Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

“Nếu coi văn hóa là nền tảng thì phải dành ngân sách đầu tư cho văn hóa”

Thứ Hai 29/06/2020 | 07:39 GMT+7

VHO- “Nếu coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì phải dành ngân sách cố định đầu tư cho văn hóa. Bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc...”, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh điều này tại chương trình Đối thoại Văn hóa với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP.HCM - Thành phố Văn hóa”, diễn ra vào cuối tuần qua.

 Diễn đàn thu hút đông đảo các chuyên gia văn hoá, nhà quản lý, văn nghệ sĩ tham gia trao đổi

 Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Sở VHTT và Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình đối thoại này để bàn luận giữa lãnh đạo TP và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề cốt lõi, thực trạng các mặt đời sống văn hóa đang tác động đến môi trường văn hóa và đời sống của người dân TP.

Vì sao phải quan tâm xây dựng Thành phố văn hóa?

Mở đầu, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chương trình “Đối thoại Văn hóa” là chủ trương của Thường trực Thành ủy cụ thể hóa Chương trình hành động số 45-CTr/TU nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và được thực hiện trong bối cảnh TP chọn chủ đề năm 2020 “Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, văn hoá bên trong đó chính là đặc điểm của dân tộc, triết lý sống của cộng đồng dân cư, nếp sống trở thành chuẩn mực của cộng đồng, đem lại sức mạnh quốc gia. Sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Ông Nhân cũng cho biết, trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP cũng xác định mục tiêu “Xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”. Với tinh thần này, Bí thư yêu cầu các chuyên gia, nhà quản lý, lực lượng văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cùng trao đổi, hiến kế để lãnh đạo TP có những giải pháp đúng đắn hơn về phát triển văn hóa.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng khi nói tới văn hóa là nói tới ý thức con người, bao gồm: Lý trí, tức khả năng suy nghĩ, phân biệt đúng, sai, phải, trái để biết cái gì là quy luật; là Chân lý, đó là cơ sở của mọi sáng tạo; là Tâm linh, tức khả năng hướng tâm thức về những đạo lý sống xoay quanh những điều Thiện, những cái thiêng liêng, gồm cả đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo; là Tình cảm, tức khả năng rung động của trái tim con người đối với cái Đẹp, là cơ sở của sự cảm thụ thẩm mỹ và sáng tạo về văn học nghệ thuật. Mặt khác, về nguyên lý mỗi người sinh ra không phải ai cũng có văn hóa ngay, cộng đồng xã hội cũng vậy, về nguyên tắc văn hóa phải có quá trình tích lũy đi từ thấp lên cao. Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi người, văn hóa có thể có sự kế thừa từ thế hệ trước để lại cho thế hệ sau thông qua gen di truyền về mặt sinh học hoặc sự trao truyền vốn truyền thống về mặt xã hội. Nhưng, tất cả phải trên cơ sở chúng ta cần có ý thức bảo tồn và phát huy mọi thành tựu văn hóa vốn có, tránh được tình trạng vô ý thức/tự đánh mất những thế mạnh văn hóa do bản thân, gia đình và cộng đồng dân tộc đã tích lũy được…

Như vậy, xây dựng Thành phố Văn hóa thực chất là những hoạt động chủ động nhằm làm cho định hướng Chân - Thiện - Mỹ vốn là ba hệ thống giá trị văn hóa cao nhất được hiện thực hóa và được bảo tồn, phát huy tốt tác dụng tích cực của nó trong đời sống, thông qua những hình thức hoạt động cụ thể, trước hết là của toàn bộ hệ thống chính trị lãnh đạo và quản lý TP.

 Chương trình ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu

Cần có ngân sách cố định cho văn hóa

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, “đời sống thực tiễn TP luôn sôi động, ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay lại chưa phản ánh được thực tế đó, chưa có những tác phẩm xứng tầm. Do đó, việc tổ chức một kênh đối thoại văn hóa định kỳ là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay”. Ông Liêm đề nghị các Sở, ngành quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về giáo dục gắn với xây dựng nền tảng văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, có giải pháp giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống, văn hoá gia đình, những phẩm chất đặc trưng của con người TP trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Tại buổi đối thoại, nhiều văn nghệ sĩ tiếp tục băn khoăn khi một số bộ môn nghệ thuật truyền thống không có đất diễn, thiếu lực lượng kế thừa, có khả năng dẫn đến nguy cơ mai một. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, tài chính để bảo vệ, phát huy những bộ môn này đang gặp vô vàn khó khăn…

Lắng nghe những tâm tư của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình và nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà quên đi văn hóa thì tệ nạn và những hệ lụy xã hội sẽ xảy ra,… Điều này chúng ta đã nhận thức sớm nhưng việc thực thi còn trễ”. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, “nếu coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì phải dành ngân sách cố định đầu tư cho văn hóa. Bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc. Đề nghị HĐND tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách cứng cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động biểu diễn. Cần phải có một tỉ lệ cố định ngân sách dành cho văn hóa”. Bí thư cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, trong đó cụ thể là Đài Truyền hình TP.HCM phải dành một tỉ lệ phát sóng cố định về văn hóa dân tộc.

Trước những băn khoăn về đào tạo văn hóa - nghệ thuật cho thế hệ trẻ, người đứng đầu Thành ủy cho rằng cần đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc vào các trường học phổ thông càng sớm càng tốt. Nhấn mạnh vấn đề này, ông cho biết, đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy, muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng. Từ phân tích trên, ông Nhân đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây dựng trường phổ thông năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật. “ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có trường phổ thông năng khiếu với thế mạnh đào tạo những tài năng khoa học - kỹ thuật thì các cơ sở đào tạo khác như Nhạc viện TP hoặc các trường ĐH, CĐ văn hóa cần nghiên cứu để thành lập trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật, tuyển sinh và đào tạo các em từ nhỏ. Các học sinh này vừa học văn hóa phổ thông song song với đào tạo và phát triển tài năng để ươm mầm trong tương lai”, Bí thư Thành ủy mong muốn rằng các trường phổ thông này cũng sẽ không nhiều học sinh, đào tạo khoảng 100 em nhưng cần phải chất lượng. “TP.HCM chi ngân sách đầu tư cho trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật vì nó xứng đáng để TP đầu tư”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn các đơn vị cần nghiên cứu thực trạng về đời sống văn hoá trên địa bàn TP dưới góc độ hình thành hệ sinh thái về nghệ thuật; hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm của mỗi người dân với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. 

 ... Cần nghiên cứu để thành lập trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật, tuyển sinh và đào tạo các em từ nhỏ. Các học sinh này vừa học văn hóa phổ thông song song với đào tạo và phát triển tài năng để ươm mầm trong tương lai. TP.HCM chi ngân sách đầu tư cho trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật vì nó xứng đáng để TP đầu tư.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN)

 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top