Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Có hay không Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tuy Phước bán chuông cổ?

Thứ Tư 08/04/2020 | 11:57 GMT+7

VHO- Những ngày qua dư luận nơi đây đang xôn xao bàn tán về thông tin xung quanh việc Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước (Bình Định) tự ý đem chuông cổ bán cho đồng nát.

 Có hay không chuyện chuông cổ bị bán đi là di vật quý hiếm tại huyện Tuy Phước (Bình Định)?

Thực hư việc này ra sao, và có hay không chuyện Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện đem chuông cổ quý hiếm đi bán như dư luận đồn đoán, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu chuyện này.

Theo dư luận phản ánh, từ nhiều năm nay trong kho Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước (gọi tắt là Trung tâm Văn hóa) có lưu giữ một chuông cổ được làm bằng chất liệu đồng chiều cao khoảng gần 1m, đường kính khoảng 40cm. Điều đáng nói là, trong một thời gian dài quả chuông này nằm lăn lóc trong góc kho, không được bảo quản nhưng không hề gỉ sét, khi gõ tiếng vang rất thanh. Xung quanh mặt chuông có khắc nổi nhiều chữ Hán. Nhưng vẫn không hiểu vì sao vị Giám đốc của đơn vị này đã tự ý đem chuông cổ đi bán?

Để tìm hiểu rõ hơn về xuất xứ quả chuông này, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại và được ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Tuy Phước cho biết: “Tôi cũng không nhớ rõ lắm quả chuông được đưa từ chùa nào về, nhưng chỉ biết hiện vật này là của một chùa (làng nào đó) trên địa bàn huyện được đưa về kho của Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện từ những năm sau giải phóng. Khi tôi bàn giao công việc cho ông Khanh thì quả chuông vẫn còn trong kho như một hiện vật thông thường”.

Làm việc với chúng tôi, ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa - kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Tuy Phước xác nhận, đúng là có chuyện đơn vị đã bán quả chuông đó. Vào tháng 5.2019, để chuẩn bị việc sửa chữa hội trường Nhà văn hóa phục vụ Đại hội Đảng bộ huyện, “tôi và bộ phận kế toán đã kiểm tra thực tế trang thiết bị, vật liệu dụng cụ nằm ngổn ngang trong kho phía sau sân khấu hội trường (kể cả phòng kho tạm) và cho ý kiến dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ những vật dụng hư hỏng, bán phế liệu sắt vụn và một quả chuông trị giá 2,5 triệu đồng. Kế toán đã làm phiếu thu ngày 30.6.2019 và thủ quỹ đã nhập số tiền trên vào quỹ cơ quan”.

Kế toán Trung tâm Văn hóa huyện Tuy Phước đã làm phiếu thu ngày 30.6.2019 bán phế liệu sắt và đồng

Ông Khanh cũng cho rằng, về lai lịch và đặc điểm quả chuông đồng có trong kho từ khi nào thì không rõ vì đây là hiện vật thông thường chứ không phải là hiện vật bảo tàng, không phải là di vật, cổ vật. Qua kiểm tra sổ tài sản cơ quan thì quả chuông không có trong danh mục tài sản và không có trong danh mục kiểm kê hiện vật của nhà truyền thống. Thông tin của một số cán bộ trong cơ quan cho biết thêm, đây là quả chuông bằng đồng bình thường, không phải cổ vật (cao 60cm, đường kính 30cm, nặng 17,8 kg) xung quanh mặt chuông không có minh văn, nghĩa là không có khắc chữ Hán và hoa văn. Do lai lịch và đặc điểm quả chuông như vậy và không có tư liệu ghi lại là một hiện vật cần bảo quản, gìn giữ như là hiện vật bảo tàng nên không ai quan tâm. “Tôi cũng đã xem xét kỹ lưỡng, không có lý lịch vật dụng này cũng như lai lịch liên quan đến nhà truyền thống huyện, vì thế chúng tôi đã xem đây là một vật dụng thông thường, không xem là tài sản của cơ quan cần nhập kho để bảo quản. Vì thế, chúng tôi đã bán cùng với một số vật liệu sắt thép để lâu trong kho vật tư khỏi ảnh hưởng rỉ sét ra xung quanh. Và tôi cũng không xin ý kiến của UBND huyện vì lãnh đạo phòng trước đó đã khẳng định đó là những hiện vật thông thường, không có giá trị", ông Khanh nói.

Theo tìm hiểu, những năm trước giải phóng rất nhiều làng ở huyện Tuy Phước có chùa làng, đình làng, gắn liền với những quả chuông. Tuy nhiên, sau giải phóng một số đình, chùa thay chuông bằng kẻng, nên không ít quả chuông bị bỏ rơi, lãng quên trong xóm, trong khu dân cư. Việc tập kết các vật dụng liên quan đến thiết chế văn hóa, tín ngưỡng về cơ quan văn hóa là một việc làm đã diễn ra từ những năm 1975 ở địa phương này. Ông Khanh cho biết thêm, thực tế qua các nhiệm kỳ Giám đốc trước của Trung tâm Văn hóa huyện đều khẳng định và cho rằng đây không phải là hiện vật, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn đăng ký quản lý di vật. “Đến khi tôi làm Giám đốc (năm 2012) cũng đã tham khảo ý kiến nhiều nhà chuyên môn, Bảo tàng Bình Định cũng đã khẳng định quả chuông không có giá trị hiện vật bảo tàng. Và nếu chuông thực sự có giá trị hiện vật bảo tàng thì đã được đơn vị đem trưng bày tại nhà truyền thống huyện qua các giai đoạn, lưu giữ tại nhà truyền thống huyện hoặc được Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định (nay là Bảo tàng tỉnh Bình Định) về lập hồ sơ, đề xuất đem về lưu giữ, bảo quản tại kho hiện vật của bảo tàng”, ông Khanh thông tin.

Tuy nhiên dư luận vẫn thắc mắc, vì sao một quả chuông cũ, bị “bỏ rơi” suốt hàng chục năm qua, sau khi đem bán lại dấy lên dư luận là Giám đốc tự ý bán chuông cổ quý hiếm? Đây cũng là bài học trong công tác quản lý, bảo quản tài sản công, để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc. 

 PHAN HIẾU

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top