Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Sức sống Áo dài Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa

Thứ Sáu 26/06/2020 | 10:48 GMT+7

VHO- Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc”, đã diễn ra sáng 26.6 tại Hà Nội.  Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đã dự và phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại triển lãm Áo dài Việt Nam xưa và nay

Đây là hoạt động do Bộ VHTTDL và Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức  nhằm nhận diện, đánh giá đầy đủ về những khía cạnh lịch sử, tập quán sử dụng, chức năng, giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật và bản sắc văn hóa của Áo dài. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý di sản, các nhà thiết kế, nghệ nhân may áo dài...

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, trang phục Áo dài đã đi cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam. Áo dài không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới, là triều phục, lễ phục tôn nghiêm trong các nghi lễ của triều đình phong kiến; áo dài cũng là trang phục bình dị trong sinh hoạt đời thường. Trải qua bao biến thiên của lịch sử và tiếp biến văn hóa, ngày nay, đây vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong những dịp nghi lễ quan trọng của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Áo dài được phụ nữ mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp. Trong các sự kiện quan trọng của đất nước, trên các diễn đàn quốc tế, Áo dài mặc nhiên trở thành “quốc phục” trang trọng, lịch lãm của phụ nữ Việt Nam.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại triển lãm Áo dài Việt Nam xưa và nay

Mặc dù có một lịch sử hàng mấy trăm năm và phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng các giá trị gắn với Áo dài vẫn chưa có được vị thế của một di sản văn hóa phi vật thể  cấp quốc gia. Đối với công chúng, nhiều người vẫn chưa hiểu biết tường tận lai lịch, những bước thăng trầm, và những biến đổi không ngừng của trang phục này để định hình thành một nét văn hóa đặc sắc, mang đặc trưng văn hóa và biểu tượng trang phục của Việt Nam.

Vì vậy, hội thảo sẽ góp phần tìm hiểu về giá trị, bản sắc văn hóa của Áo dài Việt Nam; cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc Áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị Áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung, là tư liệu quý để các cấp, các ngành đề xuất hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia liên quan đến Áo dài.

Thứ trưởng  Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, chúng ta đang trong trong quá trình tích cực chuẩn bị và tổ chức nhiều hoạt động để hướng tới công nhận Áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc nhận diện chính xác những giá trị và nội hàm di sản văn hóa phi vật thể này, một mặt, sẽ giúp cho việc xây dựng thành công hồ sơ trang phục áo dài Việt Nam đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO, mặt khác, việc nghiên cứu thấu đáo các vấn đề có liên quan đến di sản này cũng giúp cho chúng ta có được những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp để đảm bảo sức sống của Áo dài theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

“ Hội thảo ngày hôm nay có một ý nghĩa quan trọng, là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, các nghệ nhân, nhà sáng tạo, sản xuất, thiết kế, đại diện cộng đồng có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị trang phục Áo dài trong mọi mặt của đời sống...”, Thứ trưởng khẳng định.

Cũng theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ, phát huy giá trị trang phục Áo dài là công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Trong đó, vấn đề nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ giá trị di sản văn hóa tốt đẹp của Áo dài Việt Nam và quảng bá những giá trị văn hóa này ra thế giới có một vị trí hết sức quan trọng.

Triển lãm Áo dài Việt Nam xưa và nay

Hội thảo tập trung làm rõ lịch sử phát triển, giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, xã hội của của Áo dài Việt Nam; bản sắc văn hóa và biểu tượng và những tập quán liên quan đến trang phục Áo dài Việt Nam; sự đa dạng, thay đổi kiểu cách, thiết kế và cắt may; cộng đồng của trang phục áo dài: làng nghề may, nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang, nhà may, những người liên quan đến trình diễn thời trang, quảng bá; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Áo dài Việt Nam.

Triển lãm Áo dài Việt Nam xưa và nay

Nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị của trang phục áo dài, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Nhiều người nước ngoài khi được hỏi đều thừa nhận áo dài chính là trang phục có tính biểu tượng gắn với người phụ nữ Việt Nam và niềm tự hào của người dân Việt Nam trên khắp thế giới. Nó cũng là một sáng tạo văn hóa nghệ thuật đóng góp vào kho tàng của nhân loại...”.

Theo Viện trưởng Bùi Hoài Sơn,  Hội thảo đã đưa ra những vấn đề khoa học quan trọng về nghiên cứu di sản áo dài, văn hóa mặc áo dài của các cộng đồng dân tộc. Các tham luận đã đề xuất giải pháp thiết thực, nhằm nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị áo dài; thực hiện các giải pháp, hoàn thiện hệ thống chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu, quảng bá áo dài; đặc biệt đưa áo dài tham gia vào nền công nghiệp văn hóa, sáng tạo, tạo môi trường không gian văn hóa cho áo dài, tôn vinh áo dài và tiếp tục công bố công trình nghiên cứu, sách về áo dài để  nhiều người biết đến.

PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top