Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Takashi Murakami - một biểu tượng của nghệ thuật đương đại

Thứ Hai 05/08/2019 | 09:52 GMT+7

VHO- “Nguồn gốc nghệ thuật của tôi nằm trong những trải nghiệm ở nửa đầu thập niên 1970, khi Nhật Bản vẫn đang trong đà hồi sinh sau khi thất bại ở Thế chiến II”, Takashi Murakami chia sẻ trong bài viết trên CNN.

Triển lãm MURAKAMI vs MURAKAMI tại phòng trưng bày Nghệ thuật đương đại JC, Hong Kong Ảnh: KITMIN LEE

“Tôi chưa bao giờ nổi trội trong việc vẽ tranh”

Triển lãm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ nổi tiếng Takashi Murakami tại phòng tranh đương đại JC ở Hong Kong (Trung Quốc) mới đây đã tạo nên một tiếng vang lớn đối với giới phê bình, truyền thông quốc tế cũng như những người yêu nghệ thuật trên toàn thế giới. Với tiêu đề MURAKAMI vs MURAKAMI, triển lãm trưng bày những tác phẩm đặc sắc nhất của tác giả. “Triển lãm đi sâu vào việc lột tả nhiều mặt trong vũ trụ tâm hồn của người nghệ sĩ, sử dụng các tác phẩm hậu hiện đại có quy mô lớn đến hình ảnh bông hoa mặt cười biểu tượng”, theo mô tả của phòng tranh.

Được yêu mến từ những nhân vật mang tính biểu tượng như bông hoa Kiki Kaikai rực rỡ hay nhân vật Hiropon nhưng ít ai biết, Murakami có một khởi đầu không mấy hào nhoáng. Trở lại những năm 1980, khi mới bắt đầu sự nghiệp của mình, ông không có địa vị đặc biệt như một người nghệ sĩ. “Tôi chưa bao giờ là người nổi trội trong việc vẽ tranh”, ông chia sẻ với tờ Artsy trong bài phỏng vấn vào đầu tháng 4 năm nay. Không có lấy một tác phẩm nghệ thuật tạo tiếng vang, Murakami của những năm 1980 chỉ là một “học sinh bất mãn, chán nản với lối giáo dục bảo thủ và mơ ước những điều tốt đẹp hơn”, theo nhận định của chính ông.

Takashi Murakami có buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của mình vào năm 1989, tại phòng trưng bày Ginza Surugadai của Tokyo và bắt đầu tổ chức những buổi triển lãm nhỏ lẻ từ Nhật Bản đến thành phố New York (Mỹ) vào khoảng thời gian đó. Theo chia sẻ của nghệ sĩ, ông luôn cho rằng New York là một trong những trung tâm quan trọng của nghệ thuật.

Những nguồn cảm hứng tạo nên Murakami

Những kinh nghiệm ban đầu đã giúp định hình cái nhìn về nghệ thuật vô cùng độc đáo của Murakami, mà sau này góp phần tạo nên biểu tượng toàn cầu về nghệ thuật đương đại.

Từng theo học khóa đào tạo về Nihonga (hội họa truyền thống Nhật Bản), nhưng đây là trường phái ít góp phần tạo nên các thành công sau này của Takashi. Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Artsy, ông cho rằng Nihonga là lối vẽ tranh nhàm chán và buồn tẻ khi “đặt các sắc tố khoáng chất đã nghiền nát trên giấy washi”. Ông cũng nhận định: “Nihonga không phải một thể loại mà tài năng có thể nở rộ bởi nội dụng quá khôn ngoan. Đây thực tế là các bức tranh được mô phỏng một cách kém tinh tế hơn tác phẩm của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn Tượng”. Các tác phẩm hội họa Nihonga thời kỳ này đều mang đậm màu sắc chính trị, được lựa chọn bởi các phòng tranh vì các yếu tố liên quan đến tranh giành quyền lực. Chính vì vậy, nhiều họa sĩ trẻ không có chỗ để thể hiện tài năng của họ.

Các tác phẩm nghệ thuật đời đầu của Murakami được thai nghén trong thời kỳ đỉnh cao của bong bóng kinh tế Nhật Bản. Đây là thời kỳ đồng Yên có tỉ giá cao so với đồng đô la Mỹ cùng tốc độ tăng trưởng GDP vượt bậc. Tuy nhiên, đi cùng với đó chính là sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng, tác động nhiều đến quan điểm và hoạt động của thị trường nghệ thuật. Lúc này, thị trường nghệ thuật dù còn nhiều hạn chế nhưng đã bắt đầu có cách vận hành tương tự thế giới nghệ thuật đương đại ngày nay. Các tác phẩm của Murakami trong suốt thập niên 80 và 90 thường lấy cảm hứng từ truyện tranh Nhật Bản - một đế chế bất diệt kể từ thời hậu chiến. Cảm hứng từ truyện tranh đã giúp Takashi Murakami tạo nên nhân vật Hiropon (1997), một trong những tác phẩm dựng nên những quy tắc hoàn toàn mới để về thiết kế hình dạng con người.

Di sản văn hóa đại chúng Nhật Bản là nguyên tắc cơ bản đối với nghệ thuật của Murakami. Vào thập niên 80, với sự phát triển của nền văn hóa dân gian hiện đại, ông quyết định biến nghệ thuật của mình thành những điều hữu ích trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản. Trận động đất và sóng thần tấn công vào Nhật Bản năm 2011 là một bước ngoặt lớn đối với Murakami cũng như nghệ thuật của ông. Trả lời phỏng vấn của CNN, ông chia sẻ: “Đối mặt với thực tế là hàng chục ngàn người có thể bị cướp đi mạng sống bởi một thảm họa tự nhiên, tôi hoàn toàn hiểu được lý do vì sao tại Nhật Bản, nhiều người tin vào các vị thần, thay vì một tôn giáo nhất định”. Đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo được thể hiện trong bộ đôi tác phẩm KiKi và KaiKai nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của người nghệ sĩ 57 tuổi.

Ở thời điểm hiện tại, các tác phẩm của Takashi được trưng bày khắp mọi nơi, từ Cung điện Versailles đến các triển lãm đấu giá. Đồng thời, ông cũng hợp tác với nhiều đế chế thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, các nhà thiết kế có tên tuổi như Virgil Abloh. Chỉ riêng tại Tokyo, các tác phẩm thương mại mang tên Takashi Murakami cũng có thể được nhìn thấy từ cửa sổ của các khu phức hợp Roppongi Hills hoặc đài truyền hình Tokyo MX. 

 THỤC LINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top