Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Thủ tướng: Phải lo những vấn đề thiết thực, cụ thể với người lao động

Thứ Tư 25/09/2019 | 21:31 GMT+7

VHO- Nhắc lại chuyến thị sát chiều 19.5.2018 khi đến kiểm tra việc xây dựng khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn 2, Hà Nam, dự án đầu tiên trong chuỗi 50 dự án thiết chế của công đoàn tại các địa phương, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Bao giờ khu nhà ở Hà Nam khánh thành?”…

Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc

Sáng 25.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc thường kỳ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) để đánh giá kết quả thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020.

Tại cuộc làm việc lần trước, Thủ tướng đã kết luận giao 15 nhiệm vụ cho các cơ quan phối hợp xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn. Đến nay các cơ quan chức năng báo cáo đã thực hiện được 10 nhiệm vụ, đang thực hiện 5 nhiệm vụ.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn, về chính sách khám chữa bệnh theo chế độ BHYT ngoài giờ làm việc, thời gian qua, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực, điều kiện vật chất để thực hiện việc khám chữa bệnh theo chế độ BHYT cho người lao động ngoài giờ, vào ngày nghỉ, ngày lễ, giải quyết quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động.

Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn, vẫn còn nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt yêu cầu này, xuất phát từ các vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất, chế độ thanh toán thời giờ làm thêm quá thời gian quy định của pháp luật về lao động mang tính đặc thù của ngành y tế.

Trước phản ánh này, tại cuộc họp, Thủ tướng nhắc nhở đại diện Bộ Y tế là phải có kế hoạch thực hiện chủ trương nói trên, báo cáo Thủ tướng; giao Bộ Y tế nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám, chữa bệnh cho công nhân.

Về cơ chế chính sách liên quan đến dự án đầu tư xây dựng thiết chế của Công đoàn, Tổng Liên đoàn tập trung triển khai đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam, để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án tại Hà Nam, đến nay Tổng Liên đoàn cho biết gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, như về cơ chế giao đất; chủ thể ký hợp đồng cho thuê, bán căn hộ; nguồn vốn…

Sau khi nghe phản ánh này, Thủ tướng cho rằng, địa phương cần quan tâm vấn đề nhà ở công nhân, trong đó có việc bố trí quỹ đất, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của địa phương. “Bây giờ tôi nói ví dụ như là những siêu thị bán lẻ cho công nhân làm ngoài giờ thì buổi khuya họ mới về thì anh phải trực để bán hàng. Người có thẻ đoàn viên Công đoàn thì anh miễn giảm 3-5% để ưu tiên chuyện này, từ mớ rau đến thực phẩm khác. Những việc rất cụ thể như vậy chứ không phải chúng ta nói việc trên trời về thiết chế công đoàn. Quyền lợi của người lao động trong chuyện này rất quan trọng mà chúng ta là người xử lý giải quyết, để đưa thiết chế công đoàn vào cuộc sống”, Thủ tướng nói.

“Bao giờ khu nhà ở Hà Nam khánh thành”, Thủ tướng nhắc lại chuyến thị sát chiều 19/5/2018 khi đến kiểm tra việc xây dựng Khu thiết chế công đoàn tại KCN Đồng Văn 2, Hà Nam, dự án đầu tiên trong chuỗi 50 dự án thiết chế của công đoàn tại các địa phương. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn cho biết, cuối năm này sẽ có căn hộ đầu tiên bàn giao cho đoàn viên công đoàn. Từ kết quả này, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn làm việc với 33 tỉnh, thành phố thống nhất quỹ đất, thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư thiết chế công đoàn…

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng các bộ, các ngành đã nghiêm túc thực hiện 15 nội dung đã được kết luận tại phiên họp trước, đã hoàn thành 10 nội dung, 5 nội dung đang triển khai. Thủ tướng đề nghị đưa 5 nội dung đang triển khai này vào văn bản nhằm thúc đẩy, đưa chủ trương đi vào cuộc sống, không để “nói mà không làm”.

Thủ tướng nêu rõ, công tác phối hợp được tăng cường, đi vào nề nếp, thực chất hơn, đạt được một số kết quả tích cực giúp mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình,  góp phần vào những thành tựu chung của đất nước. Giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam bằng sự cần cù, sáng tạo, miệt mài lao động, sản xuất, không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ mới, làm ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh, góp sức cùng cả nước làm nên những chỉ số kinh tế - xã hội ấn tượng.

Theo Thủ tướng, 9 tháng năm 2019, kinh tế tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực, dự kiến 12/12 chỉ tiêu năm nay đều đạt và vượt. Trong đó, chúng ta đã giải quyết cho 1 triệu người có việc làm mới. Môi trường kinh doanh được cải thiện nhanh, rõ nét, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp, người dân ghi nhận.

Mới đây, tạp chí US News &World Report vừa xếp hạng Việt Nam thuộc trong 20 quốc gia tốp đầu, đứng thứ 8/80 quốc gia có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư, cao hơn cả Chile (9/80) và New Zealand (10/80).

Thủ tướng đánh giá Tổng Liên đoàn và các bộ, ngành đã tăng cường phối hợp trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật,  đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động như xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn 2012  sửa đổi,  tham gia xây dựng thực hiện Đề án của Chính phủ về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội… Đây được xem là sự phối hợp lớn nhất giữa hai bên.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giữa Tổng Liên đoàn và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục được kết quả tốt, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến người lao động.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhìn nhận đời sống của một bộ phận người lao động vẫn còn khó khăn. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT, nợ đọng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp vẫn diễn ra ở một số địa phương. Việc xây dựng 50 thiết chế công đoàn còn gặp những vướng mắc về Luật Đất đai,  Luật Kinh doanh bất động sản,  Luật Đầu tư,  Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công. Vấn đề này chúng ta đã phát hiện và sẽ tiếp tục xử lý, Thủ tướng nói.

Về định hướng phối hợp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại của đất nước, tác động của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra cho đất nước và tổ chức công đoàn nhiều vấn đề phải suy nghĩ phối hợp giải quyết tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại, đi tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Bên cạnh đó, giai cấp công nhân phải tiếp tục chủ động tiên phong trong tiếp cận tri thức mới, làm chủ khoa học công nghệ để khẳng định vị trí vai trò của mình.

Tổng Liên đoàn cần tiếp tục tham gia hiệu quả tích cực hơn nữa công tác xây dựng thể chế, thực hiện phản biện xã hội, nhất là đối với các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức công đoàn. Hai bên phải tập trung nghiên cứu kỹ việc sửa đổi Bộ luật Lao động, nhất là những nội dung quan trọng có ảnh hưởng tác động lớn đến xã hội như vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, tăng số ngày nghỉ…

Phải quan tâm, lo những vấn đề thiết thực cụ thể với người lao động như bữa ăn hằng ngày, an toàn thực phẩm. Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể và doanh nghiệp dịch vụ cung cấp suất ăn, chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động tại các KCN, khu chế xuất.

“Tôi cũng đề nghị các bộ có mặt hôm nay tiếp thu đầy đủ, phối hợp tốt hơn với TLĐLĐ Việt Nam để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lao động và việc làm, tạo động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, đời sống người lao động ngày càng đầy đủ, sung túc hơn”, Thủ tướng nói.

Về đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ Tổng Liên đoàn từ 1.000 - 2.000 tỉ đồng để tập trung triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội tại 50 thiết chế của công đoàn, Thủ tướng đồng ý chủ trương, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu; rà soát, tổng hợp phương án phân bổ để ghi vốn trung hạn 2021-2025 một khoản kinh phí để hỗ trợ cho những thiết chế công đoàn.

CHINHPHU.VN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top