Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những bài học về tình cảm gia đình từ "Về nhà đi con"

Thứ Sáu 02/08/2019 | 11:00 GMT+7

VHO- Bộ phim truyền hình Về nhà đi con đã thực sự thu hút người người, nhà nhà theo dõi và đắm chìm trong câu chuyện cảm động về các mối quan hệ trong gia đình. Từng tình tiết phim, từng đường đi nước bước của kịch bản đến từng câu thoại đều để lại cho người xem những suy ngẫm khó quên về tình thân, về mối quan hệ máu mủ ruột rà. Đó có thể là lời người cha nói với những đứa con, lời cô em giãi bày với bà chị, là người mẹ bênh “quý tử”... Nhưng suy cho cùng, tất cả đều trở thành những bài học vô giá đầy cảm động về hai chữ “gia đình”.

Hàng triệu khán giả cùng khóc với bố con ông Sơn khi nói với Thư “Về nhà với bố”

 Để tạo nên sự thành công cho bộ phim chính là nhờ vào một phần đóng góp không nhỏ của dàn diễn viên tên tuổi của làng giải trí Việt. Dàn nghệ sĩ tham gia phim Về nhà đi con đã dành những chia sẻ riêng về những tâm đắc của họ về những tình tiết mà họ cảm động nhất.

NSND Hoàng Dũng: Không gì quan trọng hơn hạnh phúc của con cái

Cảnh diễn mà tôi xúc động nhất là cảnh khi cuộc hôn nhân của Thư và Vũ bị đổ vỡ, bố và Thư ôm nhau khóc ngoài cửa gia đình nhà chồng. NSƯT Trung Anh và Bảo Thanh đã diễn rất ăn ý và tôi nghĩ khó có nghệ sĩ nào diễn tả hay hơn họ. Tình tiết đó cũng nêu bật chủ đề tư tưởng của bộ phim đó là cha mẹ bao giờ cũng giang rộng cánh tay đón các con của mình những lúc thành công cũng như cả thất bại. Hai ông bố trong Về Nhà Đi Con đại diện cho hai trường phái dạy con khác nhau. Đúng kiểu cha giàu - cha nghèo trong những quyển sách dạy con làm giàu thường hay nhắc tới. Ông Luật là người cha kinh doanh, tức là cha giàu lúc nào cũng tỉnh táo và giữ đầu óc lạnh. Ngược lại, ông Sơn là người cha tình cảm. Ông dạy dỗ các con bằng tình thương, sự ấm áp của người cha. Mỗi người một kiểu, và vấn đề họ luôn là chỗ dựa an toàn nhất cho con về cả tinh thần, vật chất. Tôi cũng rất thích nhân vật của mình, ông bố chồng Luật khi biết chuyện của vợ chồng con trai, ông cũng hi vọng biết đâu khi có con, vợ chồng Vũ - Thư sẽ thay đổi, sẽ gắn bó với nhau hơn. Chắc hẳn khi xem phim Về nhà đi con sẽ nhiều người mơ ước có được những ông bố, bà mẹ như mẫu nhân vật trong phim. Cách hành xử của nhân vật là rất logic với cuộc sống của các gia đình hiện nay. Chắc chắn khi xem bộ phim này, các bậc phụ huynh cũng sẽ đúc rút ra nhiều kinh nghiệm về trách nhiệm với con cái và con cái cũng sẽ hiểu lòng cha mẹ hơn mà sống có trách nhiệm hơn.

Đối với cha mẹ không gì quan trọng hơn hạnh phúc của con cái

NSƯT Trung Anh: Không phải lúc nào đồng tiền cũng chi phối tất cả mọi mối quan hệ

Tôi rất xúc động với cách hành xử của Khải khi mang trả lại 700 triệu đồng cho gia đình ông Sơn, hay việc Thư nhận 3 tỉ trong hợp đồng hôn nhân với Vũ để rồi lại dùng số tiền đó lén đầu tư lại cho Vũ ở CLB mô tô. Rõ ràng đồng tiền không phải lúc nào cũng chi phối tất cả mọi mối quan hệ, làm con người mất đi nhân cách và giá trị của mình. Khán giả bất ngờ khi Khải không dùng số tiền của gia đình ông Sơn đó để mua tự do cho mình mà chấp nhận vào tù. Cũng càng bất ngờ khi Thư, một cô gái thực dụng, luôn rạch ròi trong chuyện tiền nong lại làm như vậy. Tôi cảm thấy các nhân vật như Khải, Thư được xây dựng rất đời thường, rất chân thật. Cách hành xử của họ trong mối quan hệ vợ chồng là điều đáng để mọi người phải suy ngẫm. Trong phim có nhiều tuyến nhân vật, kể cả những nhân vật phụ như Uyên - vợ Thành. Khi biết chồng mình còn lưu luyến với người yêu cũ, cách ghen tuông và ứng xử của Uyên rất văn minh, chính điều đó mới làm chồng mình cảm thấy có lỗi, cần phải thay đổi. Khi tham gia bộ phim này, chúng tôi cũng không nghĩ rằng lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt như vậy, bởi lẽ phim được viết lại từ kịch bản của bộ phim Khi đàn ông góa vợ bật khóc. Ngay cả tôi và các bạn diễn cũng không thể ngờ rằng mình bị cuốn theo sức hút và sức hấp dẫn khi tham gia đến vậy. Có những cảnh diễn khi nhân vật ông Sơn phát hiện ra Vũ đi với gái vào sinh nhật của con, khi quay trở lại ngồi ăn với các con ông đã phải nuốt nước mắt để cố vui vẻ, hay cảnh diễn ông Sơn ôm Thư khóc trước cửa nhà ông bà thông gia. Khi phát lại những cảnh này, tôi đã không dám xem lại nữa vì những cảnh diễn đó quá ám ảnh đối với mình.

 Con dâu nào cũng ước ao có “mẹ chồng quốc dân” như bà Giang

Nghệ sĩ Bảo Thanh: Con dâu nào cũng ước ao có “mẹ chồng quốc dân” như trong phim

Tôi thấy thương nhất là nhân vật bà Giang, mẹ chồng của Thư. Đặc biệt là cảnh bà Giang chạy ra nhìn theo taxi của con dâu và cháu khi Thư bỏ về nhà, bà chỉ biết khóc mà không nói được câu nào. Cảnh diễn đó cô Ngân Quỳnh thể hiện vai bà Giang rất hay. Tôi cũng như khán giả đều thấy ở bà Giang một mẫu phụ nữ của gia đình Việt. Bà vừa làm tốt bổn phận người vợ của mình, nhưng cũng làm tốt vai trò của một mẹ chồng mà cư dân gọi là “mẹ chồng quốc dân”. Bất cứ cô con dâu nào trong xã hội này cũng đều ao ước có được một bà mẹ chồng như vậy. Biết con dâu cũng có sai lầm khi ký hợp đồng hôn nhân làm vợ hờ của con trai mình nhưng bà không trách mắng và biết Thư còn trẻ người non dạ, bà luôn là người vun đắp tình cảm cho con dâu và con trai. Mẫu nhân vật mẹ chồng như bà Giang điển hình cho tính cách của người phụ nữ Việt Nam đảm đang, chăm chồng chăm con. Tôi cũng có con trai và sau này cũng sẽ làm mẹ chồng, nhân vật bà Giang là một nhân vật đáng để tôi và nhiều người học tập. Điều thành công của bộ phim đó là phản ánh chân thật các mối quan hệ của các thành viên trong gia đình. Trừ nhân vật bà mẹ chồng có phần hoàn hảo, thì các nhân vật trong phim ai cũng có mặt tốt, mặt xấu và khán giả đều thấy chút ít bóng dáng của mình, của người thân trong bộ phim này. Qua cách suy nghĩ và hành xử của các nhân vật, mỗi người tự học hỏi được một điều gì đó, giúp hoàn thiện cho bản thân để cuộc sống gia đình trở nên tốt đẹp hơn. 

THÚY HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top