người, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Để Chỉ thị đi vào cuộc sống hơn, Bắc Kạn đề nghị hằng năm trung ương cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác gia đình, mở các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tại tuyến cơ sở. Tiếp tục cung cấp các tài liệu, nội dung tuyên truyền, sản phẩm truyền thông có nội dung phong phú, đa dạng về hình thức để cấp cho cơ sở làm tài liệu tuyên truyền.

Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và gia đình Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cho rằng xã hội hiện nay đang có những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống. Xu hướng thực dụng, coi trọng thái quá đồng tiền cùng tệ nạn xã hội đang tấn công vào mỗi gia đình, vẫn tồn tại tình trạng BLGĐ tại một số địa phương, các thành viên gia đình thiếu những kĩ năng sống cơ bản nhất là lớp trẻ tư tưởng lệch lạc, sống không có lý tưởng... Một trong những nguyên nhân là do chưa thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về gia đình, công tác truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình chưa được phát huy hiệu quả. Lối sống gia đình là nền tảng, là tiền đề để hình thành nhân cách con người từ đó kết hợp với giáo dục đạo đức, lối sống ở nhà trường, cộng đồng và xã hội; nhiều gia đình còn xao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình; chưa nhận thức được vị trí, lối sống cho các thành viên trẻ trong gia đình... tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống. Vì vậy thực hiện Chỉ thị số 11 là việc làm cấp thiết cần được các địa phương đặc biệt chú trọng.

Phải ghi nhận rằng một số địa phương đã triển khai thực hiện rất tốt Chỉ thị số 11, hiệu quả nổi bật là việc nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình, dân tộc được nâng lên, tình trạng BLGĐ trên các địa bàn giảm, các thành viên trong các gia đình có trách nhiệm hơn với gia đình mình, từng bước xoá bỏ các định kiến lạc hậu về trọng nam, khinh nữ, giảm bớt tình trạng bạo lực học đường... Tính riêng ở Vĩnh Long hiện nay toàn tỉnh có tới 250 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 528 cơ sở hoà giải với trên 3.219 hoà giải viên, trong năm 2017 đã hoà giải được 2.261 vụ. Hoà giải thành công 1.754 vụ đạt 77,5%, hoạt động của tổ hoà giải đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.

Đối với TP. HCM, công tác tập huấn, tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống, trong gia đình, PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc được thực hiện lồng ghép vào các hoạt động công tác gia đình hằng năm, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20.3, Ngày Gia đình Việt Nam 28.6... Các hình thức tuyên truyền cũng được lồng ghép vào các phong trào, vận động, các tiêu chí bình xét gia đình văn hoá, ấp văn hoá, khu phố văn hoá... Trong năm 2017, các quận huyện ở TP.HCM đã tổ chức 800 lớp tập huấn, tuyên truyền với 70.921 lượt người tham dự ở cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn... 93% hộ gia đình trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện Chỉ thị, Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", một số cấp uỷ đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể còn xem nhẹ, thiếu quan tâm, nhận thức chưa rõ được tầm quan trọng, xem đây là việc của cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình. Thế nên công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, đồng bộ. Nội dung hoạt động và công tác tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú và chưa thường xuyên, mới ở bề rộng, chưa có chiều sâu. Trước hết cần nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá trong gia đình cho tất cả các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này. Giáo dục lý tưởng đạo đức, lối sống trong gia đình là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, quan trọng, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng.

Khi trao đổi về những kiến nghị trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị, đại diện của các cấp, các ngành, đặc biệt là địa phương đều đề nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể đối với việc huy động các nguồn lực tham gia hoạt động. Bà Nguyễn Thị Phương cho rằng việc triển khai thực hiện Chỉ thị khó có thể tốt khi mà kinh phí thực hiện không có, vì vậy các hoạt động thực hiện nội dung Chỉ thị chỉ dược lồng ghép trong các hoạt động công tác gia đình hằng năm.

Định hướng giải pháp thực hiện Chỉ thị đến năm 2020 của Bộ VHTTDL thì việc đầu tư nguồn lực từ Trung ương tới địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị, Chiến lược, Chương trình, Đề án, Kế hoạch đã được phê duyệt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, PCBLGĐ và phát triển gia đình Việt Nam. Bộ VHTTDL sẽ xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình, hướng dẫn thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ công tác gia đình và PCBLGĐ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ Trung ương đến cơ sở. Các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc và PCBLGĐ ngay từ cộng đồng sẽ được nhân rộng. Ngoài ra để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục thực hiện ký kết các chương trình phối hợp liên ngành về công tác gia đình và PCBLGĐ với Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... 

 Bài, ảnh: HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc