Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

“Mong lắm, Ngày hội giao lưu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số”

Thứ Sáu 02/11/2018 | 20:11 GMT+7

 VHO-Chiều 2.11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL ngày 31.12.2013 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt tổ chức định kỳ “Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013-2020. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì Hội nghị.

Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hoá tốt đẹp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là một hoạt động mang tính xã hội, tính cộng đồng,  gắn với đời sống lao động và sinh hoạt của nhân dân đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước. Ngày hội là sự kiện văn hóa quan trọng  góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương trong cả nước; tuyên truyền, vận động để các dân tộc trong nước hiểu về nhau hơn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thúc đẩy phát triển du lịch nói riêng, phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa – xã hội nói chung.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu khai mạc Hội nghị

Thông qua Ngày hội, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được tôn vinh, giới thiệu, quảng bá rộng rãi; đồng thời qua đó phát hiện được các tài năng để đào tạo và bồi dưỡng, khích lệ và khơi dậy sự sáng tạo các giá trị văn hóa mới, là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có dịp gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giao lưu văn hóa nghệ thuật hai tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia, là cơ hội để các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên hai nước tham gia giao lưu trao đổi nghề nghiệp, tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần đưa quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện vùng biên giới, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ngoài ý nghĩa xây dựng các phong trào, phát triển các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở, còn kết nối các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Mặc dù đạt được những kết quả như trên, nhưng Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đó là vấn đề kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch ở cơ sở còn nhiều khó khăn; công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương thiếu kịp thời, chưa sâu sát; nhiều địa phương chưa nhận thức thức một cách sâu sắc đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của di sản văn hoá các dân tộc...

Nên có cơ chế để bảo tồn văn hoá của các dân tộc ngay từ trong chính các bản làng

Tham luận tại Hội nghị, một số đại biểu đánh giá cao hiệu quả của Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao, du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc tổ chức Ngày hội đã mở ra cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội quảng bá bản sắc văn hoá đặc sắc của dân tộc mình; giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thồng văn hoá dân tộc.

Hội nghị thu hút đông đảo các đại biểu

Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai khẳng định: Ngày hội đã giúp cho các nghệ nhân vượt qua khỏi cửa rừng, đến được nhiều nơi; được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Ngày hội cũng là cơ hội để quảng bá văn hoá, di sản độc đáo của các dân tộc đến các địa phương trong nước và thế giới. Đại biểu các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang cũng đồng quan điểm, cho rằng, việc tổ chức các Ngày hội đã tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc được giao lưu, học hỏi, được vượt qua khỏi phạm vi địa lý của địa phương, được tiếp xúc với nhiều nền văn hoá độc đáo của các dân tộc khác nhau.

Đặc biệt, với vai trò là người tham gia trực tiếp tại Ngày hội, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ, dân tộc Tày, tỉnh Lạng Sơn xúc động chia sẻ: "Chúng tôi mong lắm, 2-3 năm một lần tổ chức, lại được gặp nhau để xem dân tộc của bạn mình có gì đổi mới không, để được biết thêm nhiều giá trị văn hoá của các dân tộc khác".

 

Các đại biểu đóng góp ý kiến

Trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả của các Ngày hội, ông Hà Văn Thắng cũng cho rằng: Cần xem xét lại việc thay đổi địạ điểm tổ chức các ngày hội này, thay bằng tổ chức ở các thành phố, nên chăng cần đưa về đúng không gian văn hoá thực để phát huy hết giá trị của các trò diễn, lễ hội,... Ông Thắng ví dụ, lễ hội Gầu Tào, nếu được tổ chức tại "nơi đã sinh ra nó" thì sẽ phát huy được hết giá trị văn hoá của nó. Đồng ý với ông Thắng, ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thừa nhận sức lan toả rộng lớn của Ngày hội. Tuy nhiên, ông Thuỷ cho rằng, việc tổ chức Ngày hội tại không gian văn hoá thực là khó khả thi trong phạm vi vùng, miền, khu vực vì mỗi lễ hội của một dân tộc kéo dài từ một đến vài ngày, nếu làm đúng thực tế thì sẽ không đủ thời gian và kinh phí để thực hiện. Hơn nữa, việc tổ chức tại các thành phố lớn và theo kiểu trích đoạn, mô hình sẽ thu hút được nhiều người dân các nơi tham gia.

Về việc làm thế nào để bảo tồn văn hoá các dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Văn Thọ tâm sự: “Tôi đã tiếp xúc với một số nghệ nhân cao tuổi, nhưng thấy họ không cởi mở. Do đó, để các nghệ nhân cao tuổi cởi mở hơn trong việc truyền dạy lại cho con cháu, nên quan tâm đến họ nhiều hơn. Tôi lấy ví dụ về việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, theo quy định là phải có các giải thưởng. Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân cả đời không đi ra khỏi bản làng, không tham gia hội diễn, cuộc thi nào thì lấy đâu ra giải thưởng, danh hiệu. Họ chỉ âm thầm truyền dạy cho con cháu, nên nếu không có sự ghi nhận đối với họ thì họ cũng không cởi mở trong việc truyền dạy, dẫn đến thất truyền những giá trị văn hoá độc đáo”.

Bàn về vấn đề kinh phí, nhiều đại biểu đồng ý kinh phí dành cho việc phát triển văn hoá hiện rất hạn hẹp. Đại biểu Phù Thị Thiên, dân tộc Pà Thẻn, Hà Giang cho biết, hiện nay kinh phí cấp cho ngành văn hoá cấp xã chỉ vẻn vẹn có 10 triệu/năm, được sử dụng cho rất nhiều hoạt động. Trong khi đó, vấn đã xã hội hoá cho văn hoá địa phương, đặc biệt đối với cùng sâu vùng xa thì vô cùng khó khăn. Do đó, Nhà nước nên có cơ chế để bảo tồn văn hoá của các dân tộc, ngay từ trong chính các bản làng.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhất trí sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề kinh phí cho bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; đề nghị xem xét lại chính sách công nhận Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú. Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm và đầu tư cho văn hoá thông qua việc xã hội hoá. "Chúng ta phải phát huy hiệu quả Ngày hội giao lưu văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm góp phần xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển công tác văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường các hoạt động văn hoá cơ sở, phát hiy vai trò chủ thể là đồng bào các dân tộc", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

HOÀNG HƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top