KHHGĐ vẫn còn nhiều thách thức

VH- Việt Nam đã đạt được mục tiêu giảm mức sinh từ 5 con/cặp vợ chồng xuống còn 2,09 con/cặp vợ chồng (năm 2016) nhưng trong lĩnh vực kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) vẫn còn nhiều thách thức khi tỷ lệ nạo phá thai vẫn cao, chủ yếu phụ nữ áp dụng các biện pháp tránh thai và nhiều cặp đôi vẫn áp dụng biện pháp tránh thai truyền thống... Vấn đề này được đặt ra tại lễ mít tinh với chủ đề “Thành công của KHHGĐ là tiền đề cho phát triển bền vững” tại Hà Nội nhân kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11.7) do Bộ Y tế, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong việc tạo điều kiện để tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ như tuyên truyền, vận động, phát BCS miễn phí… nhờ đó đã giảm được mức sinh bình quân, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% lên 67% vào năm 2016; giảm tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, hiện nay các biện pháp tránh thai chủ yếu dành cho phụ nữ, do đó cần phải tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi mạnh mẽ để khuyến khích nam giới tham gia vào KHHGĐ. Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) cần xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để giảm thiểu sử dụng các phương pháp truyền thống và tăng cường sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các biện pháp tránh thai sẽ giúp trẻ em gái không mang thai ở lứa tuổi vị thành niên; đồng thời, giúp các bà mẹ không sinh quá nhiều con để dành sức khoẻ và vật chất đầu tư cho con cái, và cuộc sống của mình.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc