Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hãy bằng lòng đi, miễn là khán giả chấp nhận

Thứ Tư 02/10/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- “Qua liên hoan lần này sự áp đảo đề tài quá khứ là bộc lộ rõ ràng nhất, cho thấy các đơn vị nghệ thuật đang có phần né tránh, tìm sự an toàn mà không mạnh dạn khai thác đề tài hiện đại vào chèo”.

 PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan chèo toàn quốc 2019 đã nói như vậy với góc nhìn của một nhà nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu về những vấn đề của ngành chèo đằng sau hậu liên hoan.

24/26 vở chèo tham dự Liên hoan chèo toàn quốc 2019 thuộc về đề tài quá khứ, dân gian, lịch sử… Có ý kiến cho rằng các nghệ sĩ đã tự làm cũ chèo, làm cũ mình. Là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan ông nghĩ sao về nhận định này ?

- Đúng, sai thế nào về nhận định này thì chúng ta cũng đừng vội tự ái, thậm chí tức giận mà cần bình tĩnh suy ngẫm để có những giải pháp cho chèo phát triển hơn. Xu thế đổ vào khai thác đề tài trong quá khứ không chỉ bộc lộ ở chèo mà còn ở tất cả các loại hình sân khấu khác như tuồng, cải lương và kể cả sân khấu kịch nói. Nhưng liên hoan lần này sự áp đảo đề tài quá khứ là bộc lộ rõ ràng nhất, cho thấy các đơn vị nghệ thuật đang có phần né tránh, tìm sự an toàn mà không mạnh dạn khai thác đề tài hiện đại vào chèo.

Theo tôi, vai trò của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật cho tới lãnh đạo địa phương ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề định hướng lựa chọn đề tài dàn dựng cho các vở diễn hiện nay. Cần khẳng định chèo với đề tài đương thời là rất khó thế nên phương pháp an toàn là lựa chọn dàn dựng những vở diễn nào không phải chỉ để đi dự thi mà còn dễ biểu diễn ở địa phương, ở các lễ hội, đề tài dân gian, dã sử, lịch sử thường dễ tổ chức biểu diễn hơn.

Không chỉ “tụt lại” ở việc khai thác đề tài mà trong dàn dựng, diễn xuất theo đánh giá tổng kết của ông với vai trò Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan chèo toàn quốc 2019 thì rất ít trò hay, độc đáo mà hầu hết các vở diễn đang có xu hướng “minh họa”?

- Đây là hạn chế lớn của các vở diễn lần này dẫn tới nhiều nhân vật được xây dựng sơ sài, mỏng, thiếu tính cách, thiếu số phận, tạo ra hình tượng nhạt nhòa, khiến cho nghệ sĩ tài năng khó diễn được tròn vai, khó thể hiện bản lĩnh của mình. Các đạo diễn cũng bị lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực. Tác phẩm thì lẫn lộn kịch nói hát chèo, kịch thơ hát chèo, kịch ca múa nhạc hát chèo, kịch lễ hội hát chèo và cả chèo cổ chỉnh lý cùng với bi-hài-hề-khói-trang trí bề bộn... thoải mái, tự do...

 Điều còn lại của Nhà hát Chèo Hà Nội là vở diễn đề tài hiện đại hiếm hoi tại Liên hoan và cũng là vở tạo nhiều xúc động cho khán giả

Một số địa phương đã sát nhập đơn vị nghệ thuật chèo với các đơn vị ở các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác thành Trung tâm biểu diễn đa thể loại. Dường như điều này đã khiến nhiều đơn vị đã không giữ được những ưu thế đặc sắc đại diện cho từng chiếng chèo nữa. Ông có thể chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này?

- Đây là một cái rất khó khi một số địa phương đã tự điều chỉnh, sát nhập các đơn vị nghệ thuật vào chung một nhà hát hay trung tâm. Điều này dẫn tới thực tế là nhiều vở chèo có sự tham gia của cả diễn viên kịch, ca, múa, nhạc, cải lương diễn chung với diễn viên chèo. Dễ bắt gặp trường hợp múa thì có cả một đội múa hiện đại chuyên nghiệp biểu diễn ghép vào. Thậm chí, không ít diễn viên còn có lúc hát chênh, non, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi đạo cụ, quên đạo cụ ở sàn diễn mà không biết xử lý phù hợp.

Có những vở diễn lực lượng diễn viên tham gia rất đông đảo nhưng để hát và diễn chèo chỉ tập trung vào vài người đóng vai chính. Ở đây vai trò quản lý nhà nước ở địa phương cũng như của từng nhà hát, đơn vị nghệ thuật là vô cùng quan trọng, nếu không sân khấu ở nhiều địa phương sẽ dần rơi vào sự nghiệp dư hóa, đánh mất đi những nét đặc sắc, tiêu biểu của từng loại hình sân khấu truyền thống đặc trưng cho vùng, miền.

Liên hoan đã bộc lộ rất rõ một xu hướng phát triển của chèo truyền thống hiện nay. Có nhiều lo lắng rồi đây, sân khấu chèo sẽ lại rơi vào cảnh “gieo vừng, ra ngô”, thưa ông?

- Tôi cho rằng những cách làm mới có thể sẽ khác với cách làm sân khấu chèo truyền thống nhưng lại được xã hội chấp nhận thì chúng ta hãy bằng lòng với sự đổi mới ấy, coi đó như là tín hiệu chuyển giao thời đại trong chèo Việt Nam. Chúng ta phải ghi nhận rằng khi mà các “cây đa, cây đề” của sân khấu chèo không còn sung sức để tham gia liên hoan này nữa như NSND Trần Bảng, tác giả Trần Đình Ngôn, NSND Bùi Đắc Sừ... thì sự xuất hiện của một tác giả mới như Lê Thế Song với 6 vở được dàn dựng được trao giải tác giả triển vọng, NSND Hoàng Quỳnh Mai, một đạo diễn mới sang chèo dàn dựng 2 vở diễn tại liên hoan đều giành giải thưởng cao là những tín hiệu đáng mừng về sự kế thừa và phát triển nghệ thuật chèo. 

 “Vai trò quản lý nhà nước ở địa phương cũng như của từng nhà hát, đơn vị nghệ thuật là vô cùng quan trọng, nếu không sân khấu ở nhiều địa phương sẽ dần rơi vào sự nghiệp dư hóa, đánh mất đi những nét đặc sắc, tiêu biểu của từng loại hình sân khấu truyền thống đặc trưng cho vùng, miền”.

 

 THUÝ HIỀN (THỰC HIỆN)

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top