Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang: Nhiều nhân chứng quan trọng không đến tòa

Thứ Hai 14/10/2019 | 13:23 GMT+7

VHO-Hôm nay 14.10, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang mở lại phiên xét xử sơ thẩm vụ án liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Thống kê ban đầu cho thấy, tới dự phiên tòa sáng nay có 5 bị cáo, 1 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tòa triệu tập 178 người làm chứng. So với lần trước, số nhân chứng có mặt tại toà tăng từ 55 lên 86 người. Số người vắng mặt không lý do giảm từ 62 người xuống 19 người. Tuy nhiên trong số những người vắng mặt có ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang và bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang

Theo bà Vũ Thị Thanh Nga, Kiểm sát viên thì việc vắng mặt nhân chứng không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Các luật sư và nhân chứng không có ý kiến gì nên phiên toà đã diễn ra bình thường. Buổi sáng, các bị cáo Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài bị dẫn giải đến tòa bằng xe đặc dụng của công an. Các bị cáo Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông  (cựu Phó giám đốc Sở GĐ&ĐT) và ông Vũ Văn Sử, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đến tòa bằng ô tô. Thẩm phán Vương Thị Thu Hà, Phó chánh toà Hình sự TAND tỉnh Hà Giang làm chủ tọa phiên toà

                     TAND tỉnh Hà Giang, nơi diễn ra phiên sơ thẩm

Tòa đã dành buổi sáng 14.10 để kiểm tra căn cước các bị can và những người liên quan. Có khoảng gần 50 phóng viên của  các cơ quan báo chí trung ương và Hà Giang đã có mặt tại Hà Giang để đưa tin về phiên toà. Do phòng xử khá chật hẹp, TAND Hà Giang đã ghi số thứ tự và lần lượt gọi mỗi tốp 5 phóng viên đi theo cán bộ tòa dẫn vào phòng xử án để ghi hình, chụp ảnh trong 2-3 phút. Sau đó, các phóng viên trở lại phòng báo chí để theo dõi qua màn hình.

                              Các bị cáo Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính đến tòa

Theo đánh giá, đây là vụ án thu hút sự chú ý dư luận bởi hành vi của các bị cáo đã gây rúng động xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin về một nền giáo dục trong sạch, không tiêu cực. Căn cứ vào cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, các bị can Nguyễn Thanh Hoài, Vũ Trọng Lương bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Bị can Triệu Thị Chính bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015. Các bị can Phạm Văn Khuông, Lê Thị Dung bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.

                           Các bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương bị dẫn giải

Cụ thể, các bị cáo Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để can thiệp vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm của 107 thí sinh, qua đó nâng điểm cho 107 thí sinh này. Bị cáo Triệu Thị Chính là người đưa cho bị cáo Nguyễn Thanh Hoài danh sách 13 thí sinh và yêu cầu ông Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh trong số này. Còn bị cáo Phạm Văn Khuông là người nhờ bị cáo Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho chính con trai mình. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài mặc dù không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm nhưng đã bàn bạc, thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh, thể hiện vai trò chỉ đạo.

                              Luật sư tới tòa

Sau đó, bị cáo Vũ Trọng Lương đã trực tiếp thao tác trên máy tính can thiệp sửa kết quả 309 bài thi các môn của 107 thí sinh trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để nâng điểm cho các thí sinh. Còn bị cáo Lê Thị Dung là cán bộ công an, tuy không được phân công thực hiện nhiệm vụ liên quan trong kỳ thi nhưng đã nhờ bị cáo Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh là con cháu bạn bè, người quen của bị can Dung.

 Quang cảnh phiên tòa

Hành vi của các bị can được đánh giá đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, cần xử lý hình sự. Những hành vi đó không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà cả lâu dài, đào tạo ra nguồn nhân lực yếu kém, chất lượng thấp, tác động đến đạo đức và sự công bằng cho xã hội. Tuy nhiên, hành vi này đã bị phát hiện, Bộ GD&ĐT đã chấm thẩm định, trả lại điểm số thực trước khi xét tuyển đại học. Trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định, nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Đã đấu tranh với các gia đình thí sinh, nhưng không gia đình nào nhận có đưa tiền hoặc vật chất có giá trị để nhờ nâng điểm…

Thời gian xét xử vụ án dự kiến kéo dài trong 3 ngày (từ 14 đến 16.10), Văn Hóa sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

                                                                                                       QUỐC HÙNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top