Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT: “Tiêu chí đặc thù thì đừng đo độ tuổi”

Thứ Sáu 22/11/2019 | 11:08 GMT+7

VHO- Hôm qua 21.11, Bộ VHTTDL tiếp tục tổ chức hội nghị - hội thảo Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại TP.HCM.

Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến các đại biểu ở khu vực phía Nam

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những điều chưa hợp lý trong việc quy đổi, cộng dồn các huy chương bạc (HCB) thành huy chương vàng (HCV) khi xét tặng danh hiệu dành cho nghệ sĩ, thì cần có những quy định đặc thù về thời gian hoạt động nghệ thuật, mở rộng phạm vi đối với một số nghề nghiệp, chức danh của nghệ sĩ…

Tài không đợi tuổi

Trước một số ý kiến cho rằng, quy định tính cộng dồn các huy chương là bất hợp lí thì NSND Lê Ngọc Cường, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn lại lưu ý quy định này không nên bỏ nhưng cần được cụ thể hóa và rõ ràng hơn để tạo sự thuyết phục.

Đưa ra một ví dụ ở khía cạnh khác để minh chứng cho sự thiếu thuyết phục đang đề cập, NSND Lê Ngọc Cường nói, khi dựng một vở múa có 16 diễn viên tham gia với các vai ngang như nhau và vở này đoạt huy chương. Đến khi quy đổi, nếu 16 người này nằm trong diện được xét tặng thì họ có quyền được kê khai huy chương và trong số họ ai cũng đều muốn được chứng nhận là diễn viên chính. “Khi họ đến nhờ thầy chứng nhận cho là diễn viên múa chính, nếu tôi chứng nhận thì có gì đó rất áy náy, còn không chứng nhận thì lại có gì đó băn khoăn”, NSND Lê Ngọc Cường chia sẻ và mong muốn Nghị định mới cần có hướng dẫn như thế nào cho rõ ràng hơn, nếu không thì chưa thật thỏa đáng.

Nhiều đại biểu đều đồng tình với báo cáo về đánh giá những ưu điểm, vướng mắc cũng như đề xuất, kiến nghị của Bộ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét quy định thời gian hoạt động nghệ thuật vì quy định như hiện nay còn khá cứng nhắc. Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho hay: “Về cơ bản tôi đồng ý với 4 đề xuất, kiến nghị của Bộ. Nhưng về xét huy chương tôi mong muốn chúng ta nên cân nhắc kỹ. Người ta nói “tài không đợi tuổi” nhưng theo quy định hiện nay để được NSƯT phải có 2 HCV hoặc 1 vàng 2 bạc và thời gian hoạt động nghệ thuật 15 năm đối với danh hiệu NSƯT là chưa thỏa đáng”.

Ông Khanh cho biết, trong Nhà hát Tây Đô hiện nay có nghệ sĩ đã có 3 HCV và 1 HCB toàn quốc rồi nhưng không được xét NSƯT vì người này mới có 10 năm cống hiến. “Trường hợp này tôi thấy rất tiếc. Danh hiệu là phần thưởng của Nhà nước nhưng đồng thời cũng là uy tín xã hội, uy tín nghề nghiệp của người nghệ sĩ, rất cần được quan tâm”, ông Khánh chia sẻ.

NSND Ngô Đặng Cường, nguyên Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM cho rằng việc quy định thời gian hoạt động nghệ thuật như hiện nay là còn cứng nhắc. Đặc biệt là có những ngành nghề có tuổi đời rất ngắn như múa, xiếc, do đó nếu quy định như vậy thì sẽ thiệt thòi cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này. “Danh hiệu Nhà nước phong tặng không chỉ cho nghệ sĩ hưởng mà Nhà nước còn sử dụng những tài năng ấy. Như chúng tôi đây đã có danh hiệu đầy đủ rồi nhưng cũng đã nhiều tuổi quá thì có còn sức để cống hiến không, trong khi các em đang còn trẻ có đầy đủ tài năng, phong tặng danh hiệu để họ còn có động lực cống hiến”, NSND Ngô Đặng Cường kiến nghị.

Phong tặng danh hiệu còn “bỏ quên” đối tượng

Theo nhiều đại biểu, trong giai đoạn hội nhập hiện nay đồng thời cũng có sự đa dạng các loại hình nghệ thuật, do đó việc phong tặng cần tính đến nhiều đối tượng, ngành nghề, chức danh nghệ thuật chứ không nên chỉ dành cho đối tượng trực tiếp biểu diễn trước công chúng. NSƯT, đạo diễn Đặng Việt Hùng, nguyên Giám đốc Hãng phim TFS nói rằng, Bộ nên nghiên cứu thêm một số quy định về một số loại hình nghệ thuật không nằm trong các hội thi, hội diễn mặc dù họ cống hiến rất xuyên suốt và có nhiều tác phẩm xuất sắc để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. Đồng quan điểm này, NSƯT Hoàng Ngọc Long, Phó Giám đốc phụ trách Nhạc viện TP.HCM cho biết, ở lĩnh vực nghệ sĩ giao hưởng thì vô cùng khó khăn nếu muốn có huy chương để xét tặng danh hiệu, bởi hiện cũng không có những cuộc thi hay liên hoan để nghệ sĩ được tham gia, trong khi đó thời gian họ cống hiến, học tập, lao động nghệ thuật là rất lớn. Tương tự, ở lĩnh vực đạo diễn truyền hình dài tập hiện nay cũng không có “đất” để gặt hái huy chương.

Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Tiền Giang) trăn trở, tiêu chuẩn xét 2 danh hiệu này chỉ dành cho diễn viên, nghệ sĩ, trong khi các đối tượng khác như tác giả, soạn giả thì không nằm trong đối tượng được xét tặng trong khi sự cống hiến nghệ thuật của họ cho xã hội là rất lớn. Đơn cử trong số đó có các soạn giả phía Nam hiện nay như soạn giả Thanh Hiền quê tỉnh Tây Ninh, soạn giả Châu Thanh, soạn giả Ngô Hồng Khanh quê Tiền Giang, soạn giả Hồng Quân ở TP.HCM, Trọng Nguyễn quê ở An Giang… Đây là những tác giả có hàng trăm bài vọng cổ đang lưu hành trong phong trào văn nghệ quần chúng và các sân khấu chuyên nghiệp, các cuộc thi Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ gần như tất cả đều sử dụng bài hát của các soạn giả này.

“Đây là những người nổi tiếng trong giới văn nghệ ai cũng biết cả. Chúng tôi là những người làm hồ sơ ở địa phương thấy rất băn khoăn về chuyện này vì không biết gửi gắm với ai. Đề nghị Bộ xem lại việc phong tặng danh hiệu cho các đối tượng này”, ông Hải kiến nghị. Trăn trở về vấn đề này, đại diện Sở VHTTDL Tiền Giang cũng cho biết, ở địa phương có những người làm văn nghệ quần chúng, khi tham gia các cuộc hội diễn không chuyên, có người đạt rất nhiều HCV, HCB nhưng họ không thể được phong danh hiệu, vì đây là những sân khấu không chuyên. “Khổ vậy, tôi hỏi cái này có quy đổi được không? Như ở Tiền Giang có biên đạo múa Thu Thủy, có học trường lớp ra hẳn hoi, chị này được gần 10 HCV các hội diễn khu vực phía Nam, nhưng khổ nỗi các hội diễn đó do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, mà Cục Văn hóa cơ sở tổ chức thì là văn nghệ quần chúng, phải do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức thì mới được coi là nghệ thuật chuyên nghiệp”, cán bộ này tâm tư.

Tham dự hội thảo, ông Lương Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước được mời phát biểu và cho biết: “Chúng ta mong muốn việc hoàn chỉnh Nghị định này một cách xác đáng và toàn diện, làm sao văn bản pháp luật phải nâng đỡ thực tiễn chứ không phải chạy theo thực tiễn. Về tuổi nghề và tài năng, mối quan hệ này đánh giá như thế nào? Theo tôi, bên cạnh những tiêu chuẩn chung cần có những tiêu chí đặc thù của ngành nghề, mà tiêu chí đặc thù thì đừng đo độ tuổi”, ông Quang nói. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top