Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Thấy gì trong “Đêm thiêng liêng...” ở di tích Hỏa Lò?

Thứ Hai 29/06/2020 | 07:08 GMT+7

VHO- Hành trình trải nghiệm về đêm vừa được BQL di tích nhà tù Hỏa Lò công bố đã mang đến nhiều… bất ngờ. Xúc động, đau đớn, xót xa, những giọt nước mắt đã rơi trên hành trình trải nghiệm tri ân, ngược dòng quá khứ để một lần nữa chứng kiến những hy sinh, tinh thần quả cảm bất khuất của những chiến sĩ cách mạng giữa chốn “địa ngục trần gian”.

Du khách trải nghiệm tại di tích vào ban đêm

Với nhiều du khách, có lẽ chưa bao giờ những xúc cảm khi đến với di tích Hỏa Lò lại được đẩy tới cao trào đến vậy.

“Thực sự rất xúc động”

TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Tôi thực sự rất xúc động. Lần đầu bước trong không gian của di tích Nhà tù Hỏa Lò vào buổi tối với sự tĩnh lặng, tôi đã cảm thấy một không khí linh thiêng. Dù chỉ diễn ra trong 45 phút nhưng hành trình trải nghiệm này đã đưa du khách đi qua những cung bậc khác nhau, như có cảm giác được hòa mình vào không khí ngột ngạt trong cuộc sống của những người tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò năm xưa...”.

Hành trình trải nghiệm về đêm vào dịp cuối tuần tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò có tên gọi ‘’Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt’’. Gần một giờ trải nghiệm nhưng đó là quãng thời gian vô cùng ý nghĩa, đưa những du khách quay ngược thời gian để cảm nhận chân thật nhất những mất mát, hy sinh của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng BQL di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết, chương trình “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” là hoạt động hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương của Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội về quảng bá điểm đến lịch sử, văn hóa, du lịch của Thủ đô. Hành trình tham quan đưa du khách trở về không gian thiêng liêng, về miền ký ức với sự lắng đọng và cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh, gian khổ mà ngời sáng về tinh thần kiên trung, bất khuất của bao thế hệ cha anh. Để cảm thấy trân quý hơn giá trị tự do mà hôm nay chúng ta được hưởng.

Hành trình bắt đầu bằng việc hướng dẫn viên thuyết minh cho đoàn từ lối cổng chính. Để đảm bảo không khí trang nghiêm, tĩnh mịch về đêm, mỗi đoàn được giới hạn không quá 20 - 25 người. Trong bóng tối và sự yên lặng, với hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh, hành trình khám phá di tích được thiết kế gồm: Cổng chính, trại giam nam tù tập thể, trại giam nam tù chính trị, ngục tối, cây bàng, các cửa cống ngầm, trại giam nữ tù chính trị, máy chém, xà lim tử hình, đài tưởng niệm. Du khách được nghe giọng thuyết minh giàu cảm xúc về kiến trúc nhà tù cùng các câu chuyện xúc động về cuộc đấu tranh của các tù chính trị.

Đánh thức mọi cảm xúc, giác quan của du khách, điều mà những chuyến tham quan vào ban ngày chưa làm được trọn vẹn, trải nghiệm đêm tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đưa người xem đi qua những cung bậc cảm nhận, từ khâm phục, xót xa đến đau đớn, quặn thắt tâm can. Không ai nhìn thấy ai trực diện trong hành trình ấy, nhưng có lẽ tất cả đều chung một niềm xúc cảm, rưng rưng trước sự hy sinh của các bậc tiền nhân.

Những du khách đầu tiên tham gia trải nghiệm chia sẻ, đây là một hành trình mang đến những cảm nhận chân thực về không gian tù ngục. Nhiều cảm xúc đồng hiện trong những giây phút ấy, từ giật mình, xót xa trước sự khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân; đến khâm phục ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ mà tên tuổi của họ đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. “Không gian nhà tù tăm tối, ngột ngạt với ánh sáng le lói hắt xuống, cùng âm thanh được tái hiện đã cho du khách cảm nhận chân thực về sự khắc nghiệt của nhà tù thực dân. Tôi đã đứng trong không khí như thế và cảm nhận những điều thiêng liêng nhất về Tổ quốc, về những hy sinh của các bậc tiền nhân…”, TS Quân chia sẻ.

Cần thêm những tương tác, cao trào

Cũng theo TS Phạm Quốc Quân, tất cả bầu không khí ngột ngạt, sự hà khắc nơi ngục tù tăm tối, xiềng xích gông cùm bủa vây sự sống của những người tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò năm xưa đã được chuyển tải đến du khách khá thành công trên hành trình trải nghiệm này. “Cuộc trải nghiệm đầu tiên có sự tham gia của người già, người trẻ. Trên từng nét mặt, sự chăm chú của họ cho thấy rằng thông điệp hướng về quá khứ, tri ân các bậc tiền nhân đã đi vào lòng người, mang ý nghĩa giáo dục lịch sử cho nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ…”, ông Quân xúc động.

Một trong những điểm dừng lấy nhiều nước mắt sau mỗi bước chân là trải nghiệm ở khu tù tập thể nam. Ở đó, du khách lắng nghe những câu chuyện kiên cường về những chiến sĩ cách mạng giữa âm thanh tra tấn gông cùm, đòn roi khắc nghiệt. “Đó là những câu chuyện gợi nhớ cách tra tấn xiềng đơn, xiềng kép, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói, vệ sinh tại chỗ… mà các cựu tù Hỏa Lò đã phải chịu đựng trong một thời gian dài. Nhưng trên tất cả là tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất mà không một đòn roi, một sự tra tấn khắc nghiệt nào có thể khuất phục họ…”, một bạn trẻ tham gia hành trình trải nghiệm bộc bạch.

Tại không gian giam tù nữ, trong tiếng ầu ơ vẳng lại, câu chuyện đẫm lệ về bà Nguyễn Thị Quang Thái, vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến người xem xa xót, thắt lòng rơi nước mắt. Đó là một trong những câu chuyện kể về sự mất mát, hy sinh của những người vợ xa chồng, người mẹ nhớ con, dằn lòng quên đi tất cả vì cách mạng. Bao lần người mẹ Nguyễn Thị Quang Thái nhớ con, đến khi có nguyện vọng gặp con lần cuối trước khi hy sinh tại nhà tù mà cũng không được. Nhiều nữ chiến sĩ cách mạng cũng trong tình cảnh đau đớn ấy, và du khách thì cảm nhận được sự đau đớn đến thắt lòng trước cảnh chia ly của tình mẫu tử.

Sau những phút chìm đắm trong nỗi thấp thỏm, thắt tim của câu chuyện ngục tù, du khách được thả lỏng cảm xúc khi bước qua không gian của sân tù, dưới bóng cây bàng cổ thụ từng là nơi các chiến sĩ cách mạng tắm nắng nhưng cũng để tranh thủ giấu bí mật tuyên truyền hoạt động cách mạng. Khúc nhạc của cựu tù nhân nhà tù Hỏa Lò, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vang lên, để du khách nhớ đến những người chiến sĩ cách mạng bất khuất, kiên dũng từng bị giam cầm nơi đây.

Trong hành trình trải nghiệm, du khách cũng sẽ được khám phá 2 chiếc cống ngầm, là nhân chứng cho những cuộc vượt ngục kỳ diệu của các chiến sĩ cách mạng; xem những hình tượng mô phỏng các chiến sĩ cách mạng tìm đường vượt ngục… Không gian tưởng niệm là nơi cuối cùng của hành trình về đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò. Tại đây, tất cả cùng đốt nén hương thơm, thành kính dâng lên những người con đất Việt đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.

TS Phạm Quốc Quân nhận định, trải nghiệm buổi tối tại di tích Hỏa Lò chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Vì thế, cần có sự phối hợp mạnh và nhiều chiều hơn giữa các công ty du lịch và BQL di tích nhằm tạo nên một sản phẩm văn hóa chất lượng. Nếu có điều gọi là đáng tiếc ở đây, theo ông Quân, là cần có sự tương tác nhiều hơn giữa người trải nghiệm với người tham gia thực hiện hành trình cùng các nhân chứng lịch sử. Ông Quân cũng đề xuất BQL di tích cần tạo thêm hiệu ứng nhiều hơn từ ánh sáng, âm thanh. Ví dụ, âm thanh nên có những cung bậc khác nhau, có đoạn cần tạo cao trào như ở khu vực máy chém, hay những tiếng vọng “đả đảo” ở khu phòng giam cần mạnh hơn, khu vực Đài Tưởng niệm nếu có tiếng vọng của các tử tù sẽ tạo thêm bầu không khí linh thiêng, đi vào lòng người nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, bước đầu tour trải nghiệm mới này tổ chức vào cuối tuần là phù hợp, kết hợp với hoạt động của khu phố đi bộ để phát huy hơn hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài nên tính toán, phối hợp với các tour du lịch đưa đến đây những đoàn khách trong nước và quốc tế, để sau mỗi bước chân đi của du khách đều là những trải nghiệm thấm thía về lịch sử, về truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Chương trình sẽ được thực hiện từ 19h các ngày thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, kể từ ngày 24.7. 

 Đó là những câu chuyện gợi nhớ cách tra tấn xiềng đơn, xiềng kép, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói, vệ sinh tại chỗ… mà các cựu tù Hỏa Lò đã phải chịu đựng trong một thời gian dài. Nhưng trên tất cả là tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất mà không một đòn roi, một sự tra tấn khắc nghiệt nào có thể khuất phục họ…

(Một bạn trẻ tham gia hành trình trải nghiệm)

 

 BẢO ANH; ảnh: NG.TÚ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top