Làng phong miền chân sóng

VH- Ở làng phong miền chân sóng ấy có những con người nhỏ bé từng một thời đầy đau đớn, một thời gian dài phải đối mặt với gặm nhấm của bệnh tật. Nhưng ở trong họ, vẫn có một sức sống bền bỉ, dẻo dai đến lạ kỳ.

Làng phong miền chân sóng - Anh 1

Những người từng là bệnh nhân phong được chữa khỏi và ở lại với làng phong Quy Hòa

Nơi mảnh đất tình người

Lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo, làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) như là một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Vẻ đẹp kiêu sa của khung cảnh thiên nhiên hòa quyện cùng nét đẹp cuộc sống của con người nơi đây tạo nên một cảm giác yên bình và thanh thản. Gặp họ, tưởng chừng như chưa có vết thương nào từng in dấu trên những tấm thân thể vốn đã hao gầy vì căn bệnh phong quái ác. Một ngày mới đây, tôi gặp họ trong làng phong Quy Hòa, nơi “nổi danh” về căn bệnh này từ cách đây gần một thế kỷ. Nhưng ở đó, có những cuộc đời và sự nương tựa mà mỗi chúng ta đều cảm thấy ấm áp khi được biết.

Làng phong cũng là nơi mà thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau ở chốn này. Điều này không khó để lý giải, bởi cái tên Hàn Mặc Tử - một trong những thi sĩ nổi tiếng bậc nhất những năm phong trào thơ Mới đã từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau ở chốn này.

Trước đây, làng phong Quy Hòa được xem là thế giới đã “an bài” của những “con hủi” bất hạnh, sống tách biệt với xã hội bên ngoài. Lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo, làng phong Quy Hòa như là một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Sự e ngại với những bệnh nhân phong không còn nữa, mà thay vào đó là những tâm hồn đồng điệu, tràn ngập yêu thương và ấm áp tình người. Mà mọi người đã đặt cho nơi này một cái tên rất mỹ miều là “Thung lũng tình thương”.

Những mái ấm gia đình ở làng phong Quy Hòa cứ như trong chuyện cổ tích. Tại đây, hàng trăm bệnh nhân từ khắp nơi đã gặp nhau và thành vợ thành chồng, sinh con, đẻ cái. Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn. Được sống với nhau trong tình yêu thương, các bệnh nhân không còn thấy bị mặc cảm. Sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật. Nhiều con người bị xa lánh và đã phải tìm đến nơi này để chữa trị. Những viên thuốc và sự chăm sóc của bác sĩ đã giúp đẩy lùi căn bệnh nhưng sự sống của họ chỉ thực sự trở lại với những người đồng bệnh, ở trên cùng mảnh đất này.

Làng phong miền chân sóng - Anh 2

Đường vào làng phong rợp bóng cây và hoa

Điều còn lại của quá khứ

Thấp thoáng sau những tán lá xanh là hàng trăm ngôi nhà của bệnh nhân phong được xây dựng cách đây non một thế kỷ. Trong làng có khu vườn tượng gồm 40 bức tượng bán thân của các danh y Đông - Tây kim cổ. Tất cả được đặt xoay vào nhau theo một con đường nhỏ, dưới bóng phi lao rì rào. Qua bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chân dung các danh y được khắc họa một cách sống động. Từng gương mặt đều toát lên vẻ đăm chiêu, suy nghĩ như chung một niềm trăn trở về việc cứu con người thoát khỏi bệnh tật.

Trên con đường trải bê tông xanh mát bóng dừa dẫn vào nơi ở của những bệnh nhân phong trước đây, có rất nhiều những nụ cười hồn hậu, mến khách. Thấy người lạ trò chuyện với một cụ ông trong làng, nhiều người dân đã kéo đến vây quanh, cùng trò chuyện. Dường như, dù định kiến có được xóa bỏ thì sự thèm khát những cuộc gặp gỡ với con người bình thường vẫn là một đặc trưng của người dân làng phong nơi này.

Cuộc sống của bệnh nhân phong nay cũng đã ấm áp hơn. Đi khắp làng phong, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những đứa trẻ đang hồn nhiên vui đùa, chạy nhảy trên con đường làng rợp mát bóng dừa. Tiếng cười khúc khích của con trẻ đã đập tan nỗi buồn u ám về bệnh tật trong lòng họ trong suốt một thời gian dài, cho họ nguồn sống cũng như niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

 MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc