Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển

Thứ Bảy 27/04/2019 | 15:00 GMT+7

VHO- Tiếp theo các hoạt động tại Phiên họp toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban TNTN&NĐ của Quốc hội, chiều 26.4, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban TNTN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, Ủy ban đã tiến hành phiên giải trình về một số vấn đề quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; hoạt động lễ hội.

Tham dự phiên giải trình có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL và đại diện các Bộ ngành hữu quan.

Xuất hiện một số vấn đề đáng lo ngại

Theo đánh giá của Ủy ban, thời gian qua đã xuất hiện một số vấn đề nổi cộm, cần phải có cách giải quyết và ứng xử phù hợp để đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

 

Phiên giải trình đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Đề cập đến mâu thuẫn giữa phát triển đô thị và bảo tồn di sản văn hóa đô thị, Thường trực Ủy ban cho rằng quá trình đô thị hóa mạnh ở Việt Nam đã bộc lộ mâu thuẫn giữa bảo tồn văn hóa và phát triển đô thị tại các thành phố lớn. Việc phát triển đô thị là cần thiết, tuy nhiên phải tuân thủ pháp luật về Di sản văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, không gian văn hóa.

Trong năm 2018 vừa qua có 2 sự việc liên quan xảy ra tại Hà Nội và TP.HCM có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản đô thị. Trong đó, tại Hà Nội, quy hoạch xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, có ga ngầm dự kiến đặt tại khu vực di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, chỉ cách đền Ngọc Sơn 50m. Còn tại TP.HCM, việc quy hoạch mặt bằng xây dựng công trình, mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố có liên quan đến tòa nhà kiến trúc kiểu pháp là Dinh Thượng thư.

Thường trực Ủy ban đề nghị UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, chỉnh lý, khắc phục những hạn chế, bất cập của Dự án để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi triển khai thực hiện. Bộ VHTTDL cần chỉ đạo sâu sát để việc phát triển đô thị phải hài hòa với bảo tồn di sản văn hóa đô thị nói chung, của Hà Nội và TP.HCM nói riêng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng một số công trình lớn đã vi phạm khu vực bảo vệ di tích. Nổi lên là vụ xây dựng tượng bà chúa Xứ trên núi Sam (thành phố Châu Đốc, An Giang) khi chưa có sự chấp thuận của các cấp chính quyền, không phù hợp với tín ngưỡng dân gian, gây bất bình cho người dân địa phương. Hay như vụ xây dựng đường dẫn cầu trong vùng lõi khu Di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình).

Từ những vụ việc trên, đặt ra vấn đề cần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo quản, khai thác và phát triển đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên cả nước cần được quan tâm nhiều hơn. Việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử- văn hóa, các di sản văn hóa cần tuân thủ chặt chẽ pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật đất đai, xây dựng và chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa của địa phương.

Bên cạnh đó, những bất cập trong quy định pháp luật về di sản văn hóa và các luật liên quan như: chậm ban hành hoặc thiếu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, nhiều quy định của các luật về di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư, môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất, còn chồng chéo. Đặc biệt trong quy định, xây dựng, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích còn nhiều vướng mắc. Một số vấn đề chưa được quy định hoặc thiếu quy định cụ thể, không phù hợp với thực tiễn như: quy định về loại hình di tích, về tái phân bổ cho hoạt động bảo vệ, quản lý di sản văn hóa, về mô hình quản lý di tích, về tiêu chí xét tặng danh hiệu nhân dân, định mức đơn giá tu bổ di tích, về đấu thầu… gây khó khăn lớn cho việc bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di sản.

Di tích được bảo vệ và phát huy giá trị sau mỗi lần trùng tu

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Chúng ta đang sở hữu một khối lượng di tích, di sản lớn. Đây là những tài sản vô giá của đất nước mà chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị. Trước “cơn lốc” đô thị hóa và thời đại công nghệ số hiện nay, Bộ VHTTDL đều nhất quán thực hiện nguyên tắc giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển”

Cho đến nay,theo kết quả kiểm kê chúng ta có 40.000 di tích vật thể. Trong đó UBND các tỉnh/ thành xếp hạng gần 10.000 di tích cấp tỉnh; Bộ VHTTDL xếp hạng 3.491 di tích cấp quốc gia; Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 105 di tích quốc gia đặc biệt; 08 di tích tiêu biểu của Việt Nam được UNESCO ghi vào danh sách Di sản thế giới. Bộ VHTTDL đang tiếp tục nghiên cứu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản thế giới Khu di sản thiên nhiên Ba Bể- Na Hang (Bắc Kạn- Tuyên Quang), di tích Óc Eo (An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước).

Bên cạnh đó, chúng ta có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể trên toàn quốc đã được kiểm kê với 7 loại hình. Trong đó 288 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 12 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trong danh sách đại diện (11 di sản) và danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp (1 di sản).

Hầu hết các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới đã được các địa phương triển khai lập quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó một số quy hoạch di tích đã được Thủ tướng phê duyệt. Công tác tu bổ, tôn tạo, trùng tu di tích cũng được thực hiện tốt, theo đúng các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh. Chất lượng của hoạt động tu bổ di tích cũng được nâng cao, sau mỗi lần trùng tu được bảo vệ và phát huy giá trị tốt hơn. Tại phiên chất vấn, có đại biểu đánh giá “sau mỗi lần trùng tu, di tích lại xuống cấp hơn”. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, có lẽ đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt, vì việc trùng tu, tôn tạo, tu bổ, bảo quản di tích đều có quy trình chặt chẽ, khoa học, thực hiện theo quy định của Luật Di sản và các văn bản khác có liên quan.

“Đặc biệt là các di tích trùng tu theo nguồn vốn ngân sách nhà nước được quản lý tốt, phát huy được hiệu quả. Còn những công trình để xảy ra sai sót như đại biểu nêu chủ yếu là công trình trùng tu, xây dựng, sử dụng nguồn vốn xã hội hóa. Những vụ xảy ra thời gian gần đây như công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ (Ninh Bình), chùa Bà chúa Xứ (An Giang), chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Bối Khê (Hà Nội)… đều do đơn vị đầu tư không báo cáo, địa phương cũng không phát hiện được. Với công trình trên núi Cái Hạ, Ninh Bình, khi phát hiện ra, Bộ VHTTDL đã vào cuộc ngay, xử lý kiên quyết, yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng nhưng vì công trình lớn, vi phạm nghiêm trọng nên cũng mất nhiều thời gian để khắc phục”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện báo cáo tại Phiên giải trình

Theo Bộ trưởng, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phục hồi, quản lý, phát huy giá trị di sản hiện nay rất khó khăn vì lượng di tích lớn nhưng nguồn kinh phí vô cùng hạn hẹp. Đặc biệt với các di sản phi vật thể, việc bảo vệ, truyền dạy rất khó khăn vì thế hệ các nghệ nhân cao tuổi càng ngày càng ít, không có lực lượng kế cận, lực lượng truyền dạy không còn.

“Thực tế cho thấy, công tác quản lý di sản, di tích ở địa phương rất yếu, có những di tích bị xâm phạm ngay trước cửa UBND nhưng địa phương không phát hiện ra. Vì thế, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của UBND các cấp, nhất là cấp xã; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của ngành để công tác này đạt hiệu quả cao hơn”, Bộ trưởng nói.

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với thực tiễn, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội và Chính phủ cho phép sửa đổi Luật Di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là những quy định có tính chuyên ngành thuộc lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phân cấp cụ thể hơn nữa việc quản lý di tích, cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động hướng dẫn khách tham quan tại di tích; bổ sung tiêu chí và quy định quản lý đối với di sản tư liệu; bổ sung chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa; điều chỉnh chính sách đãi ngộ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú nhằm tạo điều kiện tốt hơn nữa để nghệ nhân trao truyền kỹ năng, bí quyết cho thế hệ sau.

Lễ hội tại các địa phương đã đi vào nề nếp

Liên quan đến công tác tổ chức và quản lý lễ hội, Thường trực Ủy ban đánh giá trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã có nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý lễ hội. Năm 2018, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý và tổ chức lễ hội; thành lập đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội tại các địa phương có lễ hội lớn: Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, TPHCM, Long An… Nhờ đó, lễ hội tại các địa phương được tổ chức tốt. Một số hành vi vi phạm như đổi liền lẻ thu chênh lệch, đặt tiền giọt dầu không đúng nơi quy định, chèo kéo, nâng giá, rút quẻ thẻ… đã giảm. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn tồn tại hiện tượng gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy, tranh cướp lộc, ném tiền vào cửa hậu cung…

Trước những bức xúc của nhân dân và đại biểu về hoạt động lễ hội ở một số địa phương, từ năm 2016- 2018, Bộ VHTTDL đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các tỉnh/ thành phố trên cả nước. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, thiếu sót, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lợi dụng lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép, các hoạt động mê tín dị đoan, sử dụng linh vật không phù hợp với truyền thống, văn hóa của người Việt.

 

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu tại Phiên giải trình

“Công tác quản lý và tổ chức lễ hội 3 năm gần đây có những chuyển biến rõ rệt, đi vào nề nếp. Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, trục lợi từ lễ hội đã giảm nhiều. Việc tổ chức lễ hội tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương. Lễ hội đền Trần (Nam Định) không còn chen lấn, xô đẩy tranh cướp lộc; lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Phết Hiền Quang (Phú Thọ) đổi mới tổ chức, đảm bảo nghi lễ truyền thống, đảm bảo an toàn cho người dân; hội Chọi trâu Phù Ninh năm 2019 tạm dừng tổ chức… Lễ hội ở nhiều nơi, về cơ bản diễn ra trang trọng, tiết kiệm, an toàn, thu hút được đông đảo người dân, góp phần phát huy giá trị di sản, giữ gìn bản sắc dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, Thường vụ Ủy ban nhận định: Thời gian qua đã xuất hiện các hiện tượng kinh doanh tâm linh, thương mại hóa hoạt động tôn giáo, biến tướng, lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi, phát triển các hoạt động tâm linh, có màu sắc mê tín dị đoan. Đơn cử như việc dân sao giải hạn ở một số chùa, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có chiều hướng gia tăng tại nhiều cơ sở thờ tự (đền, chùa, phủ miếu), thậm chí cả ở những nơi không phải là cơ sở thờ tự làm sai lệch giá trị tín ngưỡng, vị phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vi phạm nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đặc biệt là việc cúng giải vong oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng gần đây đã báo động về vấn đề mê tín trong cộng đồng và việc lợi dụng giáo lý Phật giáo, chiếm đoạt tiền của người dân, có tính chất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận…

Thường vụ Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin truyền thông và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân thông quan nhiều kênh thông tin; cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần tiếp tục vào cuộc, tăng cường giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc sai phạm tại các lễ hội.

Đánh giá cao sự nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của Bộ VHTTDL trong việc chuẩn bị báo cáo giải trình cũng như những nỗ lực của Bộ thời gian qua trong công tác quản lý bảo vệ di sản, hoạt động lễ hội, chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục phát huy vai trò điều phối, khai thác các giá trị di sản, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước trên nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. “Đất nước ta có 8.000 lễ hội, có những khuynh hướng cực đẹp nhưng cũng có những khuynh hướng mê muội đang làm chúng ta đau, kéo chúng ta lại, làm chúng ta không thể đi xa. Vì thế, đòi hỏi người chèo lái phải vững vàng, sáng suốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

 THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top