Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Bảo vệ quyền tác giả trong Điện ảnh: Nhà sản xuất đừng chỉ biết... khóc ròng

Thứ Sáu 11/10/2019 | 09:49 GMT+7

VHO- Nhìn lại 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, các nhà chuyên môn cho rằng, Luật đã bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu và không phù hợp thực tế. Nổi cộm là vấn nạn vi phạm bản quyền, ngày càng nhiều diễn biến tiêu cực, phức tạp mà Luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng tuyên bố sẽ trừng trị thẳng tay với hành vi lives­tream trái phép trước khi phim “Hai Phượng” ra rạp

Các nhà sản xuất kêu than, đầu tư kinh phí cho một bộ phim là cả một gia tài, nhưng có thể chỉ trong chớp mắt gia tài đó tan biến và nạn nhân thì chỉ biết khóc ròng.

Bảo vệ bản quyền phim còn bị xem nhẹ

Nhắc lại vụ việc phim “Cô Ba Sài Gòn” bị xâm phạm bản quyền khi vừa ra rạp, Phó TGĐ Cty BHD Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ cần được Luật Điện ảnh sửa đổi điều chỉnh bằng những quy định chặt chẽ để bảo vệ tác quyền cho các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh. Bà Hạnh bức xúc: “Ăn trộm chiếc xe máy thì bị đi tù, nhưng quay trộm bộ phim rồi đưa lên mạng thì nhà sản xuất chỉ biết khóc ròng. Sản xuất phim đầu tư rất nhiều tiền, nhưng vấn đề bảo hộ chất xám, bản quyền lại dường như bị xem nhẹ, khiến ít người dám đầu tư”.

Thực tế, phim lậu không còn là vấn đề xa lạ trong thời đại Internet với vô số nhóm, diễn đàn chia sẻ phim lậu. Nhiều bộ phim tại Việt Nam vừa ra rạp đã gặp những cú sốc lớn vì bị xâm phạm bản quyền không thương tiếc như “Cô Ba Sài Gòn”, “Cha cõng con” hay gần đây là khi bộ phim “Hai Phượng” ra rạp... Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, nhà sản xuất phim “Cha cõng con” chia sẻ: “Những nhà sản xuất trước việc bị xâm phạm bản quyền còn dè dặt khi lên tiếng, lo ngại phiền phức, sợ bị mang tiếng “chuyện bé xé ra to”. Như với bộ phim “Cha cõng con” của tôi cũng đã từng bị xâm phạm bản quyền khi ra rạp. Khi đó tôi thấy cháu là học sinh nên để tránh ảnh hưởng tâm lý, tôi đã không tìm đến cơ quan chức năng mà tìm cách lặng lẽ giải quyết…”.

Nhà sản xuất “Cô Ba Sài Gòn” lựa chọn cách thức xử lý quyết liệt hơn. Thời điểm bộ phim bị livestream trái phép, Ngô Thanh Vân đã kiên quyết đưa hành vi vi phạm này đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý vi phạm. Nữ diễn viên, nhà sản xuất cho rằng, trong bối cảnh tác quyền đang phải đối mặt với nguy cơ bị xâm phạm thì ngay từ khi tác phẩm chưa được công bố, việc bảo vệ tác quyền cần phải được thực hiện quyết liệt rồi. Tuy nhiên, phải thấy rằng không chỉ “Cô Ba Sài Gòn” là nạn nhân bị xâm phạm bản quyền mà hàng loạt phim khác đã livestream ngay từ ngày công chiếu như “Vòng eo 56”, “Gái già lắm chiêu”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, “Em chưa 18”... Nhiều bài học xương máu khiến trước khi “Hai Phượng” ra rạp, phía Ngô Thanh Vân ra thông báo sẽ trừng trị mạnh tay đối với ai có hành vi livestream phim. Cô viết trong tâm thư trên trang cá nhân của mình: “Tôi muốn bạn biết có rất nhiều cách để tìm lấy sự chú ý. Nhưng livestream trong rạp phim sẽ tạo lên một làn sóng phẫn nộ của người yêu điện ảnh và họ sẽ biến bạn thành tội đồ với rất nhiều lời khiếm nhã. Chưa kể tôi chắc chắn sẽ tìm đến gặp bạn, mặt đối mặt…”. Nhưng rồi cuối cùng bộ phim được đánh giá là “bom tấn” của điện ảnh Việt vẫn bị quay một clip ngắn và đưa lên mạng sau đó.

Trong nhiều hội nghị tập huấn về việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) đều lưu ý một thực tế là, khi xảy ra vi phạm bản quyền, hầu hết chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan thường chỉ cung cấp thông tin cho báo chí mà không báo cáo đến cơ quan chức năng hoặc đưa ra tòa. Trong khi đó, nếu có vi phạm thì chủ sở hữu quyền phải chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình, chứng minh người vi phạm… thì cơ quan nhà nước mới kịp thời vào cuộc. Cũng với trường hợp của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” bị quay lén, ông Hùng nhấn mạnh, thái độ quyết liệt của nhà sản xuất đưa vụ việc ra pháp luật, cùng với sự vào cuộc của Cục Bản quyền tác giả nên mọi việc được xử lý nhanh chóng. Đây chính là một bài học về bảo vệ tác quyền cho các tác phẩm điện ảnh, loại hình nghệ thuật phải đầu tư không ít tiền của, tâm sức và cũng đòi hỏi những nhà làm phim tỉnh táo, quyết liệt, hơn là chỉ “khóc ròng” khi chứng kiến những đứa con tinh thần bị xâm phạm.

Đại diện Cục Bản quyền tác giả cũng lưu ý, nhằm bảo vệ bản quyền cho các tác phẩm của mình, bên có tài sản là các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan cần áp dụng các biện pháp và các quyền mà pháp luật trao cho như các biện pháp công nghệ khi công bố tác phẩm, đưa ra các thông tin quản lý quyền cũng như các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm sao chép.

 Phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream trái phép Ảnh: INTERNET

Thách thức cho điện ảnh thời 4.0

Nhìn lại 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, các nhà chuyên môn cho rằng, Luật đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp thực tế. Một trong số đó là vấn nạn vi phạm bản quyền với nhiều diễn biến tiêu cực, phức tạp mà Luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý. Đây chính là điểm bất cập lớn đòi hỏi Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải khắc phục. Hội thảo khoa học “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực điện ảnh” cũng ghi nhận nhiều kiến nghị về các giải pháp bảo vệ tác quyền điện ảnh trong bối cảnh hiện nay. Các chuyên gia lưu ý, bên cạnh lợi thế thời cuộc, điện ảnh đang đứng trước vô vàn thách thức, một trong số đó là yêu cầu cao về tính bảo mật gắn liền với bản quyền tác giả phim số.

Điểm lỗi thời, lạc hậu của Luật Điện ảnh sau 12 năm cũng được nêu rõ trong vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường Internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh, đây là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh. Các chuyên gia cho rằng, nếu không được quản lý tốt thì vấn đề này cũng sẽ dễ dàng tạo kẽ hở cho xâm phạm bản quyền phim tiếp tục phát triển. Khi nhu cầu và thị hiếu thưởng thức phim ảnh của công chúng ngày càng cao, càng đòi hỏi các quy định về phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh cho phù hợp. Thực tế này cũng yêu cầu các cơ quan quản lý phải thực thi tốt trách nhiệm của mình trong các vấn đề chia sẻ dữ liệu, bản quyền.

Rõ ràng, những bộ phim vừa ra mắt ngay lập tức có mặt trên Internet đã gây khó khăn và thiệt hại lớn cho nhà sản xuất cũng như làm đau đầu các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, siết chặt các chế tài quản lý, xử phạt hay đẩy mạnh tuyên truyền thì việc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cũng là giải pháp cần thiết. Tại chương trình về chống xâm phạm bản quyền do Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tổ chức mới đây ở Hà Nội, phía Hàn Quốc cho rằng, xâm phạm bản quyền không chỉ là thách thức của riêng một quốc gia nào. Hàn Quốc đang là quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ Internet cao nên tần xuất các vụ việc vi phạm ngày càng nhiều. Trong tình hình đó, một giải pháp được thực thi hiệu quả là thống kê và đưa vào danh sách “đen” các tổ chức, cá nhân xâm phạm bản quyền. Tuy nhiên, để tránh “nhờn thuốc” thì cùng với việc chỉ rõ hành vi xâm phạm, các chủ sở hữu tài sản, cụ thể ở đây là các nhà làm phim cũng cần có thái độ kiên quyết nhằm đưa các vụ việc ra pháp luật. Bằng không, tất cả sẽ là một vòng tròn luẩn quẩn, và vấn nạn xâm phạm bản quyền vẫn khó được đẩy lùi khi các đối tượng kiếm sống bằng con đường này ngày càng nhiều, ngày càng có thêm nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi. 

BẢO AN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top