Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Mất giấy phép lái xe phải thi lại: Còn gì vô lý hơn?

Thứ Hai 11/03/2019 | 16:01 GMT+7

VHO-Đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT "tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3" đã  bị người dân cũng như cộng đồng mạng xã hội phản ứng vì sự vô lý và phi  lý.

Theo một số chuyên gia, đề xuất này là không có căn cứ pháp luật, gây sự phiền hà cho người dân và hết sức vô lý vì bắt người dân thi lại giấy phép lái xe (GPLX) chỉ vì sợ có người lợi dụng có thêm bằng thứ 2,3 là không thỏa đáng.

Việc mất bằng lái xe không phải là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông, không liên quan gì với kỹ năng lái hay kiến thức an toàn giao thông. Nếu người dân thực sự mất giấy tờ, trong đó có bằng lái xe thì bản thân họ đã phải bỏ thời gian, công sức để đi làm lại. Còn chuyện lợi dụng việc báo mất để có thêm bằng lái xe thứ 2, 3 đó là việc điều chỉnh của cơ quan quản lý. Không thể vì một hiện tượng, một số lượng nhỏ người nào đó mà bắt toàn bộ người dân phải thực hiện sự vô lý từ việc kém hiệu quả của cơ quan quản lý.

Theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 7.11.2012 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, người bị mất GPLX được cấp lại trong các trường hợp: Người có GPLX bị mất lần thứ nhất; còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng; còn hồ sơ gốc, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc. Nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, được xét cấp lại GPLX.

Người có GPLX bị mất lần thứ 2 trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp lại cho GPLX bị mất lần thứ nhất, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc. Nếu không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX. Trường hợp mất GPLX lần thứ 3, người có GPLX bị mất từ lần thứ 3 trở lên, trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày cấp lại cho GPLX bị mất lần thứ 2, nếu có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, khi tra cứu vi phạm của người lái xe trong Cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc, không phát hiện đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ theo quy định, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp lại GPLX.

Như vậy, đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thể hiện việc lúng túng trong quản lý, đẩy việc khó cho người dân khi không “bịt” được những lỗ hổng, bất cập trong việc có một số người lợi dụng kẽ hỡ. Thực tế, tình trạng tài xế bỏ GPLX tại các cơ quan công an khi vi phạm và xin cấp GPLX mới là có thật. Nguyên nhân là do tài xê vi phạm các lỗi có mức phạt tiền cao, thậm chí cao hơn nhiều so với chi phí cấp mới GPLX. Trong đó nhiều nhất là các lỗi: đi vào đường cấm, đường ngược chiều, chạy xe trong khi có nồng độ cồn quá mức quy định... Điều này cho thấy mối quan hệ giữa cơ quan cấp GPLX và cơ quan tạm giữ GPLX đang chưa có sự kết nối, chia sẻ và lộ rõ bất cập khi thiếu hệ thống dữ liệu dùng chung để  cập nhật kịp thời, tránh tình trạng một số người lợi dụng kẽ hở.

Theo một số chuyên gia, việc có cơ sở dữ liệu chung trên toàn quốc là hết sức cần thiết. Việc này tạo sự thuận lợi trong quản lý. Cơ quan quản lý sẽ biết rõ tài xế vi phạm và sẽ có biện pháp ngăn chặn người vi phạm cố tình lợi dụng. Do đó, khi người dân đến các trung tâm đăng ký thi sát hạch để cấp GPLX mới thì hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối giữa ngành giao thông và công an sẽ phát hiện người này có bị tạm giữ GPLX hay không. Do đó, theo nhiều ý kiến, trong thời đại 4.0, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu này là điều không khó để thực hiện.

Sau khi đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhiều người cho rằng nếu được áp dụng sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho các ngành khác cũng như cho xã hội. Đơn cử như việc mất giấy đăng ký kết hôn, chả lẽ người dân phải đăng ký lại? hay mất bằng cấp tốt nghiệp phổ thông, đại học sẽ phải thi lại?

Theo các chuyên gia, Bộ GTVT nên quản lý tốt khâu cấp GPLX tại các cơ sở đào tạo để góp phần đảm bảo an toàn giao thông hơn là việc “dọn dẹp” hậu quả của việc thi và cấp bằng giấy phép lái xe quá dễ dàng về cả phần thực hành lẫn lý thuyết. Đồng thời, nên siết chặt quy trình thi giấy phép lái xe và phối hợp với cơ quan công an để quản lý bằng lái thay vì yêu cầu thi lại khi mất bằng. Chuyên gia Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội cho hay, Bộ GTVT cần chấn chỉnh việc học và sát hạch lái xe thay vì chỉ siết chặt khâu cấp bằng. Trao đổi với Báo Văn Hóa, đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, các quy định về đào tạo lái xe cũng đã khá chặt chẽ, quan trọng nhất là các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ra sao để việc học, việc thi thực chất.

Theo ý kiến của nhiều người, tai nạn giao thông không phải lỗi do mất bằng lái mà lỗi là ở người điều khiển phương tiện. Do đó, những đối tượng thường xuyên vi phạm giao thông, đến mức phải giữ GPLX thì nên bắt buộc người ta phải thi lại bởi việc thiếu kiến thức, kỹ năng cũng như ý thức khi tham gia giao thông. Còn việc mất GPLX mà bắt toàn dân phải thi lại là không hợp lý, hết sức vô lý và phi lý.

Ngay sau khi đề xuất ý tưởng trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 7.3 đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ yêu cầu tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại; hoặc trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe. Với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại giấy phép lái xe nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tổng cục có trách nhiệm phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ bằng lái do vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt lại công tác cấp giấy phép lái xe đã mất theo quy đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại bằng lái không đúng quy định. Đề xuất các giải pháp xử lý vi phạm với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại bằng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công văn trên chỉ là để “chữa cháy” cho ý tưởng đề xuất "tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3" mà thôi.

HOÀNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top