Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Quấy rối tình dục bị phạt từ 3-5 triệu đồng, liệu đủ sức răn đe?

Thứ Hai 30/09/2019 | 10:36 GMT+7

VHO- Bộ Công an vừa công bố dự thảo bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013-NĐ-CP để lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương. Theo dự thảo này, Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.

 Các mức đề nghị này đã tăng cao hơn nhiều so với Nghị định 167 vì trước đó những hành vi sàm sỡ chỉ bị phạt số tiền 200.000 đồng, trong khung từ 100.000-300.000 đồng. Trước những đề xuất này, Văn Hóa đã ghi nhận một số ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý.

Đề nghị mức phạt phải là 30 triệu đồng

Mức phạt 200.000 đồng với người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục được quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP là quá buồn cười, thà rằng không phạt còn hơn. Việc tăng mức án phạt này lên từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng của dự thảo sửa đổi cũng chẳng thấm tháp gì so với hậu quả mà người bị hại phải gánh chịu. Tôi đề nghị mức phạt cao nhất là 30 triệu đồng và hơn thế nếu những hành vi có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người bị hại thì những kẻ dâm ô ấy phải bị đưa ra tòa xử lý hình sự.

Liệu việc phạt tiền có đủ để bồi thường cho những cú sốc tâm lý, tình cảm và khiến nhiều phụ nữ, trẻ em bị kéo dài tinh thần hoảng loạn hay không? Những ám ảnh ấy còn đi theo suốt cuộc đời của họ. Việc quấy rối tình dục xảy ra nhan nhản ở khắp nơi, từ thang máy, công viên, xe buýt cho tới ngay cả công sở… Sự bất ổn, không an toàn đối với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng không thể nào xảy ra đối với các nước văn minh, có nhiều nước mới chỉ dừng ở tin nhắn, lời nói thì những kẻ dâm ô đã có thể đi tù rồi. Kèm theo các mức xử phạt thì cũng cần áp dụng những hình thức như ra thông báo, dán ảnh những kẻ dâm ô ở nơi ở của họ, việc cảnh cáo trên các phương tiện truyền thông cũng như bị công khai danh tính không chỉ khiến những đối tượng vi phạm sợ mà có giá trị cảnh cáo đối với những người khác.

(PGS.TS LÊ THỊ QUÝ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển)

Cần phải định nghĩa cụ thể các mức độ hành vi quấy rối tình dục và dâm ô

Theo tôi, Nghị định cần định nghĩa và quy định cụ thể từng mức độ của các hành vi quấy rối tình dục và dâm ô. Với những hành vi vi phạm như lời nói tán tỉnh, trêu ghẹo tục tĩu thì có thể chấp nhận mức xử phạt là 3 đến 5 triệu đồng. Với những hành vi động chạm vào vùng nhạy cảm, sờ soạng vùng kín thì không thể xử phạt nhẹ như cái nhìn gợi tình hay lời nói mà phải áp dụng khung xử phạt cao nhất của Nghị định.

Với những hành vi nghiêm trọng hơn như tấn công, chặn không cho nạn nhân thoát thân hoặc lợi dụng địa vị, chức quyền để quấy rối tình dục gây ảnh hưởng nghiêm trọng như tội dâm ô sàm sỡ bé gái trong thang máy của Nguyễn Hữu Linh mà công luận lên án vừa qua thì không còn dừng ở mức xử phạt tiền cao nhất mà còn phải đi tù. Những hậu quả của quấy rối tình dục, dâm ô không thể nhìn thấy trước mắt mà còn ảnh hưởng tới danh dự, hạnh phúc gia đình cũng như sang chấn tâm lý của nạn nhân rất lớn. Chúng ta đang thiếu chế tài xử lý pháp lý về quấy rối tình dục, thiếu định nghĩa xác định cụ thể về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong phòng chống quấy rối.

(TS KHUẤT THU HỒNG, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội)

Tội danh quấy rối tình dục cần đưa vào Bộ luật Hình sự

Những đối tượng sàm sỡ, xâm hại, quấy rối, thậm chí là tấn công tình dục đối với phụ nữ chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt rất nhẹ. Nguyên nhân là do quấy rối tình dục chưa được đưa vào Bộ luật Hình sự như một tội danh. Luật pháp hiện hành chưa có quy định về bù đắp những tổn thương cho người phụ nữ, ở các nước khác hình phạt rất nặng… Chẳng hạn nạn nhân bị sốc về tâm lý, bị ảnh hưởng về sức khỏe nhưng không đi làm được… Tất cả hình phạt đều nhằm vào thủ phạm, thương tổn của nạn nhân chưa được đề cập đến.

Dự thảo Nghị định xử phạt hành vi này chỉ là một ý nhỏ trong nghị định, quy định rất chung chung, không rõ các mức độ. Có cảm giác Nhà nước đang quan tâm đến những thứ hữu hình hơn, quan trọng về tài sản hơn là danh dự… Tôi đề nghị mức xử phạt ở khung cao nhất của Nghị định để cơ chế xử phạt phải đủ sức răn đe.

(NSND HOÀNG QUỲNH MAI)

Cần phải đưa ra khái niệm cụ thể

Trong thời gian qua, dư luận cả nước vô cùng bức xúc trước tình trạng người đàn ông có những hành vi quấy rối đối với trẻ em và phụ nữ ở nơi công cộng. Sau khi sự việc được phát hiện mặc dù có chế tài xử lý nhưng lại rất thấp với mức xử phạt hành chính chỉ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng là chưa thỏa đáng. Hiện nay, qua nội dung sửa đổi Dự thảo của Bộ công an đã tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia và nội dung phản ánh của người dân về việc nâng cao mức phạt là một việc làm cần thiết và kịp thời để xử lý mạnh tay các hiện tượng xã hội vẫn diễn ra hàng ngày nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để ngăn chặn vi phạm pháp luật. Tuy nhiên,Bộ Công an cần phải đưa ra khái niệm cụ thể về hành vi sàm sỡ, thế nào là khiêu dâm nơi công cộng... mới có thể áp dụng nghiêm trong xử lý vì hiện chưa có văn bản quy định. Khi các hành vi này được định danh và cho vào điều khoản cụ thể, việc theo dõi và áp dụng xử phạt mới hiệu quả, có tác dụng răn đe, tránh trường hợp "mỗi cơ quan hiểu theo một kiểu".

Ở các nước phương Tây, quấy rối tình dục được coi là trái pháp luật và có chế tài cụ thể xử lý tương ứng với từng mức độ của hành vi. Tuy nhiên, tại Việt nam, hành vi quấy rối tình dục lại thường bị bỏ qua nếu nó chưa thực sự gây ra những hậu quả nghiêm trọng, hơn nữa hậu quả của hành vi rất khó chứng minh. Việc xử lý vi phạm hành chính đối với người quấy rối có hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” thì bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, việc luật hóa, mô tả đầy đủ hành vi “quấy rối tình dục” với những hành vi, cử chỉ, cách cư xử hướng vào sự khác biệt giới tính, với ý đồ lành mạnh là hết sức hiệu quả để không “bỏ lọt” các hành vi vi phạm pháp luật, “bỏ lọt” các tội phạm liên quan đến “quấy rối tình dục” ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức và gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, đây có thể là cơ chế pháp luật mới, hữu hiệu để bảo vệ phụ nữ và trẻ em là những đối tượng “yếu thế” trong xã hội cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ (Công ty TNHH Luật TAT)

HIỀN LƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG (ghi)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top