Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Về chuyện  “Thầy già, con hát trẻ" ở Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc: “A Sử, A Phủ, cả Mỵ... cũng khó giữ chân họ ở lại”

Thứ Sáu 09/08/2019 | 10:51 GMT+7

VHO- Một buổi chiều, tháng ngâu mưa nắng bất chợt trên khoảng sân vắng lặng, bỗng tiếng sáo vang lên, rồi tiếng khèn, tiếng đàn. Những dãy nhà cũ kỹ, chắp vá, rêu mốc như đang ngủ quên bừng tỉnh. “Các anh đang tập để đi diễn ở đâu vậy?”.

 Cảnh trong vở diễn “Mỵ”

“Văn ôn, võ luyện cho nghệ sĩ không quên nghề, cho thạo để có việc là... lên đường. Còn diễn thì trưa nay ban giám đốc gặp đối tác, mặc cả đứt lưỡi họ mới nâng từ 3 triệu lên 6 triệu cho 1 chương trình biểu diễn 40 người”, NSND Nông Xuân Ái, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc chia sẻ.

Vỡ kế hoạch diễn “Mỵ”

Với vở kịch múa Mỵ chuyển thể từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2018, giành giải Ấn tượng toàn đoàn, giải Biên đạo xuất sắc, cái tên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc xuất hiện trở lại trên các trang báo, được dư luận nhắc đến với sự háo hức tò mò vì muốn diện kiến “Mỵ”. Các nghệ sĩ của Nhà hát cũng háo hức với giấc mơ “được sống bằng nghề” cùng Mỵ khi được Công ty du lịch Nam Hưng ký hợp đồng biểu diễn phục vụ khách du lịch với giá 60 triệu/ đêm.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau 2 đêm diễn tại Hà Nội dịp đầu năm, kế hoạch biểu diễn Mỵ phục vụ du khách rơi vào ... im lặng do phía đối tác chưa chọn được địa điểm biểu diễn đáp ứng các tour du lịch đặt trước hằng năm. Giá cả thuê địa điểm cũng là vấn đề khiến đối tác “nâng lên đặt xuống”. Trong khi chưa có tín hiệu “sáng đèn” từ phía đối tác thì Nhà hát lại vấp phải khó khăn về nguồn nhân lực. “Theo Nghị định 161/2018/ NĐ-CP ngày 29.11.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị công lập, Nhà hát là đơn vị sự nghiệp không được phép ký các hợp đồng lao động. Trong nghệ thuật “thầy già, con hát trẻ” được xem là vấn đề mấu chốt quyết định thành công và hướng phát triển của nhà hát. Nhà hát chúng tôi có 8 hợp đồng lao động. Họ được tuyển dụng từ hơn 10 năm nay. Những thành công của Nhà hát, sự khởi sắc của Nhà hát trong giai đoạn gần đây tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc đều có sự đóng góp quan trọng của họ, nếu không nói là “nhờ họ” - NSND Nông Xuân Ái nói.

Đó là biên đạo Nguyễn Anh Đức; diễn viên múa Lưu Tiến Kiên; Công Phương, Hoài Thu, Triệu Thái Mị... Nguyễn Anh Đức là biên đạo của chương trình giành HCV; Lưu Tiến Kiên đoạt giải diễn viên múa xuất sắc; Công Phương đóng vai A Sử, Hoài Thu vai Mỵ trong vở kịch múa Mỵ; Triệu Thái Mị là diễn viên thổi kèn lá xuất sắc... Trong số này, Triệu Thái Mị là cái tên được nhiều nơi, nhiều tỉnh chào mời. Thu nhập bình quân từ biểu diễn bên ngoài của Triệu Thái Mị dao động từ 20-30 triệu đồng/ tháng. Mị tự nguyện trích cho Nhà hát 6 triệu/ tháng để bổ sung quỹ lương hợp đồng” - NSND Nông Xuân Ái nói.

Cũng theo ông Ái, nếu các diễn viên hợp đồng này không được xét vào biên chế, Nhà hát sẽ mất họ và đương nhiên các chương trình có họ tham gia sẽ bị ảnh hưởng. Riêng vở Mỵ sẽ không thể biểu diễn nếu các diễn viên đóng Mỵ, A Phủ, A Sử rời bỏ Nhà hát. Nếu có người thay thế tại chỗ, cũng khó có thể đạt được chất lượng. “Hiện tại Nhà hát đang có hai diễn viên nữmúa sinh năm 1969 vẫn đang lên sân khấu biểu diễn. 50 tuổi mà vẫn phải múa, dù diễn viên yêu nghề đến mấy cũng khó tạo nên sức hấp dẫn cho khán giả. Trong bối cảnh sân khấu phải đi tìm khán giả, cạnh tranh khốc liệt với các loại hình giải trí hiện đại như hiện nay thì việc các nhà hát phải sử dụng các diễn viên lớn tuổi nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thực sự là bài toán đau đầu ở các đoàn nghệ thuật”, ông Ái khẽ thở dài.

 Vở kịch múa “Mỵ” sẽ “lưu kho” nếu các diễn viên hợp đồng trẻ đóng vai Mỵ, A Phủ, A Sử... rời nhà hát

Và những nghịch lý

Không đơn thuần là một đoàn nghệ thuật với nhiệm vụ chính là biểu diễn, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc còn có nhiệm vụ quan trọng là sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, nghệ thuật dân gian của các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Việc sưu tầm đã không dễ, phục dựng và bảo tồn, phát huy các động tác, vũ điệu, giai điệu, nâng nótrở thành ... nghệ thuật và được lưu giữ trong một không gian sống động của một nhà hát chuyên nghiệp lại càng khó trong bối cảnh kinh phí eo hẹp.

“Chúng tôi xây dựng dự toán cho kế hoạch năm 2019 là 1,3 tỉ đồng. Thời điểm này, tháng 8 rồi vẫn đang chờ phê duyệt. Hôm trước tôi gọi điện cho một sốnhạc sĩ gạo cội mời họ dàn dựng chương trình, họ nói: “Mời tôi bây giờ phải bằng USD”. Chưa có tiền nên đành chờ . Trong lúc chờ thì vẫn phải sống. Ở đâu không biết, ở đây (Thái Nguyên- nơi Nhà hát đóng trụ sở) sự kiện gì họ cũng yêu cầu hoặc mời Nhà hát tham gia, nhưng kinh phí thì thấp một cách không tưởng. Một chương trình nghệ thuật có 40 người tham gia biểu diễn, phục vụ, đòi hỏi phải vác cả âm thanh, ánh sáng đến nơi tổng duyệt, thêm buổi biểu diễn chính thức là 2... vậy mà chỉ trả 3 triệu đồng. Tôi đòi 10 triệu, nâng lên đặt xuống, mặc cả nát nước cả bữa cơm trưa họ chốt 6 triệu. Vẫn phải biểu diễn, vì đó là nhiệm vụ”, ông Ái than thở.

Trong cơn mưa ngâu sập sùi, tiếng khèn vang lên buồn bã từ sàn tập của Nhà hát. “ Anh em yêu nghề nên dù không có tiền, dù lương vài triệu họ vẫn ngày ngày tập luyện. Vũ điệu của các dân tộc muốn nâng lên thành nghệ thuật thì phải luyện cho thạo, cho mượt. Mà phải tập theo tổ hợp để khi đưa vào chương trình là diễn viên nhập cuộc được ngay”, ông Ái tiếp tục câu chuyện, để rồi loanh quanh lại vòng về vấn đề nguồn nhân lực, đội ngũ nghệ sĩ trẻ và bản hợp đồng mà Nhà hát và nhiều đoàn nghệ thuật không được phép ký.

Không vô cớ khi các cụ ngày xưa nói: “Thầy già, con hát trẻ” trong nghệ thuật. Đã không vô cớ, đã là yếu tố không thể thiếu để phát triển nghệ thuật thì tại sao lại tự buộc chân mình? Có lẽ, với các đoàn nghệ thuật, Nhà nước cần phải có một cơ chế đặc thù để nghệ thuật cất cánh. 

  … Một chương trình nghệ thuật có 40 người tham gia biểu diễn, phục vụ, đòi hỏi phải vác cả âm thanh, ánh sáng đến nơi tổng duyệt, thêm buổi biểu diễn chính thức là 2... vậy mà chỉ trả 3 triệu đồng. Tôi đòi 10 triệu, nâng lên đặt xuống, mặc cả nát nước cả bữa cơm trưa họ chốt 6 triệu. Vẫn phải biểu diễn, vì đó là nhiệm vụ.

(NSND Nông Xuân Ái, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)

 

 NGUYỆT NHI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top