Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

“Lần đầu tiên được ăn phở Thìn miễn phí”

Thứ Tư 27/02/2019 | 15:04 GMT+7

VHO- Các nhà báo trong nước đùa nhau như vậy khi thưởng thức phở Thìn tại Trung tâm báo chí quốc tế. Sau một ngày chính thức mở cửa nhà ăn, những món ăn truyền thống của Việt Nam đã càng ngày càng tăng độ “hot”, số lượng phục vụ đã tăng đáng kể, đặc biệt là các nhà báo nước ngoài.

Phở Thìn

Buổi sáng ngày 28.2, mặc dù đã gần 9h sáng, nhưng phóng viên, nhà báo đứng tại quầy phở Thìn khá đông. Một đồng nghiệp tại Đài truyền hình Việt Nam đùa vui: “Lần đầu tiên được ăn phở Thìn Bờ Hồ miễn phí, mọi khi toàn tự trả tiền, hoặc bạn bè trả hộ”. Câu nói khiến nhân viên phục vụ cũng nở nụ cười nhẹ dù đã thấm mệt vì phải đứng và luôn tay.
Chị Nguyễn Ngọc Thu phụ trách quầy phở cho biết, gia đình được báo trước hai ngày nên cũng chỉ có hai ngày để chuẩn bị nhưng đây không phải lần đầu tiên Phở Thìn được phục vụ tại các sự kiện lớn nên cũng không quá vất vả. Điều đặt lên hàng đầu là nguồn nguyên liệu phải tươi, sạch từ bánh phở, thịt bò, các loại rau thơm… nhưng vẫn giữ được “quốc hồn, quốc tuý” của món phở truyền thống Việt Nam. “Món phở thu hút được khách quốc tế phải đậm đà, nước dùng trong, thơm ngậy ninh từ thịt xương bò, lát thịt bò tái, chín, nạm, gầu thái mỏng tinh tế…”, chị Thu chia sẻ.
Theo chị Thu, ngày đầu tiên chị phục vụ buổi sáng và buổi trưa khoảng 800 bát, nhưng hôm nay chị sẽ phục vụ cả buổi tối vì có đông người hỏi, cả ngày chị sẽ phục vụ khoảng 1.200 – 1.300 bát; ngày cuối cùng 28.2 có lẽ còn đông hơn.

Bún thang Bà Ẩm

Món bún thang Bà Ẩm (phố Cửa Nam) ngày thứ hai hết sớm hơn ngày đầu tiên, dù ông chủ Đoàn Văn Lai đã dự trù tăng thêm nguyên liệu, nước dùng tới hơn 100 bát. So với phở, bún thang còn lạ lẫm với nhiều nhà báo nước ngoài, nhưng chỉ qua một ngày, dường như món ăn đã hấp dẫn ngay thực khách bởi nước dùng là sự hoà trộn của nước luộc  gà, nước ninh xương ống, nước tôm… “Buổi tối và ngày mai tôi phải tăng số lượng hơn nữa. Rất nhiều người đến với mình mà không có để phục vụ tôi cũng không vui, đành hẹn lại”, ông Lai nói.
Ông  Lai là đời thứ ba gia đình bán bún thang trên đất Hà Thành. “Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên khi được đề nghị cung cấp món bún đúng hương vị Hà Nội tôi rất tự hào, và mong muốn đóng góp điều gì đó cho TP của mình”, ông Lai cho hay.
Ít ai biết, quán bún thang của gia đình ông bắt nguồn từ bà ngoại anh – cụ Lê Thị Tho với quánh bún bán ở khu vực chợ Đồng Xuân. Dù là gánh bún rong nhưng khách ăn thời đó lại chủ yếu là các quan Pháp, khi Pháp rút rời khỏi Việt Nam, họ đã mời cụ sang Pháp sinh sống, nhưng vì đã có gia đình, chồng con nên cụ kiên quyết ở lại quê hương. Đến năm 1912, Hà Nội xây dựng chợ Đồng Xuân đã mời cụ Ẩm (con gái cụ Tho) vào chợ bán bún thang. 10 người con của cụ Ẩm cứ thay nhau ra chợ phụ mẹ bán bún thang nên ai ai cũng thấm được bí quyết và cách làm để có một bát bún đúng vị bún thang. 
Rồi mỗi người con lớn lên, đi học, đi làm và xa rời với nồi bún nuôi sống cả gia đình, bản thân ông Lai cũng từng là cầu thủ bóng đá của Hà Nội những năm 1980 – 1990. Đến năm 2012, những người bạn, người thân nhớ tới vị bún thang không ở đâu có được và đề nghị gia đình ông mở quán lại để lưu truyền cho các thế hệ sau này. Dù chỉ mở mấy năm, không quảng bá rộng rãi, nhưng nhiều người dân Hà Nội đã tìm đến quán nhỏ của ông để thưởng thức, thậm chí những người xa quê hương lâu ngày cũng đánh cả một ô tô đưa cả gia đình tới ăn.

Bánh khúc cô Lan

Ngoài bún, phở, món giò, chả quế cũng là món ăn được các nhà báo nước ngoài thích thú. Ông Nguyễn Đức Toàn, chủ cơ sở sản xuất giò chả Đức Tín (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, xác định được trọng trách của mình khi đưa các sản phẩm giò chả vào phục vụ cho các nhà báo trong và ngoài nước nên ông đã đặt việc an toàn, thơm ngon lên hàng đầu. Ông đã đến trại lợn sinh học trong xã, chọn ra 1 – 2 con nổi trội trong cả nghìn con để pha chế làm nguyên liệu. “Con nổi trội là những con có lông óng mượt, di chuyển nhanh nhẹn. Mỗi con chỉ chọn lọc được 15 – 20kg thịt mông để xay làm giò, chả. Khi chọn lá chuối cũng phải là lá chuối hột, hoặc chuối tây, sau đó ngâm phèn, rửa sạch, rồi lại ngâm muối, rửa sạch lau khô mới dùng gói giò. Dây cũng phải dùng lạt giang chứ không như những loại ngoài thị trường”, ông Toàn bật mí.

QUỲNH HOA, ẢNH: TRẦN HUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top