Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Vì sao chợ Yến ở Phú Yên vắng tiểu thương: Họ vẫn giữ “chợ tan thì làng mạt”

Thứ Sáu 27/09/2019 | 09:53 GMT+7

VHO- Chợ Yến (mới) thuộc xã An Hòa, huyện Tuy An (Phú Yên) được đầu tư xây dựng khang trang, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kinh doanh, mua bán. Dù đã chính thức được đưa vào hoạt động hơn một tháng nay nhưng chợ Yến (mới) vắng bóng tiểu thương, chỉ có một vài hộ buôn bán trong các ki ốt giữa.

Chợ Yến mới được xây dựng khang trang, nhưng hiện nay ít tiểu thương đến kinh doanh, buôn bán

Việc di dời chợ Yến (cũ) về chợ Yến (mới) chỉ cách 400m đã phát sinh phức tạp về an ninh trật tự, trong đó một số hộ dân không đồng thuận dẫn đến khiếu nại vượt cấp và kéo dài.

Chợ vắng bóng tiểu thương

Chợ Yến cũ đã có từ nhiều thập kỷ trước thuộc hai thôn Nhơn Hội - Hội Sơn với diện tích gần 2.000m2. Năm 1994, UBND xã An Hòa đã nâng cấp, xây dựng lại chợ Yến gồm một nhà chợ chính với diện tích 410,6m2 và 19 ki ốt xung quanh chợ để phục vụ việc buôn bán của người dân trên địa bàn cho đến nay. Từ khi có thông báo của UBND xã An Hòa cho di dời chợ Yến cũ đến chợ Yến mới, các tiểu thương tại chợ Yến cũ nhất quyết không chuyển đến khu chợ mới, vì cho rằng không thuận lợi để buôn bán, cũng như kinh phí bồi thường, hỗ trợ quá trình giải tỏa không đủ bù cho việc chuyển đến chỗ mới để kinh doanh, buôn bán.

Theo UBND xã An Hòa, hơn 10 năm nay, qua nhiều lần cử tri kiến nghị chợ Yến cũ (thôn Nhơn Hội - Hội Sơn) quá tải, chật hẹp, gây ách tắc giao thông, chính quyền nên tìm quỹ đất rộng để xây dựng chợ mới rộng rãi hơn. Năm 2011, UBND xã lập đề án xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí quốc gia (trong đó có tiêu chí chợ), đồng thời theo Quyết định số 3253/ QĐ-UBND ngày 30.12.2016 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh Phú Yên, trong đó chợ Yến xã An Hòa thuộc danh mục phải di dời và xây dựng mới vì không phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, nên xã An Hòa đã quyết định đầu tư xây dựng mới chợ Yến tại thôn Nhơn Hội, với diện tích 3.387 m2, bao gồm hệ thống khu chợ chính, ki ốt, nhà giữ xe, nhà vệ sinh, hệ thống thoát nước, đảm bảo cho hàng trăm tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Song kể từ ngày UBND xã An Hòa ra Thông báo số 157/TB-UBND về thời gian di dời chợ Yến cũ - thôn Nhơn Hội đến vị trí chợ Yến mới vào ngày 29.5.2019 thì một số hộ dân vẫn không đồng tình di dời từ chợ Yến cũ đến chợ Yến mới.

Một số tiểu thương tại chợ Yến cũ và bà con thôn Nhơn Hội và Hội Sơn cho rằng, không đồng tình với cách làm việc của chính quyền địa phương. Trước khi có quy hoạch xây dựng chợ Yến mới, UBND xã An Hòa đã không mở cuộc họp công khai để lấy ý kiến hoặc lắng nghe nguyện vọng của bà con. Chỉ chờ đến khi xây xong chợ Yến mới thì chính quyền địa phương mới ra thông báo di dời. Không những vậy bà con còn quan niệm, “chợ tan thì làng mạt”, nếu chợ xuống cấp thì họ sẵn sàng vận động các tiểu thương, người dân đóng góp để nâng cấp và sắp xếp lại cho phù hợp hơn. Nếu tiểu thương nào có đủ điều kiện thì chuyển lên buôn bán ở chợ mới, những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ xin ở lại chợ cũ tiếp tục buôn bán để mưu sinh.

Ngược lại, một số tiểu thương đang buôn bán tại chợ Yến mới chia sẻ, hiện nay, chợ Yến cũ đã xuống cấp, chật hẹp, không có nhà giữ xe nên bà con đi chợ đều dựng xe trên lòng lề đường, gây ách tắc giao thông, nhất là ngày rằm, lễ, Tết. Chưa kể, trần bê tông các ki ốt đã bong tróc, có nhiều vết nứt không an toàn nếu tiếp tục bán tại chợ cũ. Từ khi chuyển về chợ mới, mọi người được kinh doanh ở kiốt giữa chợ, rộng rãi, thoáng mát, không còn chịu cảnh cứ mưa xuống là lo lắng như trước nữa. Chợ Yến mới rộng rãi, có nhà để xe, nhà vệ sinh, thoáng mát không phải chen lấn như trong chợ cũ.

 Xây dựng trên hàng chục năm nay, nhiều hạng mục tại chợ Yến cũ đã xuống cấp trầm trọng

Cần vì cái chung phát triển

Ngày 24.9, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến việc tháo dỡ công trình chợ Yến cũ (xã An Hòa ), Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành cho biết: Chợ Yến mới được xây dựng phù hợp với quy hoạch nông thôn mới. Hiện nay chợ đã hoàn thiện với diện tích gần 4.000 m2, kinh phí gần 6 tỉ đồng. Việc tháo dỡ chợ Yến cũ để dời đến chợ Yến mới (cách chừng 400m) là cần thiết, góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế-xã hội và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện. UBND huyện mong muốn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân địa phương. Riêng vị trí chợ Yến cũ được quy hoạch để xây dựng công viên vì qua lấy ý kiến, đa số nhân dân đồng thuận với tỉ lệ 71,47%. Kinh phí xây dựng công viên theo hình thức xã hội hóa với số tiền khoảng 1 tỉ đồng.

Cũng theo ông Bùi Văn Thành, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Tuy An đã thực hiện công tác đền bù hỗ trợ cho các hộ có ki ốt buôn bán tại chợ Yến cũ. Hiện có 10 hộ được kiểm đếm và đồng ý nhận hỗ trợ với kinh phí hơn 904 triệu đồng, còn 6 hộ chưa cho kiểm đếm. Chợ Yến mới đã có tiểu thương hoạt động kinh doanh, trong số 22 ki ốt được xây dựng bàn giao và thống nhất giá cho thuê 21 ki ốt, còn 1 ki ốt sẽ thực hiện đấu giá. Các cơ quan, đoàn thể đang nỗ lực, tiếp tục thực hiện vận động hộ kinh doanh bàn giao các ki ốt chợ cũ và thông báo rộng rãi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tiểu thương khi di chuyển về chợ mới, cụ thể là việc không thu giá dịch vụ chợ trong thời hạn 6 tháng.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Tuy An Đinh Hồng Nga chia sẻ, từ đây cho đến ngày 27.9, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện tháo dỡ chợ Yến cũ gồm: nhà chính, các ki ốt của hộ dân đã đồng ý nhận tiền hỗ trợ; các ki ốt còn lại (6 hộ) các ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động hộ dân dời đến chợ mới kinh doanh, buôn bán. Bởi, dời đến chợ Yến mới tại thôn Nhơn Hội sẽ tạo diện mạo mới cho xã An Hòa, thực hiện hiệu quả các tiêu chí về nông thôn mới; cũng như thông qua lượng khách đến điểm du lịch của Danh thắng Hòn Yến tham quan, sẽ tạo điều kiện giúp tăng sức mua hàng hóa ở chợ Yến mới, góp phát triển kinh tế-xã hội địa phương. 

 PHAN HIẾU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top