Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Du lịch chịu tổn thất nặng nề bởi Covid-19

Thứ Tư 08/04/2020 | 12:08 GMT+7

VHO- Theo Bộ KH&ĐT, trong quý I.2020, các ngành dịch vụ (bao gồm lưu trú, ăn uống, lữ hành) chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19, tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 3,27%, thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2011- 2018 và thấp hơn mức tăng trưởng chung.

 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc Ảnh: ĐINH THAO

Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 126,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 10,1% và giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 7,8 nghìn tỉ đồng, chiếm 0,6% và giảm 27,8%.

Doanh thu du lịch lữ hành giảm mạnh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách quốc tế giảm mạnh, tính chung quý I, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta đạt 3,69 triệu lượt người. Trong đó, khách đến từ hầu hết các thị trường đều giảm, trong đó các thị trường lớn như Trung Quốc (giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2019), Hàn Quốc (giảm 26,1%), Nhật Bản (giảm 14,1%), Mỹ (giảm 21,4%), Australia (giảm 15%), châu Âu (giảm 3,1%).

Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I.2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I.2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt khoảng 903.788 tỉ đồng, giảm 17,7%. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2020 là 243.711 lao động, giảm 23,3%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (sau Tết Nguyên đán - PV) là 14,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,6%, trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng 78,1%.

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để theo dõi tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể. Trong quý I, có gần 34,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc

Tổng hợp báo cáo nhanh của các doanh nghiệp cho thấy có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.

Tính từ 1.1 đến 26.3, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống… Trong báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc, 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II sẽ có trên 250.000 lao động trong các doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ dự kiến chi khoảng 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho 20 triệu đối tượng trong 3 tháng. Trong đó, lao động tự do bị mất việc làm vì Covid-19 sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/ tháng và các mức hỗ trợ khác từ 500.000 - 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Bộ KH&ĐT đề ra nhiệm vụ trước mắt trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 là cần tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, trí lực, nguồn lực về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid- 19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý cho nhân dân. Cùng với đó, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp, người lao động, nhóm yếu thế, đối tượng xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Về trung và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. 

 NGUYỄN ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top