Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Văn hóa là nguồn lực chiến lược để phát triển đất nước

Thứ Bảy 13/06/2020 | 15:13 GMT+7

VHO-Trong phiên thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước vào ngày hôm nay 13.6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đã cho rằng đầu tư kinh tế văn xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh.

Đầu tư trụ cột cho các ngành kinh tế văn xã

Giải thích về khái niệm kinh tế văn xã, đại biểu Hưng nêu rõ: “Tại các kỳ họp trước, nhiều lần tôi đã phát biểu chính ngành công nghiệp văn hóa cùng công nghiệp dược, công nghiệp y tế, kinh tế giáo dục, kinh tế thể thao, kinh tế du lịch, tôi tạm gọi chung là "kinh tế văn xã" là những nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn, rất hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội, là bệ đỡ, động lực bền vững để đất nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045.

Đại biểu Hưng cho rằng câf đầu tư trọng tâm cho các ngành kinh tế văn xã

Tại kỳ họp hậu Covid-19 này, tôi đề cập tới "kinh tế văn xã" có thể là một khái niệm, cách gọi mới. Nhưng thực tế đây là một lĩnh vực mà nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, có khả năng xã hội hóa cao, huy động được nguồn lực lớn của xã hội và của quốc tế, như việc huy động các nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua của ngành y tế, như việc xã hội hóa để làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rồi”, đại biểu Hưng nói.

Cũng theo đại biểu Hưng, mặc dù kinh tế văn xã có vai trò quan trọng như vậy nhưng lâu nay chúng ta chưa đầu tư khai thác và phát huy được nhiều. “Đầu tư kinh tế văn xã là thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, an sinh. Điều lớn lao nữa là xây dựng được hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành một thương hiệu quốc gia đặc sắc, có giá trị vật chất đặc biệt và riêng có của Việt Nam. Do vậy, một lần nữa tôi kiên trì và thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu lựa chọn đầu tư các ngành kinh tế văn xã là trụ cột, làm khâu đột phá để phát triển đất nước trong kế hoạch kinh tế - xã hội 10 năm tới và những năm tiếp theo”, đại biểu Hưng nhấn mạnh.

Bản sắc văn hoá dân tộc làm nên các chiến thắng diệu kỳ

Nói về đại dịch Covid-19, đại biểu Hưng nói: “Việt Nam đang được thế giới nhắc đến như là một điều kỳ diệu trong chống dịch Covid-19. Chính mỗi người Việt Nam, mỗi đại biểu Quốc hội chúng ta cũng đang tự hào suy ngẫm về điều kỳ diệu đó và tự hỏi làm thế nào để hậu Covid-19 trong 10 năm tới, chúng ta có thể viết nên câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam cũng kỳ diệu như chúng ta đã chiến thắng Covid, như chúng ta đã chiến thắng Điện Biên Phủ. Mạch cảm xúc ấy thôi thúc tôi tại diễn đàn của Quốc hội là một lần nữa nói về văn hóa và những điều thần kỳ Việt Nam. Xin khẳng định rằng chính văn hóa là nguồn lực chiến lược để phát triển đất nước ta trong thế kỷ XXI.”

Vị đại biểu của Hà Nội cũng nhận định rằng, trong những ngày qua toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã lập nên chiến công thần kỳ trong chống dịch, Việt Nam một lần nữa lại được nhắc đến với tình cảm của cộng đồng quốc tế rất đặc biệt. Lãnh đạo các nước Nga, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã khen ngợi và cảm ơn Quốc hội, các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, Chính phủ và nhân dân ta đã chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ. Nếu so sánh về vật chất, trang thiết bị y tế chúng ta còn nhiều khó khăn hơn so với các quốc gia trong khu vực trên thế giới. Nhưng chúng ta chống dịch thành công và chia sẻ kịp thời cùng cộng đồng quốc tế, đã làm nên một hình ảnh, một "thương hiệu Việt Nam" an toàn, thân thiện, nghĩa tình và hấp dẫn.

Mỗi người dân Việt Nam đã tham gia vào công tác phòng, chống dịch của cả nước

“Hấp dẫn cả đất nước và con người, hấp dẫn từ những nụ cười chiến thắng đến tà áo dài thướt tha. Làm được điều đó phải chăng có cội nguồn sức mạnh, từ bản sắc văn hóa Việt Nam, từ nền tảng giáo dục và y tế vững chắc, giàu tính nhân đạo được xây dựng và vun đắp từ bao đời nay từ nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, Bộ trưởng các Bộ Văn hóa, Giáo dục, Y tế… Mọi quyết định của lãnh đạo và mỗi người dân đều xuất phát từ tính nhân văn, từ nhu cầu đạo lý làm người”, địa biểu Hưng nói.

Cũng theo đại biểu Hưng, với phương châm trên hết, trước hết là sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chống dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “chống dịch như chống giặc. Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Vậy là triệu người như một, trên dưới một lòng đoàn kết quyết liệt chống dịch. Khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các cán bộ ngành y tế và những ngành có liên quan tận tụy làm việc ngày đêm, khi các cụ già em nhỏ cùng chung tay chống dịch thì không người Việt Nam có lương tri nào lại không làm theo.

“Phải chăng chính văn hóa đó, trên gương mẫu xung phong, nói đi đôi với làm, dưới một lòng tận tụy, không ngại gian khổ, khó khăn đã soi đường và dẫn chúng ta đến thành công. Dân tộc ta đã, đang và sẽ có một sức mạnh vô địch, đó là văn hóa. Khai thác và phát huy có hiệu quả tài nguyên vô giá này, không chỉ giúp dân tộc Việt Nam trường tồn mà còn giúp đất nước ta phát triển mạnh mẽ, không tụt hậu trong khu vực và trên thế giới. Văn hóa không chỉ là sức mạnh mềm mà văn hóa còn là nguồn vật chất lớn lao để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở những nước có truyền thống văn hóa lâu đời và đặc sắc như Việt Nam”, đại biểu Hưng kết luận.

 

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top