Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Các chợ đầu mối tăng cường phòng, chống dịch cúm A/H5N6

Thứ Sáu 21/02/2020 | 18:09 GMT+7

VHO-Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 được phát hiện ở Hà Nội, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng như các chợ đầu mối đã phối hợp cùng với các tiểu thương tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh.

Mua bán gia cầm tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội)

Tại chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Quyền, một tiểu thương buôn bán gia cầm tại chợ cho biết, gà vịt anh mua chủ yếu từ Hòa Bình và của gia đình nuôi. Số gà vịt này trước khi xuất bán đã được kiểm dịch đầy đủ. Anh Quyền cho biết từ sau rằm tháng Giêng đến nay, các tiểu thương tại chợ buôn bán cầm chừng vì ế ẩm, lượng gia cầm tiêu thụ không nhiều. Trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày bán khoảng hơn chục con, thì nay chỉ bán mỗi ngày một vài con mà thôi. Một tiểu thương khác cho biết: “Bọn em biết dịch cúm A/H5N6 chứ. Bán gia cầm sống, giết mổ tại chỗ, nếu gà vịt bị bệnh dịch, bọn em là người có nguy cơ bị nhiễm khá cao. Vì thế, gà vịt bọn em mua về phải khỏe mạnh. Với lại, các trang trại để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm của họ, họ phải phòng chống dịch đầy đủ trước khi xuất bán cho thương lái. Bên cạnh đó, hằng ngày, cán bộ thú y đi kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên về phòng chống dịch”. 

Được biết, khu chợ này chủ yếu buôn bán nông sản, còn mặt hàng gia cầm sống cũng chỉ có khoảng vài chục người kinh doanh. Trao đổi với Báo Văn Hóa, một cán bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai cho biết, chợ đầu mối phía Nam đối diện với đơn vị, do đó, sự phối hợp giữa Ban quản lý chợ, Trạm và các tiểu thương trong phòng chống dịch luôn ở mức cao. Việc kiểm tra, kiểm soát vẫn diễn ra thường xuyên, nghiêm ngặt theo quy định. “Khoảng 3 giờ sáng, cán bộ, nhân viên của Trạm đã tiến hành công tác kiểm dịch. Dù có dịch hay không có dịch, những quy trình kiểm tra, kiểm dịch vẫn phải tuân thủ theo quy định”, vị đại diện này cho biết thêm.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội)  - chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc, nhiều biện pháp phòng chống dịch cũng đã được tiến hành. Ban quản lý chợ đã phối hợp cùng với các tiểu thương tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh. Theo đó, tất cả xe tải ra vào chợ, có chở theo hàng hóa gia cầm đều được bộ phận kiểm dịch yêu cầu phải đi qua vùng nước có pha loãng dung dịch sát trùng. Bốn hố nước này được các nhân viên kiểm dịch bố trí đều theo hướng 4 cổng để ban quản lý chợ dễ dàng kiểm soát, nhắc nhở tiểu thương chấp hành theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tại khu chợ, các cán bộ thú y luôn luôn có mặt túc trực 24/24 để kiểm tra, kiểm soát. Từ đó hướng dẫn tiểu thương thực hiện các bước phòng dịch, biện pháp kiểm dịch theo yêu cầu. Cũng như  chợ đầu mối phía Nam, tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, từ 3h sáng các cán bộ, nhân viên phụ trách kiểm dịch tiến hành phun thuốc và kiểm dịch gia cầm. Tuy nhiên, lượng gia cầm tiêu thụ tại đây cũng sút giảm đáng kể so với dịp trước Tết.

Tại một số chợ dân sinh khác mà phóng viên báo Văn Hóa khảo sát, cũng như tại chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, một số tiểu thương cho biết, lượng gia cầm sau Tết tiêu thụ cũng sút giảm. Đặc biệt, trong các chợ, hoàn toàn không có gà từ bên kia biên giới mà chỉ bán các loại gà nội địa. Theo đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàng Mai, khi xảy ra dịch Covid-19, vùng biên giới được siết chặt, lượng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc không có, do đó, cũng giảm được phần nào nguy cơ lây lan dịch cúm A/H5N6.

 Để ngăn chặn dịch cúm A/H5N6, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ, vận chuyển gia cầm. Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không... nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt là gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch theo quy định... Đồng thời, tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời dịch bệnh cúm gia cầm và xử lý triệt để các ổ dịch. Mặt khác, kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở dịch vụ ăn uống; kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn không được giết mổ gia cầm sống.

Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối; tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ; phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ trì xử lý, tiêu hủy đối với các sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập lậu bị tịch thu, tiêu hủy. Cơ quan thú y giám sát, phát hiện sớm nhằm xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người… Ngành chức năng tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn thành phố; hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ, nhà hàng, cửa hàng, siêu thị, các điểm giết mổ; phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng quy định… Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm không có kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các loại sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị cử người tham gia trực tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành TP...

Theo TP Hà Nội, với tổng đàn gia cầm của Hà Nội rất lớn, khoảng 33 triệu con, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao... nên nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao.

HOÀNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top